Báo Đồng Nai điện tử
En

Người bị tạm giam, tạm giữ được thực hiện quyền bầu cử

10:11, 26/11/2015

Chiều 25/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Tạm giữ, tạm giam.

Chiều 25/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Tạm giữ, tạm giam.

Quy định mới đáng chú ý trong Luật vừa được thông qua là việc người bị tạm giam, tạm giữ được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân; quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật Trưng cầu ý dân.
Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn Luật tạm giữ, tạm giam. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn Luật tạm giữ, tạm giam. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, quá trình thảo luận, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định riêng về quyền, nghĩa vụ của hai nhóm đối tượng là người có tội và người chưa có tội. Ý kiến khác đề nghị không quy định về quyền bầu cử của người đang chờ thi hành án tử hình.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định tại Điều 29, 30 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân, người đang bị tạm giam, tạm giữ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ.

Đối với người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự, không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Dự thảo luật đã quy định “người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân.” Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như quy định của dự thảo luật.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị chuyển giao các Trại tạm giam thuộc Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục An ninh thuộc Bộ Công an về Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp quản lý, bảo đảm tính độc lập của hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam với hoạt động điều tra.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Tổng cục thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp là cơ quan có nhiệm vụ giúp Bộ Công an thực hiện quản lý Nhà nước về công tác tạm giữ, tạm giam trên phạm vi cả nước.

Riêng đối với 4 Trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện nay do Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an quản lý, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng tách các cơ sở giam giữ thuộc Bộ Công an để tổ chức độc lập với cơ quan điều tra và giao cho một Phó Tổng cục trưởng không phải là thủ trưởng cơ quan điều tra phụ trách để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra, khám phá tội phạm, nhất là những tội phạm về an ninh quốc gia, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, vừa đảm bảo độc lập của cơ sở giam giữ với các đơn vị điều tra của Bộ.

Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về công tác tạm giữ, tạm giam.

Đặc biệt, dự thảo Luật quy định rõ về những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động tạm giữ, tạm giam, đó là hành vi tra tấn, truy bức, dùng nhục hình, các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam.

Những hành vi như giam giữ người trái pháp luật; cản trở người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền thăm gặp thân nhân, thực hiện quyền bào chữa, được trợ giúp pháp lý, tiếp xúc lãnh sự, khiếu nại, tố cáo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ khác của công dân cũng bị nghiêm cấm.

Cũng trong chiều 25/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi); Luật phí, lệ phí./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều