Báo Đồng Nai điện tử
En

Số người khám và điều trị bệnh Thalassemia còn ít

06:05, 28/05/2016

(ĐN)- Đó là nhận định của TS-BS Nguyễn Phương Liên, Bệnh viện truyền máu huyết học TP.Hồ Chí Minh tại Hội thảo cập nhật kiến thức chẩn đoán và điều trị bệnh Thalassemia khu vực Đông Nam bộ do Bệnh viện truyền máu huyết học TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tổ chức tại Khách sạn Aurora Biên Hòa ngày 28-5.

(ĐN)- Đó là nhận định của TS-BS Nguyễn Phương Liên, Bệnh viện truyền máu huyết học TP.Hồ Chí Minh tại Hội thảo cập nhật kiến thức chẩn đoán và điều trị bệnh Thalassemia khu vực Đông Nam bộ do Bệnh viện truyền máu huyết học TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tổ chức tại Khách sạn Aurora Biên Hòa ngày 28-5.

Phó giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai phát biểu tại hội thảo.
Phó giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai phát biểu tại hội thảo.

Theo TS-BS Nguyễn Phương Liên, bệnh Thalassemia là bệnh di truyền gặp phổ biến nhất trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là bệnh thiếu máu do tan máu di truyền - bẩm sinh với 2 biểu hiện nổi bật là thiếu máu và thiếu sắt. Hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh, mà chủ yếu là điều trị triệu chứng, điều trị suốt đời.

Tại Bệnh viện truyền máu huyết học TP.Hồ Chí Minh, số bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh mỗi năm một tăng. Cụ thể, năm 2009 chỉ mới có 890 bệnh nhân, thì đến năm 2015 đã tăng lên tới 2.766 bệnh nhân.

Tuy nhiên theo đánh giá, số người được phát hiện và điều trị chỉ là "một phần nổi của tảng băng", do một trong những nguyên nhân chính là chi phí điều trị bệnh rất cao. Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 5 triệu người mang gen bệnh, khoảng 20 ngàn người mắc bệnh Thalassemia thể nặng và mỗi năm có khoảng 2 ngàn trẻ mới sinh mang gen bệnh.

Các đại
Các đại biểu tham dự hội thảo

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, để phòng tránh mắc bệnh Thalassemia hoặc giảm tỷ lệ trẻ mới sinh bị bệnh Thalassemia thể nặng, cần có một chương trình quản lý bệnh Thalassemia ở bệnh viện các địa phương trong toàn quốc.

Theo đó, cần chẩn đoán tiền sanh, tư vấn di truyền, chẩn đoán bệnh sớm; truyền máu hiệu quả và hợp lý suốt đời, truyền máu an toàn; thải sắt; điều trị kịp thời các biến chứng nhiễm trùng, rối loạn nội tiết, cường lách, loãng xương. Đồng thời, thiết lập mạng lưới Thalassemia trên toàn quốc nhằm quản lý người mang gen bệnh để thuận tiện trong công tác điều trị, chăm sóc và phòng bệnh.

Tin và ảnh: Ngọc Thư

 

Tin xem nhiều