Báo Đồng Nai điện tử
En

3 nhóm giải pháp để Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành vùng động lực đầu tàu

08:07, 21/07/2019

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 19/CT-TTg về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 19/CT-TTg về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chị thị nêu rõ Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng kinh tế động lực đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học chất lượng cao của cả nước và khu vực, là trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời là trung tâm chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ hàng đầu của cả nước...

Để đạt được những mục tiêu trên, chỉ thị nêu ra 3 nhóm giải pháp về: cơ chế, chính sách; liên kết các ngành, lĩnh vực và nguồn lực.

Trong đó, để tạo liên kết các ngành, lĩnh vực trong vùng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông - vận tải đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, các dự án kết nối trong khu vực, đặc biệt là đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, phấn đấu khởi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong quý IV-2020; chỉ đạo thông tuyến kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; Mỹ Thuận - Cần Thơ trong năm 2021; chú trọng đầu tư đường thủy nội địa kết nối vận tải thủy đồng bằng sông Cửu Long với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ, đẩy mạnh phát triển vận tải thủy với Campuchia.

Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn phải ưu tiên phát triển mạng lưới trung tâm logistics của vùng tập trung ở nơi có lợi thế về vị trí địa lý, gần nguồn cung cấp hàng hóa như các khu công nghiệp, hệ thống cảng, gần khách hàng tiêu thụ; trong đó lấy TP.Hồ Chí Minh và gắn kết với trục Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Long Thành làm trung tâm và phát triển lan tỏa ra các khu vực lân cận…

UBND các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đẩy mạnh sự phối hợp, gắn kết trong và ngoài vùng trong quá trình xúc tiến đầu tư, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đào tạo, thu hút và tạo việc làm; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng các chương trình, tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng.

Để phát triển nguồn lực, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch - đầu tư ưu tiên nguồn lực của Nhà nước để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn, úng ngập tại TP.Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn trong vùng, ưu tiên giải quyết trước hết các điểm nút chính, nơi tập trung mật độ dân cư cao tại các đô thị trung tâm.

Bộ Giao thông - vận tải tập trung nguồn lực Nhà nước để đầu tư, đồng bộ hóa hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng.

Các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, chỉ số PAPI. Tạo điều kiện về không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi; bảo đảm kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, trong cạnh tranh, phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác...

TTXVN

Tin xem nhiều