Báo Đồng Nai điện tử
En

Không được huy động quá sức dân, nhất là dân nghèo

06:09, 30/09/2016

(ĐN) – Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 diễn ra vào ngày 30-9....

(ĐN) – Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 diễn ra vào ngày 30-9.  

Phó bí thư Tỉnh uỷ Phan Thị Mỹ Thanh; Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh chủ trì cùng lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Đồng Nai
Phó bí thư Tỉnh uỷ Phan Thị Mỹ Thanh và Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, cùng lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Đồng Nai

Thủ tướng cho rằng, trong quá trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Cụ thể, một số nơi mới chỉ dừng lại ở xây dựng hạ tầng, mà chưa quan tâm đến sản xuất của người dân; đời sống văn hoá tinh thần ở một số vùng nông thôn còn nghèo nàn, văn hoá truyền thống chưa được quan tâm; môi trường ở nhiều vùng nông thôn còn bị ô nhiễm; vẫn còn tình trạng chạy theo thành tích, huy động quá sức dân; một số tỉnh, thành có điều kiện, nhưng cấp uỷ, chính quyền chưa quan tâm đúng mức, số huyện đạt nông thôn mới còn thấp; nhiều địa phương đánh giá chưa nghiêm túc về phong trào này...

Cũng theo Thủ tướng, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 sẽ hết sức khó khăn, bởi số xã, huyện còn lại là những nơi điều kiện thấp, nguồn lực không dồi dào. Đây là việc mà các địa phương phải hết sức tập trung để khơi dây được nguồn lực.

“Sức sáng tạo của nhân dân là vô biên, vì vậy các cấp uỷ, chính quyền phải biết dựa vào dân để phát huy và khai thác các nguồn lực. Nông thôn mới phải có quy hoạch gắn với đô thị để người dân nông thôn phát huy được khả năng làm giàu của mình” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu Thành uỷ, Tỉnh uỷ và UBND các địa phương phải tích cực chỉ đạo phong trào xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016 - 2020; các địa phương cần định kỳ có những thăm dò sự hài lòng của người dân trong phong trào này, đặc biệt không được huy động quá sức dân, nhất là dân nghèo, tạo ra nợ nần cho dân.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, đến nay cả nước đã có hơn 2 ngàn xã (chiếm 23% số xã) và 24 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong giai đoạn 2011 – 2015, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình trên 851 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trên 98 ngàn tỷ đồng.

Mục tiêu đến năm 2020, cả nước phấn đấu có khoảng 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới với các nội dung chủ yếu, như: hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; bảo vệ cải thiện môi trường; giữ vững tăng cường an toàn, an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn... Tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư trong giai đoạn này tối thiểu trên 193 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn trung ương trên 63 ngàn tỷ đồng và ngân sách địa phương 130 ngàn tỷ đồng.

Tại hội nghị, một số địa phương cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới như: phân công các sở, ngành đơn vị đỡ đầu cho từng xã; trao quyền quyết định tự chủ cho từng thôn, xóm; mời gọi các doanh nghiệp, người dân địa phương làm ăn xa thành đạt hỗ trợ cho quê hương; xây dựng những điển hình cụ thể về vườn, ruộng nông thôn mới…

Vân Nam

 

Tin xem nhiều