Báo Đồng Nai điện tử
En

Cầu Ghềnh trăm tuổi bị sà lan húc sập

12:03, 20/03/2016

(ĐN) – Khoảng 11 giờ 30, ngày 20-3, một sà lan chở vật liệu xây dựng đã húc vào chân cầu Ghềnh (nối giữa xã Hiệp Hòa và phường Bửu Hòa của TP.Biên Hòa) làm sập 2 nhịp cầu: 2 và 3...

[links()](ĐN) – Khoảng 11 giờ 30, ngày 20-3, một sà lan chở vật liệu xây dựng đã húc vào chân cầu Ghềnh (được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20, nối giữa xã Hiệp Hòa và phường Bửu Hòa của TP.Biên Hòa), làm sập 2 nhịp cầu (nhịp 2 và 3); đồng thời khiến một đoạn đường ray xe lửa nằm phía phường Bửu Hòa bị kéo đứt 3 mét; một số trụ điện bị nghiêng...Riêng chiếc sà lan, sau khi húc vào chân cầu, đã bị lật úp và kẹt lại trên sông; 2 người điều khiển sà lan, sau đó cũng đã bỏ trốn khỏi hiện trường.

 
Toàn cảnh Cầu Ghềnh sau khi bị xà lan húc sập 2 nhịp cầu 2 vả 3
Toàn cảnh Cầu Ghềnh sau khi bị sà lan húc sập 2 nhịp cầu 2 vả 3 (ảnh: Đăng Tùng)
Chiếc xà lan bị lật úp và bị kẹt lại trên sông sau khi húc sập Cầu Ghềnh (ảnh Đăng Tùng)
Chiếc sà lan bị lật úp và bị kẹt lại trên sông sau khi húc sập Cầu Ghềnh (ảnh Đăng Tùng)
Vị trí cầu Ghềnh trên Google maps
Vị trí cầu Ghềnh trên Google maps

Cầu Ghềnh nằm trên tuyến đường sắt Bắc - Nam nối giữa ga Biên Hòa và ga Sài Gòn. Sau khi cầu bị sập, tuyến đường sắt đã bị ngưng trệ. Ngay tại khu vực ngã tư Nguyễn Tri Phương – Bùi Hữu Nghĩa (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) cách cầu 50 mét hiện có 1 đoàn xe lửa đang bị kẹt lại.

Đoàn tàu lửa bị  kẹt lại bên phường Bửu Hòa (tại giao lộ Nguyễn Tri Phương - Bùi Hữu Nghĩa)
Đoàn tàu lửa bị kẹt lại bên phường Bửu Hòa, tại giao lộ Nguyễn Tri Phương - Bùi Hữu Nghĩa (ảnh Đăng Tùng)

Theo thông tin do những người dân xung quanh cung cấp ban đầu, có 2 người dân đi xe máy bị rớt xuống sông đã được lực lượng cứu hộ vớt lên kịp thời.

Đồng chí Trần Văn Tử, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (người thứ 2 từ trái sang) kịp thời có mặt tại hiện trường để chỉ đạo xử lý sự cố
Đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (người thứ 2 từ trái sang) kịp thời có mặt tại hiện trường để chỉ đạo xử lý sự cố (ảnh: Ngân Tuyên)

Ngay sau khi hay tin cầu Ghềnh bị sập, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và TP.Biên Hòa đã kịp thời có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo xử lý sự cố. Theo chỉ đạo của đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy, tỉnh sẽ thành lập ngay ban chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn, bao gồm các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh. Trước mắt, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh tổ chức cho thợ lặn lặn xuống khu vực xà lan bị lật để xác định có hay không người bị chìm và có tình trạng tràn dầu hay không?

Phó bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh chỉ đạo tại hiện trường
Đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy đang trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường

Đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các lực lượng chức năng phải sớm tìm giải pháp khắc phục, xử lý nhanh sự cố để kịp thời thông tuyến đường sắt và đường thủy.

