Báo Đồng Nai điện tử
En

Hôm nay 15-11: 4 bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn

05:11, 15/11/2016

Sáng nay 15-11, Quốc hội bắt đầu phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày. Đây là một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp, được truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Sáng nay 15-11, Quốc hội bắt đầu phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày. Đây là một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp, được truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) phát biểu tại kỳ họp.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) phát biểu tại kỳ họp.

4 Bộ trưởng: Công thương, Tài nguyên - môi trường, GD-ĐT, Nội vụ sẽ lần lượt đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan và các Phó thủ tướng phụ trách từng lĩnh vực sẽ trả lời làm rõ thêm các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm. Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những nội dung thuộc trách nhiệm liên quan đến các nhóm vấn đề đã chất vấn.

Đánh giá về hoạt động chất vấn, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng lần này có sự thay đổi khá mạnh mẽ, không chỉ gắn với 2 kỳ họp trong năm mà còn diễn ra tại các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội để giải quyết kịp thời vấn đề chung. Tuy vậy, phiên chất vấn toàn thể tại hội trường bao giờ cũng thu hút sự quan tâm của đại biểu, cử tri và nhân dân nên cần tập trung vào vấn đề rất căn bản, vấn đề “nóng”. Đại biểu mong muốn trong kỳ họp này Thủ tướng, Phó thủ tướng cùng các Bộ trưởng có câu trả lời, tất nhiên không thể thỏa mãn cùng lúc mọi người, nhưng ít nhất người dân lắng nghe sẽ tin tưởng hơn. Về hoạt động của đại biểu Quốc hội, ông Dương Trung Quốc cho rằng tuy 2/3 đại biểu lần đầu tham gia nghị trường nhưng qua các phiên thảo luận cho thấy không khí sôi nổi, chất lượng cao. Vấn đề còn lại là nội dung được nêu lên. “Người dân theo dõi không chỉ giám sát các thành viên Chính phủ mà giám sát ngay chính đại biểu Quốc hội. Tôi nghĩ đại biểu Quốc hội ý thức điều đó vì hỏi cũng thể hiện năng lực, mang lại tín nhiệm từ người dân với mình chứ không chỉ là câu chuyện thuần túy ở cơ quan hành pháp. Riêng tôi thì chọn chất vấn đi vào những vấn đề hết sức đơn giản của đời sống, tạo ra sự thay đổi trong nhận thức, không đánh đố Bộ trưởng” - đại biểu Dương Trung Quốc cho biết.

Trong ngày 14-11, với 405/425 đại biểu tán thành (tỷ lệ 82,15%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017. Theo nghị quyết, tổng số thu cân đối ngân sách Trung ương là 729.730 tỷ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 482.450 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách Trung ương là 902.030 tỷ đồng, trong đó dự toán 254.630 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Quốc hội đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước và mức phân bổ ngân sách Trung ương cho từng bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, nghị quyết của Quốc hội; chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan khác ở Trung ương và UBND các cấp quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2017 theo đúng nghị quyết của Quốc hội đến từng cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước trước ngày 31-12-2016; hướng dẫn các bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và địa phương phân bổ vốn đầu tư phát triển ưu tiên tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang; hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng; ưu tiên vốn đối ứng cho các dự án ODA, dự án hợp tác công tư (PPP), xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với tất cả các khâu trong quá trình đầu tư. Trong quá trình điều hành, bổ sung vốn đầu tư và các nguồn tài chính khác để hỗ trợ các địa phương trọng điểm thu có tỷ lệ điều tiết giảm trong giai đoạn 2017-2020, tạo điều kiện cho các địa phương này phát huy vai trò động lực kinh tế cho cả nước.

Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện sắp xếp các khoản chi đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, các nhiệm vụ mới tăng thêm trong năm 2017; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để nâng mức đóng góp của ngân sách địa phương trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Nhà nước ban hành.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Thủy lợi. Một số đại biểu còn tỏ ý băn khoăn về sự cần thiết ban hành luật, bởi hầu hết các vấn đề quan trọng, như: đầu tư xây dựng, khai thác công trình... của luật này đã có một số luật quy định, như: Luật Tài nguyên nước, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng. Đồng thời, dự thảo luật chưa làm rõ nội dung các công trình thủy điện có tham gia vào thực hiện các nhiệm vụ về thủy lợi, có đưa vào điều chỉnh của luật này hay không vì phần lớn các công trình thủy điện đều tham gia điều hòa nguồn nước cho nông nghiệp. Ngoài ra, Quốc hội đã họp riêng để thảo luận về dự thảo nghị quyết về việc dừng thực hiện dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và nghe Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh báo cáo về tình hình Biển Đông.

Nam Hà (tổng hợp)

 

Tin xem nhiều