Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần xem đó là chuyện bình thường

10:11, 02/11/2018

Gần đây, có một số người tuyên bố tự rời bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây rõ ràng là một hiện tượng không bình thường, nhưng thực ra lại rất bình thường đối với bất kỳ một chính đảng nào, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam.

Gần đây, có một số người tuyên bố tự rời bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây rõ ràng là một hiện tượng không bình thường, nhưng thực ra lại rất bình thường đối với bất kỳ một chính đảng nào, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bất kỳ một chính đảng nào cũng là một tổ chức chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng vậy. Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị của những người cùng chung lý tưởng. Điều 1, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng ghi rõ: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng”.

Đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam ngoài việc phải tuân thủ các yêu cầu nêu trên còn phải chấp hành quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Hiện nay, theo Quy định 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, có 19 điều mà đảng viên của Đảng tuyệt đối không được làm.

Điều 2, Điều lệ Đảng quy định: “Công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện: thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở Đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng”. Như vậy, việc một người vào Đảng hay không là do tự nguyện và có đơn xin vào Đảng. Nếu tổ chức Đảng thấy người xin vào Đảng đủ yêu cầu và đạt tiêu chuẩn thì chấp thuận và làm các thủ tục để kết nạp Đảng. Trong thực tế, hiện nay có rất nhiều người tha thiết và có nguyện vọng vào Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng qua xem xét vẫn không được kết nạp vào Đảng, đó là điều hết sức hiển nhiên vì mỗi tổ chức, nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam có những quy định riêng về bảo vệ chính trị nội bộ.

Như vậy, việc ai đó vào Đảng là tự nguyện, không có ai bắt buộc và xúi giục; và khi người vào Đảng cảm thấy không còn phù hợp hoặc bản thân không thể đáp ứng được các yêu cầu của tổ chức Đảng thì có quyền tự nguyện xin ra, điều này Đảng không cấm.

Theo quy định tại mục 11.2 của Hướng dẫn 01-HD/TW năm 2016 về thi hành Điều lệ Đảng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành thì chỉ xem xét cho ra khỏi Đảng đối với những đảng viên chưa vi phạm về tư cách. Nếu vi phạm tư cách đảng viên thì phải xử lý kỷ luật về Đảng, sau đó mới xét cho ra khỏi Đảng.

Đảng viên xin ra khỏi Đảng phải làm đơn, nói rõ lý do xin ra khỏi Đảng, báo cáo chi bộ. Chi bộ, Đảng ủy bộ phận (nếu có), Đảng ủy cơ sở xem xét, báo cáo cấp ủy có thẩm quyền xét, quyết định cho ra khỏi Đảng và làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên. Đảng ủy cơ sở được ủy quyền kết nạp đảng viên, khai trừ đảng viên thì ra quyết định xóa tên trong danh sách đảng viên. Đảng viên đã được cấp ủy có thẩm quyền quyết định cho ra khỏi Đảng, nếu có nhu cầu được cấp giấy xác nhận tuổi Đảng thì cấp ủy có thẩm quyền xét, cấp “giấy xác nhận tuổi Đảng” cho những người đó.

Như vậy, theo quy định chỉ xem xét cho ra khỏi Đảng đối với những đảng viên chưa vi phạm về tư cách. Trường hợp có vi phạm tư cách đảng viên thì phải xử lý kỷ luật về Đảng, sau đó mới xét cho ra khỏi Đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam có gần 5 triệu đảng viên, đã có người xin vào thì tất cũng có người xin ra, vì vậy, việc ai đó xin ra khỏi Đảng là việc hoàn toàn bình thường.

Nhất Vũ

Tin xem nhiều