Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyết tâm đưa F0 ra khỏi cộng đồng và đẩy mạnh tiêm vaccine ngừa Covid-19

03:08, 30/08/2021

(ĐN)- Sáng 30-8, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương về công tác phòng, chống dịch

(ĐN)- Sáng 30-8, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid- 19 của tỉnh đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Huy Anh
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Huy Anh

Thông tin tại hội nghị, TS.BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, tính đến 22 giờ ngày 29-8, Đồng Nai có hơn 23 ngàn ca mắc Covid-19, trong đó có gần 10 ngàn ca đã được điều trị khỏi bệnh và xuất viện, hiện còn hơn 13 ngàn ca đang điều trị.

Tính đến nay, các huyện, thành phố của tỉnh đã hoàn thành xét nghiệm diện rộng lần 2 và đang xét nghiệm đợt 3 bằng phương pháp PCR mẫu gộp 5. Qua các đợt xét nghiệm diện rộng, phần lớn các huyện đã đạt mục tiêu bước đầu là tách F0 ra khỏi cộng đồng, tuy nhiên còn một số huyện, thành phố như: Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Biên Hòa vẫn còn F0 trong cộng đồng.

Các cơ sở điều trị F0 tại các địa phương cơ bản đáp ứng được tình hình, riêng H.Nhơn Trạch đang quá tải nên tỉnh sẽ hỗ trợ chuyển bớt F0 về các cơ sở chăm sóc của tỉnh để giảm tải cho huyện. Nhơn Trạch cũng là địa phương đang có diễn biến dịch phức tạp nên Sở Y tế thành lập đội tăng cường cho huyện về phòng, chống dịch bệnh.

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh
Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh

TS.BS Nguyễn Đức Sơn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe và môi trường, Tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế tại Đồng Nai nhận định, mấy ngày qua, công tác phòng, chống dịch nói chung và công tác xét nghiệm diện rộng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng được thực hiện khá tốt. Nhưng trong ngày thứ Bảy và Chủ Nhật, khi một số địa phương gửi mẫu xét nghiệm về cơ sở xét nghiệm khẳng định của tỉnh đã xảy ra lỗi, như mẫu đủ nhưng không có tên mẫu trong danh sách hoặc trong danh sách có tên nhưng không có mã mẫu… Để đạt mục tiêu đến ngày 5-9 khống chế được dịch bệnh, tỉnh cần rút kinh nghiệm những sai sót và một số lỗi trong lấy mẫu các đợt vừa qua để việc xét nghiệm bổ sung sau khi hoàn thành kế hoạch xét nghiệm diện rộng của tỉnh được tiến hành chuẩn chỉnh.

Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đào Văn Phước cho biết, đa số nhân dân trên địa bàn tỉnh có ý thức tốt trong việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh; không ra ngoài đường khi không có việc thực sự cần thiết. Song, một số người dân băn khoăn, lo lắng không biết khi nào thì hết dịch bệnh, vì dịch bệnh đã ảnh hưởng quá lớn đến đời sống nhân dân. Tỉnh nên nghiên cứu có thêm chế độ, chính sách cho lực lượng chống dịch để động viên tinh thần làm việc của mọi người; đồng thời có sự hỗ trợ đối với lực lượng y tế ngoài tỉnh khi đến giúp Đồng Nai trong phòng, chống dịch Covid-19.

TS.BS Nguyễn Đức Sơn, Tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế tại Đồng Nai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Huy Anh .
TS.BS Nguyễn Đức Sơn, Tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế tại Đồng Nai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Huy Anh .

Cũng theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Đồng Nai vừa được phân bổ về 500 ngàn liều vaccine Sinopharm, do đó ngành y tế cần có hướng dẫn cụ thể để nhân dân hiểu rõ tác dụng của vaccine trong phòng, chống Covid-19, từ đó tích cực tiêm chủng để sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý các đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt quan điểm lấy xã, phường làm pháo đài mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra với 8 điểm cần làm. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục thực hiện xét nghiệm diện rộng theo kế hoạch của UBND tỉnh đã đề ra với phương châm chính xác, thần tốc, đảm bảo đúng quy định; không được để điểm xét nghiệm diện rộng trở thành điểm lây lan dịch bệnh. Chúng ta phải coi chống Covid-19 như chống giặc, chống đồng thời cả “thù trong, giặc ngoài”. Tức là, khi đã đưa hết F0 trên địa bàn tỉnh ra khỏi cộng đồng, thì cần phải chốt chặt các cửa ngõ vào Đồng Nai, không để F0 từ các nơi khác lọt vào tỉnh. Hai việc này được tiến hành hiệu quả thì Đồng Nai sớm khống chế được dịch bệnh.

