Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề xuất nhiều giải pháp về an sinh xã hội

11:12, 10/12/2015

(ĐN) - Tại phiên họp sáng ngày 10-12 kỳ họp HĐND tỉnh thứ 16, khóa VIII, các đại biểu tiến hành thảo luận tổ tại hội trường về các vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội, tài nguyên, môi trường.

(ĐN) - Tại phiên họp sáng ngày 10-12, các đại biểu tham dự kỳ họp HĐND tỉnh thứ 16, khóa VIII đã tiến hành thảo luận tổ tại hội trường về các vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội, tài nguyên, môi trường.

Đồng chí Trần Văn Tư, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên thảo luận tổ
Đồng chí Trần Văn Tư, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên thảo luận tổ
 
Đại biểu Lê Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều dự án chậm triển khai từ 3-5 năm, trong đó có một số dự án vì suy thoái kinh tế nên triển khai dở dang được xem xét gia hạn, nhưng cũng có dự án cần phải rà soát lại nếu không có tính khả thi, mất khả năng tài chính để có kiến nghị UBND tỉnh thu hồi lại để tìm nhà đầu tư khác.
 

Đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý các cơ quan chức năng cần tiến hành, rà soát lại cho kỹ đối với các dự án chậm triển khai về khả năng thực thi, tránh tình trạng đất đai bỏ hoang, hiệu quả sử dụng đất không có, người dân không có đất sản xuất. Theo đó, cần phân định, kiểm soát, khảo sát, xem xét cho đúng pháp luật, có tình, có lý. Không phải tất cả các nhà đầu tư đều gặp khó khăn nhưng có thể có lý do gì đó còn kéo dài, nên trách nhiệm của các cơ quan nhà nước phải tìm hiểu rõ để có hướng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.  

Đại biểu Lê Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Đại biểu Lê Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Riêng những tồn tại, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Giang Mạnh Hà cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 130/171 có Trung tâm văn hóa học tập cộng đồng, còn 36 phường, xã chưa xây dựng được nguyên nhân là do thiếu quỹ đất. Để hoàn thành chỉ tiêu này, đòi hỏi sự quyết liệt, quyết tâm của các địa phương có bố trí được quỹ đất hay không. Bên cạnh đó, người dân đến sinh hoạt tại các trung tâm còn thấp: mới đạt 65%, do chưa tạo được chương trình, kịch bản, nội dung thiết thực bổ ích, phong phú, đa dạng, nhiều sắc màu, hấp dẫn người dân. Ngoài ra, phương pháp quản lý các thiết chế văn hóa chưa tốt do cán bộ văn hóa tại các địa phương mỏng, yếu, thường xuyên bị luân chuyển, chưa có cán bộ đặc thù văn hóa. Trong khi đó, kinh phí bố trí cho hoạt động các thiết chế văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu, mức 65 triệu đồng/năm không đủ tổ chức các hoạt động chuyên đề. Sở Văn hóa - thể thao và du lịch sẽ có kế hoạch trình UBND tỉnh xin thay đổi tăng kinh phí hoạt động cho các trung tâm. Theo tiêu chí của Chính phủ về xây dựng xã nông thôn mới, ngành văn hóa đang tổng hợp các xã chưa có quỹ đất, chưa xây dựng trung tâm văn hóa để có báo cáo tờ trình UBND tỉnh chỉ đạo địa phương thực hiện để đạt chỉ tiêu đề ra.

Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Giang Mạnh Hà phát biểu tại phiên thảo luận.
Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Giang Mạnh Hà phát biểu tại phiên thảo luận.

Về chỉ tiêu chưa đạt số bác sĩ/vạn dân, đại biểu Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong thời gian qua ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo, cụ thể đào tạo liên thông, thu hút được 260 bác sĩ. So với khu vực Đông Nam bộ, số bác sĩ/vạn dân của Đồng Nai cũng ở mức cao, đạt 7,1 bác sĩ/vạn dân (chỉ tiêu là 8 bác sĩ/vạn dân). Hàng năm, ngành y tế thu hút 100-150 bác sĩ từ nơi khác đến. Vấn đề thu hút chưa có hiệu quả do một số bệnh viện chuyên khoa: da liễu, phổi, các trung tâm y tế dự phòng thu hút gặp khó khăn; kinh phí thu hút còn thấp so với kinh phí bỏ ra đào tạo cũng như thấp hơn các tỉnh, thành lân cận. Do đó có sự cạnh tranh thu hút bác sĩ với các tỉnh phía Nam. Vấn đề đào tạo đối với sinh viên theo địa chỉ cũng đang gặp khó khăn do Bộ Giáo dục - đào tạo giao chỉ tiêu cho tỉnh gửi đi đào tạo rất thấp, số bác sĩ thuộc diện cử đi đào tạo không chấp hành theo phân công của UBND tỉnh.

Đại biểu Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Đại biểu Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Cũng theo Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn, trong thời gian tới, ngành sẽ có các giải pháp, như: cam kết trách nhiệm, tăng kinh phí bồi thường 10 lần, gấp đôi thời gian phục vụ từ 5 năm lên 10 năm; hàng năm Sở Y tế sẽ gặp gỡ làm công tác tư tưởng an tâm công tác về phục vụ tỉnh; đề nghị HĐND cho ngành y tế xây dựng nghị quyết phát triển nguồn nhân lực 2016-2020, tăng kinh phí thu hút và có chính sách hỗ trợ thu hút bác sĩ cũng như các chế tài đối với các trường hợp vi phạm cam kết.

Kết luận phiên thảo luận tổ, đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét những kiến nghị của các đại biểu HĐND tỉnh trong phiên thảo luận tổ để bổ sung vào các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2016.

Tin: Ngọc Thư. Ảnh: Công Nghĩa

[links(left)]

Tin xem nhiều