Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo tồn gen và phát triển cây giáng hương trái to tại Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai

03:07, 08/07/2020

(ĐN) - Sáng 8-7, Sở KH-CN đã tổ chức bàn giao kết quả nhiệm vụ nghiên cứu khoa học – công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu một số đặc điểm sinh thái học phục vụ cho việc xây dựng mô hình bảo tồn giáng hương trái to tại Khu Bảo tồn thiên nhiên – vă hóa Đồng Nai". Đề tài do Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Lâm nghiệp Đông Nam bộ chủ trì thực hiện, TS. Trần Hữu Biển làm chủ nhiệm đề tài.

 

(ĐN) - Sáng 8-7, Sở KH-CN đã tổ chức bàn giao kết quả nhiệm vụ nghiên cứu khoa học – công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh thái học phục vụ cho việc xây dựng mô hình bảo tồn giáng hương trái to tại Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai”. Đề tài do Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Lâm nghiệp Đông Nam bộ chủ trì thực hiện, TS. Trần Hữu Biển làm chủ nhiệm đề tài.

Đại diện Sở KH-CN bàn giao kết quả nhiệm vụ nghiên cứu khoa học – công nghệ cấp tỉnh về cây giáng hương trái to cho các đơn vị thụ hưởng.
Đại diện Sở KH-CN bàn giao kết quả nhiệm vụ nghiên cứu khoa học – công nghệ cấp tỉnh về cây giáng hương trái to cho các đơn vị thụ hưởng.

Theo đó, kết quả đề tài nghiên cứu được chuyển giao cho 4 đơn vị gồm: Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Lâm nghiệp Đông Nam bộ, Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai (KBT), Phân hiệu Trường ĐH Lâm nghiệp tại Đồng Nai và Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai. Những đơn vị này sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển và triển khai úng dụng trong thời gian tới.

Báo cáo sơ lược tại buổi bàn giao, TS. Trần Hữu Biển cho biết, nhóm thực hiện đề tài đã tuyển chọn được 17 cây mẹ tại KBT, từ đó tiến hành thu hái hạt giống và gieo tạo cây giống để phục vụ công tác nhân giống, bảo tồn gen. Ngoài bảo tồn, đề tài còn hoàn thành các hướng dẫn kỹ thuật tạo cây giống bằng 2 phương pháp: nhân giống vô tính từ hom và nhân giống hữu tính từ hạt; hoàn thành tài liệu kỹ thuật xây dựng các mô hình trồng, chăm sóc bảo tồn gen trên diện tích thực địa rộng 2ha tại KBT.

Giáng hương quả to có tên khoa học là Pterocarpus macrocarpus Kurz. Tại Việt Nam, gỗ giáng hương trái to được xếp vào nhóm 1. Loại gỗ này cứng, có vân hoa rất đẹp, có mùi thơm, ít nứt nẻ, không bị mối mọt; nhựa của cây giáng hương trái to có thể dùng làm thuốc nhuộm màu đỏ. Do gỗ đẹp và quí nên loài cây này bị khai thác rất mạnh, số lượng cây bị giảm nhanh chóng, cần được bảo tồn.

H.Yến

Tin xem nhiều