Bên cạnh đó, cần tập trung điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. Hiện nay đã có thuốc uống để điều trị tầng 1; có thuốc tiêm điều trị tầng 2 - 3 và có các gói thuốc đông y hỗ trợ, nâng cao sức khỏe cho bệnh nhân Covid-19..., do đó có thêm vũ khí chiến đấu cho bệnh nhân nên phải quyết tâm giảm số tử vong đến mức thấp nhất. Vừa qua, tỉnh rất nỗ lực trong việc phòng, chống Covid-19; các khu điều trị F0 chưa bị quá tải nên chưa phải điều trị F0 tại nhà, toàn tỉnh cần tiếp tục nỗ lực để nâng cao kết quả điều trị bệnh nhân Covid-19.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đào Văn Phước phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đào Văn Phước phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Huy Anh

Riêng đối với H.Nhơn Trạch đang quá tải trong điều trị F0 và cũng chậm trong xét nghiệm diện rộng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị huyện cố gắng để theo kịp với các địa phương khác. Việc khống chế dịch bệnh trên địa bàn tỉnh nói chung đang có chiều hướng tốt nhưng không chủ quan. Các địa phương phải lưu ý ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi về làm việc tại Đồng Nai mới đây, đó là phải chuẩn bị khi tình huống xấu xảy ra.

Hiện nay, UBND tỉnh đang xem xét mở thêm một số khu điều trị F0 và nếu tình hình diễn biến phức tạp hơn nữa thì phải điều trị F0 tại nhà nên mỗi xã, phường phải xây dựng 1 trạm y tế lưu động, tiếp cận và giúp đỡ bệnh nhân ngay tại cộng đồng. Khi người dân gọi vào đường dây nóng để thông báo triệu chứng nhiễm Covid-19 thì phường, xã phải cử tổ y tế xuống tận nhà giúp người dân ngay, không chậm trễ.

Cùng với đó, đẩy mạnh tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Đến nay toàn tỉnh mới có gần 800 ngàn người được tiêm ngừa vaccine/tổng số nhu cầu tiêm là 4,5 triệu lượt người nên tỷ lệ đã được tiêm còn thấp. Trong tuần này, tỉnh phải tiêm xong 500 ngàn liều vaccine Sinopharm vừa được phân bổ về Đồng Nai, qua đó giúp người dân có thêm áo giáp chống được dịch bệnh. Sở Y tế cần thông tin ngay chất lượng loại vaccine này để người dân tin tưởng, thực hiện tiêm chủng đầy đủ.

Vừa rồi toàn tỉnh đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong nhân dân. Thời gian tới, tiếp tục tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: phải lấy xã, phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ, cuộc chiến này có thành công hay không là do ý thức, công sức, trách nhiệm của người dân; hệ thống chính trị hướng dẫn người dân hành động, người dân hành động đúng là chúng ta thành công. Tuyên truyền phải đi trước một bước để người dân hiểu và cùng hành động; tất cả các binh chủng tham gia công tác truyền thông phải đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19; tương tác và đa dạng cách thức tuyên truyền để đến được người dân và xoay chuyển được nhận thức của người dân là hết sức quan trọng.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh: Huy Anh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Huy Anh

Cùng với công tác tuyên truyền, tiếp tục đẩy mạnh an sinh xã hội và an ninh trật tự. Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ và các đoàn công tác của Trung ương đánh giá cao khi hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở đã tận tâm với nhân dân. Toàn tỉnh cần phát huy thành quả này để không người dân nào đói khi thực hiện giãn cách xã hội. Các đường dây nóng an sinh xã hội và y tế phải trực 24/24 để tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin, không để xảy ra tắc nghẽn đường dây nóng. Xã, phường nào thiếu nguồn lực chăm lo cho dân thì báo về huyện và tỉnh để được hỗ trợ.

Trong cuộc chiến chống Covid-19, giống như một trận đánh, trước khi ra trận thì tướng lĩnh là quan trọng; tinh thần và năng lượng của tướng lĩnh chính là sức bật quan trọng cho cuộc chiến. Bí thư các huyện, thành phố như tướng lĩnh trong trận chiến, phải truyền lửa cho đội ngũ của mình có tinh thần cháy bỏng vì mục tiêu chống dịch, không vì sự nóng ruột của chống dịch mà làm mất lửa của đội ngũ. Dịch bệnh kéo dài làm cho đội ngũ cán bộ nói chung và ở cơ sở nói riêng đã quá vất vả, do đó lãnh đạo phải động viên anh em, tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn vì mục tiêu chống dịch ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, trong quá trình chống dịch có những cán bộ vì lý do sức khỏe và lý do khác không tiếp tục ra trận được thì vận động họ nghỉ ngơi để người khác ra trận thay. Việc thay tướng lúc này là phụng sự cho nhân dân, nếu thấy cần thay là phải thay để có những tướng giỏi phục vụ cho chiến dịch…

Phương Hằng

Tin xem nhiều