Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiến nghị các giải pháp về phòng cháy, chữa cháy

05:11, 13/11/2019

Phát biểu thảo luận chiều 13-11, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho rằng, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018" là cần thiết, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.

(ĐN)-Phát biểu thảo luận tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018 vào chiều 13-11, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho rằng, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014-2018” là cần thiết, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý phát biểu thảo luận
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý phát biểu thảo luận

Theo đại biểu Như Ý, báo cáo kết quả giám sát với 40 trang đã phản ánh đầy đủ tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018, đánh giá được các mặt từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, ban hành chính sách pháp luật về PCCC; đánh giá kết quả triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đến công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về PCCC và các công tác khác liên quan đến lĩnh vực PCCC. Báo cáo giám sát cũng đã nêu những hạn chế, bất cập, phân tích nguyên nhân trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng báo cáo chưa phân tích sâu các nguyên nhân và những bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC. Trong các báo cáo, số liệu được nêu là khá nhiều nhưng đọng lại các giải pháp thực tiễn là không đáng kể. Báo cáo kết quả giám sát chỉ mới liệt kê đến đối tượng của PCCC là các tòa nhà chung cư, nhà cao tầng mà chưa đề cập đến các nhà máy, công ty, xí nghiệp, kho chứa hàng, khu vực sản xuất kinh doanh. Trong khi phần lớn các vụ cháy lớn được thống kê trong phụ lục kèm theo (50 vụ) lại xảy ra tại các công ty, xí nghiệp. “Lý do vì sao tôi lại đặt vấn đề phải thống kê chính xác, phù hợp. Bởi lẽ khi xảy ra cháy ở công ty, nhà máy (nơi có người lao động đang làm việc) thì ngoài thiệt hại về người và tài sản còn ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động, ảnh hưởng cuộc sống khó khăn của người lao động (công nhân). Cần thiết phải đánh giá, thống kê để có những xử lý cho phù hợp” - đại biểu Như Ý nói.

Đại biểu Như Ý cũng kiến nghị đến Quốc hội một số giải pháp trong công tác PCCC. Trong đó về công tác lãnh đạo chỉ đạo: Cần kiện toàn khung pháp lý, tháo gỡ những bất cập ở những văn bản như báo cáo đã nêu càng sớm càng tốt để doanh nghiệp và các đơn vị chấp hành có thể dễ dàng thực hiện, không gây bức xúc trong doanh nghiệp. Ban hành các hướng dẫn thật cụ thể để các cấp chính quyền, kể cả cấp xã có thể thực hiện được việc tuyên truyền PCCC trong khu dân cư (như đã làm đối với tuyên truyền phòng tránh sốt xuất huyết); chủ động rà soát sự bất cập của các văn bản pháp luật so với các quy chuẩn/tiêu chuẩn hiện hành và nhanh chóng đối chiếu điều chỉnh để tháo gỡ ngay... 

Về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong PCCC, đại biểu cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề phải mang tính xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp, tạo dựng lòng tin trong doanh nghiệp và quần chúng, từ đó mới có thể phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong công tác này. Chương trình kiểm tra phải bao gồm cả việc kiểm tra hạ tầng PCCC bố trí công cộng (chẳng hạn các họng cấp nước trên hành lang giao thông công cộng), vì đây là nguồn lực thiết yếu cho các hoạt động và với sự phát triển nhanh các cụm dân cư, các chung cư cao tầng - nơi trọng yếu của dân sinh (nếu xảy ra hỏa hoạn thì mức độ thương vong cao) - cần phải thanh kiểm tra với tần suất cao, không thể để tình trạng chủ đầu tư rao bán cho người dân vào ở mà chưa được thẩm định PCCC và không được định kỳ kiểm tra.

Về công tác tuyên truyền, đại biểu kiến nghị phải biến nhiệm vụ của lực lượng PCCC trở thành nhiệm vụ, trách nhiệm của toàn dân, nâng nó lên thành phong trào của toàn dân. Việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng không mang tính thường xuyên, còn tuyên truền theo chiến dịch như “Tháng an toàn PCCC” và bỏ ngõ ngay sau đó. Trong khi Đài truyền hình các địa phương thừa năng lực phối hợp với Công an, Cảnh sát PCCC thực hiện thường xuyên các chương trình này nhằm nâng cao nhận thức về công tác PCCC trong nhân dân và doanh nghiệp.

Về chuyên môn, theo đại biểu, phải học tập các công nghệ, kỹ thuật và kỹ năng của các nước tiên tiến trên thế giới nhằm nâng cao năng lực của các lực lượng PCCC.  Tập trung nghiên cứu chế tạo các sản phẩm PCCC phù hợp với các điều kiện trong nước vì phần lớn hiện nay là nhập khẩu các sản phẩm chất lượng thấp - gây ra các mối nguy tiềm ẩn khi sự cố xảy ra. 

Đại biểu phân tích, trong báo cáo các vụ cháy trọng điểm có nêu nguyên nhân cháy do chập điện là 66% (33/50 vụ) và công tác nóng là 5,3% (4/50 vụ). Tuy nhiên, đó chỉ là các nguyên nhân trực tiếp. Việc điều tra chưa đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của vấn đề để ngăn chặn sự tái diễn do các nguyên nhân tương tự. Đại biểu kiến nghị: “Công an PCCC phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng bộ quy chuẩn xây dựng ngành điện đảm bảo an toàn để các đơn vị tư vấn và chủ đầu tư tham chiếu lập dự án đầu tư; các sở, ban, ngành chuyên môn và nhà thầu thi công tham chiếu mà thực hiện thanh kiểm tra. Khi thực hiện kiểm tra thi công lắp đặt và thẩm định cấp phép vận hành hệ thống của nhà xưởng, khu dân cư, các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao phải kết hợp cả việc thẩm định hệ thống điện được lắp đặt có hợp quy chuẩn hay không trước khi cấp phép. Phối hợp với các đài truyền hình, thường xuyên đưa các bài học phòng cháy trong công tác hàn cắt lên song truyền hình của tỉnh để nhắc nhở về mối nguy này”.

Đối với các chung cư dân sinh, đại biểu cho rằng chỉ thực hiện việc cấp phép bán/cho thuê hoặc cấp chủ quyền khi chủ đầu tư đã nghiêm túc thực hiện việc mua bảo hiểm tài sản đối với các tiện ích mua/bán hoặc cho thuê đó…

Giải pháp cho trường hợp doanh nghiệp bán bảo hiểm từ chối bán với nhiều lý do, theo đại biểu, cần tham khảo và học tập cách quản lý hiệu quả trên thế giới để vận dụng hợp lý các nguồn lực của mình trong công tác PCCC ở các cơ sở sản xuất kinh doanh khi bảo hiểm cháy nổ đã được luật hóa. Trên thế giới, các công ty bán bảo hiểm như FM hay UL chỉ bán bảo hiểm khi doanh nghiệp đã hội đủ các điều kiện về PCCC. Bắt đầu từ khâu thiết kế, kiểm tra vật liệu/thiết bị đưa vào thi công, kiểm tra thực tế khi thi công có đúng quy chuẩn hay chưa, nghiệm thu và định kỳ kiểm tra mức độ tuân thủ. Bằng việc làm này, các đơn vị bán bảo hiểm thực hiện trách nhiệm của mình một cách toàn diện nhất; đảm bảo lợi ích của mình một cách lâu dài, hiệu quả. Khi xảy ra hỏa hoạn, các đơn vị bảo hiểm sẽ phải chi trả bồi hoàn toàn bộ thiệt hại…

Thảo Nhi

 

Tin xem nhiều