Báo Đồng Nai điện tử
En

Vụ 5 bảo vệ rừng Long Thành phá chòi dân: Tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung

06:12, 27/12/2016

(ĐN)- Như tin đã đưa, sáng 27-12, Tòa án nhân dân huyện Nhơn Trạch đã mở phiên tòa xét xử 5 bị cáo là cán bộ bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành (BQL rừng Long Thành) về tội hủy hoại tài sản,...

Các bị cáo tại phiên tòa
Các bị cáo tại phiên tòa

[links()](ĐN)- Như tin đã đưa, sáng 27-12, Tòa án nhân dân huyện Nhơn Trạch đã mở phiên tòa xét xử 5 bị cáo là cán bộ bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành (BQL rừng Long Thành) về tội hủy hoại tài sản.

Theo đó, 5 cán bộ bảo vệ rừng được đưa ra xét xử lần này, gồm: Phạm Văn Ẩn (54 tuổi); Phạm Đức Tú (28 tuổi); Trương Văn Lớn (47 tuổi); Lê Văn Lang (52 tuổi) và Lê Ngọc Tuân (30 tuổi). Ngoài các bị cáo Hội đồng xét xử cũng đã triệu tập các nhận chứng của vụ án là một số cán bộ thuộc BQL rừng Long Thành và một số người dân liên quan.

Tuy nhiên, buổi chiều cùng ngày, sau khi kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Nhơn Trạch đã quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung, do có một số tình tiết chưa được làm rõ trong vụ án 5 bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành (BQL rừng Long Thành) bị đưa ra xét xử về tội hủy hoại tài sản.

Cụ thể, trong phần tranh luận tại phiên tòa, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh) bào chữa cho bị hại là bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (34 tuổi, ngụ ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy, trong vụ án này, cơ quan điều tra đã không khách quan khi thu thập chứng cứ, dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Ngoài ra, việc cơ quan điều tra đánh giá thiệt hại của bà Ngọc cũng được cho là chưa thỏa đáng, còn nhiều tài sản khác chưa được liệt kê vào trong hồ sơ vụ án này.

Luật sư đã cung cấp cho Hội đồng xét xử một số đoạn băng ghi âm cho thấy, hôm xảy ra vụ việc còn có một số người khác cùng tham gia với 5 bị cáo. Một số hình ảnh cũng cho thấy, tài sản bà Ngọc thiệt hại do lực lượng bảo vệ gây ra chưa được thống kê hết.

Bên cạnh đó, Luật sư cũng cho rằng, để các bị cáo dẫn đến hành vi phạm tội nêu trên là có sự chỉ đạo của cấp trên; hành động của các bị cáo là có tổ chức. Trong quá trình xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng đều cho rằng, hôm xảy ra sự việc (26-2), BQL rừng Long Thành có chỉ đạo và phân công một tổ bảo vệ hơn chục người cùng đến xử lý việc bà Ngọc xây dựng trái phép trên đùng tôm. Tất cả những người này đều tham gia vào quá trình đập phá gây thiệt hại tài sản cho bà Ngọc. Tuy nhiên, tại phiên tòa chỉ có 5 bị cáo bị đưa ra xét xử. Việc cơ quan điều tra tách các hành vi của những người liên quan trong vụ việc này là không hợp lý. Với những chứng cứ đưa ra luật sư yêu cầu tòa trả hồ sơ để điều tra để làm rõ các tình tiết này.

Trần Danh
 

 

Tin xem nhiều