Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuân về trên chiến khu…

04:02, 15/02/2021

Những ngày đầu năm mới, chúng tôi theo các đoàn công tác của tỉnh, Quân khu 7 và Bộ Quốc phòng về thăm, tặng quà, dâng hương khu Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và các địa bàn trong vùng lõi chiến khu Đ.

Những ngày đầu năm mới, chúng tôi theo các đoàn công tác của tỉnh, Quân khu 7 và Bộ Quốc phòng về thăm, tặng quà, dâng hương tại khu Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và các địa bàn trong vùng lõi chiến khu Đ.

Lãnh đạo Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam và Bộ CHQS tỉnh dâng hương căn cứ Trung ương Cục miền Nam thời kỳ 1961-1962. Ảnh: Nguyệt Hà
Lãnh đạo Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam và Bộ CHQS tỉnh dâng hương căn cứ Trung ương Cục miền Nam thời kỳ 1961-1962. Ảnh: Nguyệt Hà

Người dân vùng Chiến khu như vui hơn bởi Tết năm Tân Sửu 2021 gắn với nhiều sự kiện quan trọng, như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII của Đảng thành công và chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Khu ủy miền Đông; 60 năm Quân Giải phóng miền Nam (GPMN) Việt Nam ra đời (15-2-1961- 15-2-2021)…

* Thắng lợi từ sự lãnh đạo của Đảng

Cách đây 60 năm, ngày 15-2-1961, Quân GPMN Việt Nam được thành lập tại Căn cứ Trung ương Cục (Khu vực Chiến khu Đ ngày nay). Ngay khi được thành lập, Quân GPMN đã bám sát phương châm phát triển lực lượng, cùng toàn dân đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ (1961-1965). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Bộ tư lệnh Miền, Quân GPMN Việt Nam tập trung xây dựng lực lượng gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; trong đó chú trọng phát triển bộ đội chủ lực cả về biên chế, tổ chức và vũ khí trang bị.

Chỉ sau một năm thành lập, đến năm 1962, Quân GPMN Việt Nam đã xây dựng được 2 trung đoàn bộ binh ở miền Đông Nam bộ và 3 trung đoàn bộ binh ở Quân khu 5. Đây là những đơn vị bộ đội chủ lực đầu tiên đặt nền móng cho Quân GPMN Việt Nam không ngừng phát triển lớn mạnh.

Các đơn vị đã thực hiện tốt việc kết hợp vừa xây dựng, vừa đẩy mạnh các hoạt động tác chiến với nhiều trận đánh quy mô vừa và nhỏ, tiêu biểu là trận đánh Ấp Bắc (Mỹ Tho) tháng 1-1963, giành thắng lợi, mở ra phong trào “thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công” trên toàn chiến trường miền Nam.

Theo lãnh đạo xã Phú Lý, Mã Đà, Hiếu Liêm, mùa xuân Tân Sửu 2021, các địa phương này đã vận động trên 3,1 ngàn phần quà (bình quân từ 300- 500 ngàn đồng/phần) trao tặng các hộ khó khăn, hộ cận nghèo và gia đình chính sách. Ngoài ra, trong mùa Xuân này, Ban CHQS H.Vĩnh Cửu còn phối hợp với xã Phú Lý tổ chức Tết quân dân ấm tình dân bản với nhiều hoạt động phong phú, làm vùng chiến khu thêm sắc Xuân ấm nồng tình quân dân…

Từ đánh tập trung quy mô đại đội, tiểu đoàn, phát triển lên quy mô trung đoàn; trong chiến dịch Bình Giã (từ 2-12-1964 đến 3-1-1965), lần đầu tiên Quân GPMN Việt Nam sử dụng 2 trung đoàn bộ binh tiến công, đánh bại các chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của địch. Tiếp đó, Quân GPMN mở chiến dịch Đồng Xoài (10-5 đến 22-7-1965) và chiến dịch Ba Gia (28-5 đến 20-7-1965) giành thắng lợi, đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức, chỉ huy và trình độ tác chiến tập trung, làm thất bại các chiến lược của địch, góp phần cùng toàn dân đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của quân xâm lược…

Lãnh đạo Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam và Bộ CHQS tỉnh chụp hình lưu niệm tại nhà bia QGPMN Việt Nam tại Chiến khu Đ. Ảnh: Nguyệt Hà
Lãnh đạo Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam và Bộ CHQS tỉnh chụp hình lưu niệm tại nhà bia QGPMN Việt Nam tại Chiến khu Đ. Ảnh: Nguyệt Hà

Theo thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Quân GPMN Việt Nam là một bộ phận của Quân đội Nhân dân Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất về mọi mặt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và sự chỉ huy thống nhất của Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy, Bộ Tư lệnh Miền. Sự chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ này là yếu tố tiên quyết để QGPMN Việt Nam hoàn thành xuất sắc sứ mệnh được Đảng và Nhân dân giao phó.

