Báo Đồng Nai điện tử
En

Có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong công tác giám định tư pháp

09:09, 05/09/2019

Công tác phối hợp giữa cơ quan trưng cầu giám định với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trong một số trường hợp chưa chặt chẽ, thường xuyên; vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Công tác phối hợp giữa cơ quan trưng cầu giám định với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trong một số trường hợp chưa chặt chẽ, thường xuyên; vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha trình bày tóm tắt kết quả giám sát. (Nguồn: quochoi.vn)
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha trình bày tóm tắt kết quả giám sát. (Nguồn: quochoi.vn)

Tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 13, ngày 5-9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến về giám sát việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự.

Thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và chương trình công tác năm 2019, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thành lập Đoàn giám sát về “Việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự”.

Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp đã yêu cầu Ủy ban nhân dân, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, Trung tâm Pháp y các địa phương xây dựng và gửi báo cáo.

Đoàn giám sát đã làm việc với các cơ quan hữu quan tại bảy tỉnh, thành phố và nghe các Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác giám định tư pháp.

Nội dung giám sát gắn với chương trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Nhiều tồn tại, hạn chế phát sinh chủ yếu do quá trình tổ chức, triển khai luật

Theo báo cáo giám sát, Luật Giám định tư pháp sau gần sáu năm triển khai thi hành đã dần đi vào cuộc sống. Về cơ bản, nhiều bộ, ngành, địa phương đã tuân thủ và thực hiện khá tốt quy định của Luật và các văn bản pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, qua giám sát cho thấy, nhiều tồn tại, hạn chế phát sinh chủ yếu là do quá trình tổ chức triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp, mà không phải do các quy định của Luật.

Nhiều bộ, ngành chưa ban hành đủ quy chuẩn chuyên môn theo yêu cầu và đặc thù của ngành, lĩnh vực của mình hoặc một số quy chuẩn chuyên môn có nhiều bất cập nhưng chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung để phục vụ cho giám định tư pháp.

Đa số bộ, ngành chưa ban hành được quy trình giám định chuẩn ở một số lĩnh vực. Mặc dù Luật không bắt buộc nhưng việc không ban hành quy trình giám định chuẩn đã gây không ít khó khăn cho công tác giám định tư pháp theo vụ việc, nhất là đối với các vụ án về kinh tế, tham nhũng.

 Ủy ban Tư pháp giám sát việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự. (Nguồn: quochoi.vn)
Ủy ban Tư pháp giám sát việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự. (Nguồn: quochoi.vn)

Công tác phối hợp giữa cơ quan trưng cầu giám định với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trong một số trường hợp chưa chặt chẽ, thường xuyên; vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Chủ trương xã hội hóa công tác giám định tư pháp ở một số lĩnh vực chưa thực sự thu hút được sự quan tâm đầu tư của xã hội; cần tổ chức tổng kết kỹ và nghiên cứu tổng thể hơn để đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

So với nhu cầu thực tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giám định của các tổ chức giám định tư pháp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tại Trung tâm pháp y các địa phương.

Có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản đồng tình với các nhận định của Đoàn giám sát, trong đó nhấn mạnh tồn tại, hạn chế trong công tác giám định tư pháp hiện nay chủ yếu xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện, sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện giám định tư pháp.

Nhiều đại biểu phản ánh tình trạng còn thiếu giám định viên trong một số lĩnh vực chuyên môn, một số lĩnh vực không có đủ giám định viên, một số cơ quan không cử người, không có danh sách giám định viên. Điều này xuất phát từ sự thiếu quan tâm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Cùng với đó là tình trạng đùn đẩy trách nhiệm và sự phối hợp giữa cơ quan trưng cầu với người thực hiện, cơ quan thực hiện giám định, dẫn đến thời gian giám định kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án.

Cho ý kiến về báo cáo giám sát, nhiều đại biểu cho rằng công tác giám định tư pháp còn nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập.

Để khắc phục tình trạng này, tới đây, các bộ, ngành liên quan như công an, y tế, tòa án, viện kiểm sát cần tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt các Đề án về giám định; tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giám định viên.

Theo ông Nguyễn Đức Nhự, Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia (Bộ Y tế), thực tế, mọi việc vẫn đang vận hành rất tốt, chỉ tồn tại một số hạn chế như trưng cầu giám định của các cơ quan có những yêu cầu không chính xác, hay có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chức năng.

"Thời gian gần đây nổi lên hiện tượng dường như cơ quan điều tra ở một số địa phương dựa vào kết luận giám định đưa ra kết luận điều tra thay cho hoạt động điều tra chuyên môn. Điều này cần quan tâm, lưu ý," đại biểu Nhự cho biết.

Đồng thời, đại biểu nhấn mạnh vướng mắc nhiều nhất là về kinh phí phục vụ công tác giám định, đào tạo giám định viên và đề nghị Quốc hội cần quan tâm hỗ trợ cho các địa phương về vấn đề này.

Tại cuộc họp, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết quá trình tổ chức thực hiện cho thấy, các quy định của Luật Giám định tư pháp tương đối phù hợp, các nội dung quy định rõ ràng, chặt chẽ, đầy đủ.

Tuy nhiên, khó khăn vướng mắc nhất hiện nay là hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp liên quan đến giám định vụ việc, về quy chuẩn trong giám định liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành.

Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, đối với giám định theo vụ việc mà chưa có tổ chức giám định chuyên môn, chia về các bộ, ngành thực hiện, yêu cầu đặt ra đối với các giám định viên phải có trình độ cao hơn, người thực hiện có khả năng trình bày quan điểm trước Tòa..., đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Do đó, Bộ Công an kiến nghị các bộ, ngành xây dựng tổ chức giám định trong cơ quan mình, bồi dưỡng giám định viên, xây dựng quy chuẩn thực hiện; đồng thời đề nghị Đoàn giám sát quan tâm đến vướng mắc trong chi trả chi phí giám định.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao các ý kiến phát biểu đóng góp tại phiên họp, đồng thời cho biết Ủy ban Tư pháp sẽ tổng hợp đầy đủ và sẽ được tiếp thu, nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát, phục vụ trong quá trình xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp./.

Xuân Tùng (TTXVN/Vietnam+)

 

Tin xem nhiều