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa có mặt tại hiện trường ngay sau khi xảy ra sự cố
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng có mặt tại hiện trường ngay sau khi xảy ra sự cố

Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Đồng Nai ngay tại hiện trường, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết, trước mắt thành phố sẽ phối hợp với ngành đường sắt mở 2 trạm trung chuyển tại Ga Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và Ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) để kịp thời giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân.

Nhân viên Điện lực Biên Hòa (ảnh trái) và Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai khắc phục sự cố  liên quan tại hiện trường
Nhân viên Điện lực Biên Hòa (ảnh trái) và Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai khắc phục sự cố liên quan tại hiện trường. Ảnh: Danh Trường

Còn Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Nguyễn Bôn cho biết, ngay khi tai nạn xảy ra, Ban An toàn giao thông tỉnh yêu cầu các lực lượng liên quan bao gồm: lực lượng Cảnh sát đường bộ, Cảnh sát đường thủy và đường sắt - Công an Đồng Nai phong tỏa hiện trường và ngăn chặn các phương tiện giao thông lưu thông qua khu vực này.

Lực lượng cứu hộ kịp thời có mặt để cứu những người dân bị rớt xuống sông (ảnh: Công Nghĩa)
Lực lượng cứu hộ kịp thời có mặt để cứu những người dân bị rớt xuống sông (ảnh: Công Nghĩa)

Theo ông Bôn, lực lượng chức năng đã kịp thời xử lý các sự cố liên quan về điện, nước của các hộ dân 2 bên cầu. Qua xác minh ban đầu, khi sự cố xảy ra, có 3 chiếc xe máy bị rơi xuống sông đã được vớt lên và có 3 người dân thoát ra khỏi hiện trường.

...và tiếp tục kiểm tra, tìm kiếm trên sông
...và tiếp tục kiểm tra, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên sông (ảnh: Công Nghĩa)

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định chính xác có còn ai bị nạn hay không? Ban An toàn giao thông tỉnh đang đề nghị Bộ Công an hỗ trợ để tiếp tục tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và trục vớt sà lan.

Nhiều người dân hiếu kỳ đến xem tại hiện trường
Nhiều người dân hiếu kỳ đến xem tại hiện trường (ảnh Đăng Tùng)

Giám đốc Sở Y tế, Huỳnh Minh Hoàn thì cho biết, ngay sau khi hay tin cầu Ghềnh bị sà lan đâm sập, Sở Y tế đã yêu cầu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chuẩn bị sẵn lực lượng, thuốc men, máy móc, thiết bị để chuẩn bị tốt công tác cấp cứu. Đồng thời, Bệnh viện cũng cử một đội cấp cứu và xe cứu thương túc trực tại hiện trường để sẵn sàng cấp cứu người bị nạn. Tuy nhiên, hiện bệnh viện vẫn chưa tiếp nhận trường hợp nào cần phải cấp cứu.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục tiến hành điều tra làm rõ.

Theo Địa chí Đồng Nai, năm 1898 Pháp bắt đầu khởi công xây dựng quốc lộ 1 và đường sắt xuyên Đông Dương, đồng thời mở nhiều công trường làm đường từ Sài Gòn ra miền Bắc, từ Nha Trang hướng về các tỉnh Nam bộ. Trong phạm vi tỉnh Biên Hòa, quốc lộ 1 và đường sắt chạy cặp kè nhau.

Năm 1903, cầu Ghềnh (còn gọi là Gành) và cầu Rạch Cát được xây dựng xong. Hai cầu này, cùng với cầu Trường Tiền tại Huế (xây dựng năm 1899) đều do hãng Eiffel (Pháp) thiết kế. Ngày 14-1-1904, đoạn đường sắt Sài Gòn - Xuân Lộc dài 71km được thông xe. Tàu chợ Sài Gòn - Biên Hòa mỗi ngày 2 chuyến bắt đầu hoạt động.

Đăng Tùng - Văn Chính - Thanh Hải - Danh Trường - Ngọc Thư

Tin xem nhiều