Báo Đồng Nai điện tử
En

Hội đồng lý luận Trung ương khảo sát về mô hình tăng trưởng ở Đồng Nai

01:11, 02/11/2020

(ĐN)- Sáng 2-11, Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương đã có buổi khảo sát thực tế tình hình phát triển kinh tế tại Đồng Nai 

(ĐN)- Sáng 2-11, Đoàn công tác do T.S Đặng Kim Sơn, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Viện nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi nghiên cứu, khảo sát thực tế tình hình phát triển kinh tế tại Đồng Nai nhằm phục vụ việc xây dựng đề tài của Hội đồng lý luận Trung ương về “Nghiên cứu, đề xuất luận cứ khoa học, thực tiễn cho đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Đồng chí Thái Bảo, Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi tiếp và làm việc với đoàn.

 b
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, TS.Đặng Kim Sơn và các thành viên trong đoàn công tác cho rằng, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp hóa điển hình cho vùng Đông Nam bộ. Những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế của Đồng Nai luôn ở mức cao, trong đó giai đoạn 2015-2020, GRDP tăng bình quân 8,14% và là tỉnh đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiện nay, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ của tỉnh chiếm 91,7%, cao nhất cả nước. Tuy nhiên, tỉnh cũng đang gặp nhiều vấn đề do tốc độ đô thị hóa nhanh, gây ra áp lực về dân số, giao thông, ô nhiễm môi trường, quy hoạch đô thị…

Đoàn công tác đặt vấn đề, trong thời gian tới, định hướng phát triển công nghiệp, đô thị ở Đồng Nai như thế nào; giải pháp cho vấn đề nhập cư và tác động tích cực, tiêu cực của vấn đề này tới đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh. Mối quan hệ và ảnh hưởng của Đồng Nai với TP.HCM về logictics, hạ tầng, khoa học công nghệ. Kết cấu nông nghiệp và định hướng ngành nông nghiệp mũi nhọn của tỉnh thời gian tới? Cách giải quyết các vấn đề bất cập về quản lý sử dụng đất đai, môi trường…

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan, thời gian qua mô hình tăng trưởng ở Đồng Nai là công nghiệp (chiếm hơn 61%); tiếp đến là dịch vụ (gần 30%), còn lại nông nghiệp (hơn 8%). Phát triển công nghiệp ở Đồng Nai đã góp phần tích cực trong tăng trưởng GRDP và giải quyết việc làm cho người lao động.

Trong phát triển kinh tế, tỉnh rất quan tâm đến khu vực kinh tế tư nhân, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 40 ngàn doanh nghiệp tư nhân. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao; toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh đang có xu hướng chậm lại. Năng suất lao động còn thấp; lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh chủ yếu là lao động phổ thông và lao động nhập cư, điều này đặt ra nhiều khó khăn về vấn đề xã hội cho tỉnh. Việc đổi mới sáng tạo về khoa học công nghệ còn khiêm tốn. Các dịch vụ, du lịch chất lượng cao chưa nhiều. Nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng lớn nhưng nguồn lực hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo nêu rõ, thời gian tới, định hướng của Đồng Nai là tích cực áp dụng khoa học công nghệ để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động; thu hút đầu tư có chọn lọc; phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ.

Bến cạnh đó, tiến tới hình thành các khu, tổ hợp công, nông nghiệp, dịch vụ để tạo giá trị gia tăng trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế tư nhân. Huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là ở khu vực đô thị và kết nối vùng. Đồng thời, phát triển dịch vụ thương mại tổng hợp, đặc biệt là dịch vụ logictics, nhân lực chất lượng cao. Phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo đề nghị Trung ương có chương trình hành động về nâng cao năng suất quốc gia; có đề án tổng thể từ Trung ương đến địa phương trong việc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, có cơ chế, chính sách cụ thể để thực hiện đồng bộ về chiến lược phát triển tăng trưởng xanh. Trong phát triển kinh tế, tăng trưởng cho địa phương cần có vai trò “người nhạc trưởng” để liên kết vùng, phát huy thế mạnh từng địa phương.

Phương Hằng

 

 

Tin xem nhiều