“Nhân tố quyết đinh tạo nên sức mạnh, làm nên những chiến công to lớn đó của Quân GPMN Việt Nam chính là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền. Đồng thời, đó còn là sự nỗ lực cao độ của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ QGPMN Việt Nam nói riêng, quân và dân cả nước nói chung” - thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên nhấn mạnh…

* Người dân luôn tin Đảng, chính quyền

Ông Phan Thanh Chương, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu kể lại, đồng bào Phú Lý, nhất là 100% hộ dân tộc Chơ Ro tại ấp Lý Lịch 1 luôn tin theo Đảng, Bác Hồ, tin chính quyền và các đoàn thể địa phương.

“Có một thực tế, nếu có tập thể, cá nhân đến tặng quà cho đồng bào mà chưa thông qua cấp ủy, chính quyền, đồng bào kiên quyết không nhận. Điều đó cho thấy, cấp ủy, chính quyền nơi đây đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc cảnh giác trước những âm mưu của kẻ thù”, ông Phan Thanh Chương nhấn mạnh.

Tặng quà Tết cho đồng bào khó khăn trong chương trình Tết quân dân Xuân Tân Sửu. Ảnh: Nguyệt Hà
Tặng quà Tết cho đồng bào khó khăn trong chương trình Tết quân dân Xuân Tân Sửu. Ảnh: Nguyệt Hà

Cũng theo ông Chương, hiện nay Phú Lý có trên 18 ngàn dân, đến cuối năm 2020 toàn xã đã xóa hết hộ nghèo, chỉ còn 7 hộ cận nghèo. Từ một địa phương thuần nông đến nay, Phú Lý đã chuyển đổi thành công nhiều mô hình kinh tế như “vườn, chuồng, rừng” hoặc mô hình “bảo vệ rừng trong khu vực sinh sống”…

Gia đình ông Huỳnh Công Danh, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chơ Ro là một hộ đã từng vượt nghèo ngoạn mục. Hiện nay, ngoài nhận trông giữ xe tại khu chợ Phú Lý, ông cùng gia đình còn tham gia các hoạt động bảo vệ rừng theo đề án của Trung tâm bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.

Ông Danh cho hay, so với khoảng 6-7 năm trước đây, đời sống người dân ở đây, nhất là 162 hộ đồng bào dân tộc không còn nghèo. Người dân tuyệt đối tin Đảng, chính quyền vì Đảng, chính quyền đã cho họ được cuộc sống mới, thoát nghèo và có cuộc sống việc làm ổn định.

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Tất Độ tặng quà và thăm hỏi ông Huỳnh Công Danh người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chơ Ro xã Phú Lý. Ảnh: Nguyệt Hà
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Tất Độ tặng quà và thăm hỏi ông Huỳnh Công Danh người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chơ Ro xã Phú Lý. Ảnh: Nguyệt Hà

Không chỉ gia đình ông Danh, nhiều hộ đồng bào dân tộc ở xã Phú Lý và các xã trong vùng lõi Chiến khu Đ giờ đã có cuộc sống đổi thay, thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, tin Đảng, chính quyền chung tay xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

60 năm sau ngày thành lập Quân GPMN Việt Nam, người dân các xã xung quanh vùng căn cứ cách mạng trước đây đều có cuộc sống đổi thay. Họ đều tự hào về truyền thống quê hương, nơi ra đời của Quân GPMN Việt Nam, Khu ủy miền Đông và nơi từng được coi là “Việt Bắc” đối với kẻ thù. Vì thế, họ đoàn kết, chung tay cùng xây dựng quê hương, đất nước, góp phần làm giàu cho vùng căn cứ cách mạng trước đây.

Hội thảo khoa học “QGPMN Việt Nam- vai trò lịch sử và bài học kinh nghiệm lần đầu tiên do Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy tổ chức tại Đồng Nai tổ chức mới đây. Gần 90 tham luận cùng nhiều ý kiến trao đổi tại hội thảo tiếp tục làm rõ vai trò lịch sử, bài học kinh nghiệm và ý nghĩa to lớn của QGPMN trong 15 năm hình thành và phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam, QGPMN đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử, đóng góp to lớn giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc…


Nguyệt Hà

Tin xem nhiều