Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển hệ thống kênh mương thủy lợi gắn với xây dựng nông thôn mới

05:04, 05/04/2021

(ĐN)- Chiều 5-4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì buổi làm việc về kết quả thực hiện xây dựng đề án rà soát, đánh giá hiện trạng và xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống kênh mương thủy lợi gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

(ĐN)- Chiều 5-4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì buổi làm việc về kết quả thực hiện xây dựng đề án rà soát, đánh giá hiện trạng và xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống kênh mương thủy lợi gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì buổi làm việc
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì buổi làm việc

Theo kết quả điều tra, khảo sát và đánh giá về hiện trạng hệ thống kênh mương, hiện toàn tỉnh có 131 công trình thủy lợi đang hoạt động gồm: 16 hồ chứa, 56 đập dâng, 36 trạm bơm, 8 công trình ngăn mặn, ngăn lũ, 15 kênh tạo nguồn và kênh tiêu phục vụ tưới cho gần 32,5 ngàn ha. Tổng chiều dài kênh mương trên địa bàn tỉnh hiện có trên 478 km.

Theo tính toán của đề án rà soát, đánh giá hiện trạng và xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống kênh mương thủy lợi gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, kế hoạch đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống kênh mương nội đồng theo các giai đoạn đến năm 2035, tổng chiều dài kênh mương cần kiên cố hóa trên 980 km, gồm: trên 103 km kênh tưới hiện trạng cần kiên cố hóa, trên 877 km kênh mương xây dựng mới, 58 km kênh tiêu và trên  72 km đê bao và một số hạng mục khác.

Năng lực phục vụ của các công trình thủy lợi đạt hơn 37,6 ngàn ha, tăng trên 5 ngàn ha so với năm 2020, đạt trên 113,6% so với thiết kế; kiên cố hóa 100% kênh mương theo bộ tiêu chí nông thôn mới. Tổng nhu cầu kinh phí đầu tư dự kiến trên 1,7 ngàn tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách khoảng trên 1,2 ngàn tỷ đồng, còn lại vốn xã hội hóa.

Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi giao cho Sở NN-PTNT và đơn vị tư vấn hoàn chỉnh đề án vào tháng 4 năm 2021. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, với diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh tương đối lớn, việc đầu tư cho hệ thống công trình thủy lợi khá quan trọng cho phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, vì vậy đơn vị tư vấn đề án cần làm rõ nội dung về việc bố trí kinh phí ở cấp tỉnh, cấp huyện trong đầu tư các công trình thủy lợi; tạo cơ sở để các địa phương chủ động về nguồn kinh phí trong đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, bảo trì, quản lý… các công trình do cấp huyện đầu tư. Đề án cần ưu tiên tập trung đầu tư các công trình thủy lợi trong giai đoạn 2021-2025 để đạt tiêu chí về thủy lợi cho nông thôn mới nâng cao vì đây là giai đoạn tỉnh phấn đấu hoàn thành nông thôn mới nâng cao.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều