Báo Đồng Nai điện tử
En

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp thứ 2 của Tiểu ban Kinh tế xã hội

11:01, 20/01/2019

Sáng 19-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban đã chủ trì phiên họp lần thứ 2 của Tiểu ban Kinh tế xã hội chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Nội dung phiên họp nhằm đánh giá lại những nhiệm vụ đã triển khai và đưa ra kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới.

Sáng 19-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban đã chủ trì phiên họp lần thứ 2 của Tiểu ban Kinh tế xã hội chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Nội dung phiên họp nhằm đánh giá lại những nhiệm vụ đã triển khai và đưa ra kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp. Ảnh: Quang Hiếu/VGP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp. Ảnh: Quang Hiếu/VGP.

Nhiệm vụ quan trọng của Tiểu ban Kinh tế xã hội là xây dựng 2 văn kiện để phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc XIII gồm: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu tổ biên tập, các ban, bộ, ngành cần đặc biệt quan tâm, phải bố trí cán bộ giỏi nhất, tập trung thời gian, chuyên tâm, chuyên trách để triển khai thực hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Đối với chủ đề Chiến lược 10 năm, Thủ tướng nhấn mạnh: tinh thần là làm sao đưa Việt Nam có bước phát triển mới, có sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Chủ đề cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhưng phải có thành tố quan trọng nhất đối với sự phát triển đất nước trong 10 năm tới như thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giữ vững chủ quyền, ổn định xã hội, an toàn xã hội, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Về mục tiêu và đột phá chiến lược, Thủ tướng đề nghị làm rõ nội hàm khoa học - công nghệ trở thành khâu đột phá để đưa đất nước tiến lên. Cùng với đó là nêu bật định hướng, nhiệm vụ, giải pháp, thể hiện rõ các nội dung trọng tâm gồm hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, hiệu suất cao, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, khoa học - công nghệ thực sự là động lực chính của tăng trưởng, chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu… Một nội dung quan trọng khác là bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao năng lực hội nhập và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước kiến tạo, phát triển, hành động, liêm chính...

P.V

 

Tin xem nhiều