Báo Đồng Nai điện tử
En

Quốc hội thông qua Nghị quyết về phát triển KT-XH năm 2014

08:11, 12/11/2013

Với 86,35 % số đại biểu tán thành, sáng 11-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014.

Với 86,35 % số đại biểu tán thành, sáng 11-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014.
Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014.

 Theo đó, mục tiêu tổng quát năm 2014 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh trạnh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Với 86,55% số đại biểu tán thành, Quốc hội cũng thông qua mục tiêu tăng trưởng tổng quát, bao gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15,5%; Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 22,5 giường; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 85%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 80%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,5%.

Trước đó, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến đề nghị  không nên thể hiện chỉ tiêu về tỷ lệ bội chi ngân sách trong Nghị quyết về kinh tế-xã hội mà đưa nội dung này vào Nghị quyết về ngân sách Nhà nước và bổ sung chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế hằng năm từ 2014. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau: Tình hình cân đối ngân sách Nhà nước năm 2014 rất khó khăn, vì vậy để bảo đảm tính tập trung cao trong thực hiện giải pháp, nhiệm vụ về ngân sách, xin tiếp thu, thể hiện chỉ tiêu này trong Nghị quyết về ngân sách Nhà nước. Bổ sung chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế hằng năm là một chỉ tiêu quan trọng, phản ánh chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên để tạo sự thống nhất, bảo đảm tính liên tục trong theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội các năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội tiếp tục tập trung vào nhóm chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội, môi trường như đã trình Quốc hội trong hai năm 2014 và 2015, chưa bổ sung chỉ tiêu mới là tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế hằng năm.

Về chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng, có ý kiến cho rằng tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,5% là mâu thuẫn với mục tiêu đến 2015 đạt 42% vì 1 năm chỉ tăng 0,5%, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng theo báo cáo của Chính phủ, những chính sách phát triển rừng sản xuất phù hợp được ban hành trong những năm gần đây đã khuyến khích người dân trồng rừng sản xuất; các địa phương đã triển khai trồng rừng đảm bảo thời vụ. Diện tích trồng rừng 9 tháng đầu năm 2013 ước đạt 128.600 ha, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2012. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ, giữ tỷ lệ 41,5% là mức phấn đấu hợp lý, sát thực tế.

Có ý kiến đề nghị chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng không quá 7% và không vượt quá mức tăng GDP năm 2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết tiếp tục tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là mục tiêu ưu tiên trong năm 2014 và định hướng trong 2 năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm; mục tiêu đặt ra là đến 2015 chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5-7% theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, kiểm soát lạm phát năm 2014 cũng sẽ đối mặt với nhiều áp lực hơn khi điều chỉnh chính sách vĩ mô, nhất là khi tăng đầu tư công, tăng dư nợ tín dụng, giá điện, than và dịch vụ công. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giữ chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 7% như dự thảo Nghị quyết để bảo đảm Chính phủ linh hoạt trong điều hành.

Về đề nghị tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội là 32% GDP, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết để thực hiện mục tiêu tổng quát năm 2014 cân bằng, hài hòa giữa nhiệm vụ tăng tính ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng ở mức hợp lý thì mức tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chỉ nên ở mức 30% GDP như dự thảo Nghị quyết nhằm bảo đảm không gây tác động bất lợi đến nền kinh tế. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giữ chỉ tiêu này như dự thảo Nghị quyết.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014.
Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014.

Một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi của các chỉ tiêu về tạo việc làm, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị do mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2014 chỉ khoảng 5,8%. Về vấn đề này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực trạng nền kinh tế và tình hình doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong những năm qua nhưng tỷ lệ việc làm và thất nghiệp không có biến động lớn, đòi hỏi cần tiếp tục có đánh giá sâu sắc, thực chất hơn, làm rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp với chỉ tiêu việc làm, thất nghiệp. Mặc dù vậy, bảo đảm việc làm là một yêu cầu lớn đối với nền kinh tế, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giữ 2 chỉ tiêu này như dự thảo Nghị quyết làm cơ sở đề Chính phủ phấn đấu ở mức cao nhất, từ đó tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người dân.

Nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn

Về các giải pháp chủ yếu, Quốc hội cơ bản tán thành với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trình. Bao gồm: Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ; điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; tăng dư nợ tín dụng phù hợp và bảo đảm chất lượng tín dụng; điều hành hiệu quả tỷ giá, thị trường ngoại hối, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam; kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia bảo đảm trong giới hạn an toàn; rà soát các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật liên quan giá điện, minh bạch hóa giá thành giá điện và phấn đấu năm 2014 cơ bản thực hiện giá thị trường về giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục, đồng thời có chính sách hỗ trợ đối với đối tượng chính sách, người lao động và người dân thu nhập thấp.

Ngoài ra, cần tập trung tháo gỡ khó khăn hỗ trợ sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp và người dân. Tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tiếp cận vốn tín dụng có hiệu quả và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tiếp tục xem xét cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho các khoản vay cũ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa tổ chức tín dụng với doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất. Triển khai kịp thời, thực hiện đúng các quy định pháp luật về thuế đã được Quốc hội thông qua, nhất là việc hoàn thuế giá trị gia tăng.

Có giải pháp hiệu quả, dài hạn hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực ổn định, bền vững; trong năm 2014 tập trung vào các sản phẩm như lúa, cà phê, cao su, tôm, cá, cây ăn trái.

Quốc hội cũng thống nhất triển khai toàn diện các giải pháp, thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế; sớm hoàn thiện đề án tái cơ cấu đầu tư, mà trọng tâm là đầu tư công. Hoàn thiện quản lý đầu tư công, nhất là trong phân cấp quản lý và xác định trách nhiệm người quyết định đầu tư, đồng thời có định hướng rõ đối với đầu tư từ các nguồn lực khác. Ưu tiên nguồn vốn xử lý nợ xây dựng cơ bản; rà soát, phân loại toàn bộ danh mục công trình, dự án đang thi công dở dang, tập trung đầu tư hoàn thành, xử lý cơ bản dứt điểm từ nay đến hết năm 2015. Kiểm tra, rà soát lại thiết kế, dự toán các dự án, công trình, loại bỏ các hạng mục không cần thiết, sử dụng vật liệu, thiết bị đắt tiền, lãng phí làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý. Kiểm soát chặt chẽ và hạn chế việc xây dựng trụ sở cơ quan hành chính, xem xét tiếp tục xây dựng trụ sở cấp xã thật sự cần thiết. Hoàn thiện môi trường pháp lý, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính lành mạnh, an toàn góp phần lấy lại đà tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Kiểm tra, rà soát sở hữu chéo có tác động méo mó thị trường trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh vàng, báo cáo kết quả với Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. Kiểm soát, xử lý nợ xấu theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Tăng đầu tư khu vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế biển. Tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với việc sử dụng hiệu quả đất trồng lúa; triển khai nhân rộng các mô  hình sản xuất, quản lý mới đã có hiệu quả trong thực tiễn, nhất là mô hình cánh đồng mẫu lớn. Hình thành các vùng nguyên liệu hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước. Đẩy mạnh quá trình liên kết giữa Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, trước mắt tập trung vào những vùng đã phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Sớm ban hành các đề án thành phần tái cơ cấu ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại.  

Quỳnh Hoa

Tin xem nhiều