Báo Đồng Nai điện tử
En

Điều chỉnh kịp thời khung giá đất, bảo đảm lợi ích người dân

09:05, 27/05/2019

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, ngày 27-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

* Lựa chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, ngày 27-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp ngày 27-5. Ảnh: TTXVN
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp ngày 27-5. Ảnh: TTXVN

Theo Báo cáo của Chính phủ, các quy định của pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai nói chung, đất đô thị nói riêng đã được hoàn thiện đảm bảo theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, dân chủ và công bằng; đã từng bước khắc phục tình trạng “xin - cho” trong tiếp cận đất đai; phát huy tốt hơn nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc quy định nhất quán chính sách 2 giá đất theo Luật Đất đai gồm khung giá, bảng giá và giá thị trường, trong đó khung giá, bảng giá để điều chỉnh nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất đối với Nhà nước; giá thị trường để điều chỉnh nghĩa vụ của nhà đầu tư, người sử dụng đất khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích vượt hạn mức theo quy định của pháp luật, đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân, góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách, giảm khiếu kiện, khiếu nại về đất đai.

Về quản lý tài chính về đất đai, các nguồn thu từ đất, theo báo cáo của 57 địa phương, nguồn thu ngân sách nhà nước đối với đất đô thị tăng dần hàng năm từ 2014-2018; với tổng số thu ngân sách nhà nước hơn 372 ngàn tỷ đồng, bao gồm: tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, phí, lệ phí và các nguồn thu khác. Từ năm 2014-2018, cả nước phát sinh trên 342 ngàn đơn khiếu nại với khoảng 156 ngàn vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước (khiếu nại về đất đai chiếm trên 60% số này). Qua giải quyết khiếu nại, các cơ quan hành chính Nhà nước đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước, trả lại cho tập thể, công dân gần 1.400 tỷ đồng, 772 hécta đất...

Vấn đề giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi và tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất phải nộp ngân sách là nội dung được nhiều đại biểu tập trung phân tích, cho ý kiến tại phiên thảo luận ngày 27-5.

* Chiều 27-5, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã thông tin đến báo giới về 4 nhóm vấn đề được đại biểu Quốc hội lựa chọn chất vấn tại kỳ họp thứ 7, dự kiến diễn ra từ ngày 4 đến 6-6.

4 nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn liên quan đến các lĩnh vực: an ninh trật tự; xây dựng; giao thông - vận tải và văn hóa - thể thao và du lịch.

Trách nhiệm trả lời chính trong các nội dung này lần lượt là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Thủ tướng Chính phủ và các Phó thủ tướng sẽ trả lời những vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn liên quan đến Chính phủ.

P.V

 

Tin xem nhiều