Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng dẫn tiêu chí xây dựng và xét chọn mô hình, điển hình "Dân vận khéo"

03:06, 25/06/2021

(ĐN) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 và Chỉ thị 06-CT/TU ngày 21-1-2021 của Ban TVTU về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã có hướng dẫn tiêu chí xây dựng và xét chọn mô hình, điển hình "Dân vận khéo", giai đoạn 2021-2025.

 

(ĐN) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 và Chỉ thị 06-CT/TU ngày 21-1-2021 của Ban TVTU về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã có hướng dẫn tiêu chí xây dựng và xét chọn mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, giai đoạn 2021-2025.

Ban Dân vận Tỉnh ủy khen thưởng các điển hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016-2020.
Ban Dân vận Tỉnh ủy khen thưởng các điển hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, đối với “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế - xã hội là vận động nhân dân xây dựng hạ tầng nông thôn (điện, đường, trường, trạm); xây dựng các mô hình trên lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao; xây dựng đô thị văn minh “sáng - xanh - sạch - đẹp”; huy động các nguồn lực xã hội thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm cho đoàn viên, hội viên và nhân dân; xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, gia đình hiếu học; xây dựng các loại hình hợp tác phát triển sản xuất, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, thi đua làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình; vận động thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động chăm lo gia đình chính sách, người nghèo, người neo đơn, người cao tuổi, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam… trong chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo, các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong tôn giáo, dân tộc và các nhà hảo tâm tham gia hoạt động xã hội, từ thiện.

“Dân vận khéo” trên lĩnh vực quốc phòng- an ninh, gồm: vận động tổ chức lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc phòng- an ninh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông; phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận phòng thủ nhân dân; tham gia vận động người dân trong thực hiện các dự án trọng điểm gặp phải khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải tỏa, tái định cư; tham gia hòa giải các mối quan hệ trong cộng đồng dân cư.

“Dân vận khéo” trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị là thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, với phương châm: “trọng dân, gần dân, học dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính; khéo trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo những vấn đề bức xúc, nổi cộm của nhân dân; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân trên các lĩnh vực nhằm xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội trong sạch vững mạnh.

Những mô hình “Dân vận khéo” là những tập thể, cá nhân thực sự tiêu biểu trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các mô hình phải thể hiện được cách làm sáng tạo, mạng lại hiệu quả kinh tế- xã hội cao, có tính lan tỏa, ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng, nội dung thực hiện phải gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ngoài các tiêu chí chung như trên, tập thể và cá nhân điển hình “Dân vận khéo” phải thực hiện tốt các tiêu chí cụ thể đối với cấp ủy, tổ chức Đảng; đối với khối chính quyền, các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các đơn vị kinh tế; đối với MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội, các hội quần chúng; đối với lực lượng vũ trang và đối với cá nhân điển hình “Dân vận khéo”.

Vào tháng 2 hàng năm, các tập thể, cá nhân đăng ký mô hình thi đua “Dân vận khéo” với cơ quan, đơn vị phát động và xét chọn công nhận vào tháng 10 hàng năm.

Đồng chí Phạm Thị Kim Chung, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh đã xây dựng được 11.890 mô hình “Dân vận khéo” của 7.672 tập thể và 6.296 cá nhân đăng ký thực hiện trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Đến nay, phần lớn các mô hình đã được thực hiện thành công, thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020.

Phương Hằng

Tin xem nhiều