Báo Đồng Nai điện tử
En

Việt Nam tập trung đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số

07:08, 26/08/2020

(ĐN)- Chiều 26-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử...

(ĐN)- Chiều 26-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử các bộ ngành, địa phương. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng và các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo Bộ TT-TT, Liên hợp quốc vừa công bố xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu giai đoạn tháng 8-2017 đến tháng 7-2019. Trong đó, Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86 trên thế giới, thứ 24 châu Á và thứ 6 Đông Nam Á. Chỉ số xếp hạng của Việt Nam cao hơn chỉ số trung bình của thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao. Sau hơn 8 tháng hoạt động, đến nay Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp hơn 1.039 dịch vụ công trực tuyến và hơn 6.800 thủ tục hành chính.

Bộ TT – TT cũng công bố bảng xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương năm 2019. Trong đó, các địa phương dẫn đầu là Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Tỉnh Đồng Nai đứng vị trí thứ 22. Đối với các bộ, ngành, các vị trí cao nhất lần lượt thuộc về Bộ Tài Chính, Bộ Công thương và Bộ Thông tin – truyền thông. Theo Bộ TT-TT, nhìn chung, các bộ, ngành địa phương đã đạt nhiều kết quả tích cực trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, xây dựng hệ thống trao đổi văn bản điện tử, triển khai an ninh mạng…

Tuy nhiên, một số cơ sở dữ liệu quốc gia chưa được triển khai, đặc biệt là về dân cư, đất đai, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 mới đạt 16%. Một số nghị định quan trọng tạo hành lang pháp lý cho triển khai Chính phủ điện tử cũng chưa được ban hành.

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận các kết quả đạt được trong thời gian qua của các bộ, ngành địa phương trong việc xây dựng Chính phủ điện tử. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số đã đóng góp quan trọng vào kết quả phòng, chống và kiểm soát tốt dịch Covid-19 vừa qua của Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, các bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện các thể chế để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc phát triển Chính phủ điện tử. Bộ TT-TT cần sớm hoàn thành dự thảo Chiến lược phát triển chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 để Thủ tướng xem xét phê duyệt. Chiến lược này phải phù hợp với xu hướng của thế giới và tình hình của Việt Nam.

Các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục triển khai kết nối các dịch vụ công trực tuyến vào Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng lấy người dùng làm trung tâm. Đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, phải đạt tỷ lệ tối thiểu 30% vào cuối năm nay. Từ năm 2021, Bộ TT-TT phải tiến hành đánh giá xếp hạng công tác xây dựng chính phủ điện tử đối với từng địa phương. Các doanh nghiệp công nghệ phải được diều kiện thuận lợi nhất để hoạt động, phát triển. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tiếp tục triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, xây dựng hạ tầng hính phủ số, đảm bảo an toàn thông tin, từ đó đóng góp vào quá trình chuyển đổi số của quốc gia.

Đắc Nhân – Khánh Lộc

Tin xem nhiều