Báo Đồng Nai điện tử
En

Cân nhắc quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế

07:11, 27/11/2013

Chiều 26-11, tại kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.

*Quốc hội thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)

Chiều 26-11, tại kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.

Tại phiên thảo luận, không ít đại biểu băn khoăn với việc dự thảo Luật quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) khi chưa có chế tài xử lý.

Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) nhận định: toàn bộ nội dung dự thảo Luật chưa thể hiện được quy định “bắt buộc”, chưa đưa ra được chế tài xử lý. Hiện nay, đối tượng tham gia chủ yếu là người hưởng lương ngân sách, người có công, hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT, nhóm tự nguyện tham gia BHYT mới đạt 28%, như vậy quy định bắt buộc tham gia BHYT liệu có khả thi?

Theo đại biểu, cần làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách BHYT với ý nghĩa nhân văn là cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ rủi ro, đồng thời giảm thủ tục hành chính để thu hút người dân tự nguyện tham gia.

Cho rằng BHYT chưa đủ sức hút để người dân tham gia nên tỷ lệ bao phủ mới đạt gần 67%, chủ yếu là đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mua, đại biểu Phạm Thị Thu Hồng (Bình Định) bày tỏ e ngại về hình thức bảo hiểm bắt buộc nhưng không có chế tài bắt buộc và đề nghị sửa đổi quy định thành BHYT là hình thức bảo hiểm được áp dụng với các đối tượng bắt buộc theo quy định của Luật.

Nhiều ý kiến nghiêng về giữ như quy định hiện hành về việc mọi đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT, đồng thời bổ sung cơ chế tham gia BHYT phải theo hộ gia đình để tránh tình trạng chỉ người ốm mới tham gia BHYT. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ phù hợp với điều kiện sống hiện nay của người dân, đồng thời Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ và có cơ chế khuyến khích mạnh mẽ để thực hiện được lộ trình BHYT toàn dân.

Các đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi), Phương Thị Thanh (Bắc Cạn) thì tán thành quy định bắt buộc tham gia BHYT với lý giải mọi đối tượng đều phải tham gia BHYT, đây là trách nhiệm xã hội, tiến tới BHYT toàn dân. Việc quy định BHYT bắt buộc, mọi thành viên trong xã hội sẽ xác định rõ hơn nghĩa vụ đóng vào quỹ BHYT theo khả năng thu nhập, qua đó nâng cao các giá trị xã hội thông qua huy động được sức mạnh của cộng đồng, đoàn kết, tương trợ, chia sẻ rủi ro, đồng thời tạo ý thức trách nhiệm chăm lo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Nếu thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện sẽ khó đạt được mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2020.

[links(right)]Về vấn đề tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình, nhiều đại biểu cho rằng, quy định này khắc phục được các bất cập hiện nay nhưng không phù hợp với điều kiện hộ gia đình khó khăn, không có việc làm hoặc những người dân di cư sang làm ăn ở các địa phương khác, khi phân tuyến khám chữa bệnh sẽ gặp nhiều vướng mắc cho người dân. Các đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ quy định này.

Thảo luận nội dung phân cấp quản lý quỹ BHYT cho tỉnh, thành phố và xử lý kết dư, bội chi quỹ, đa số ý kiến đề nghị quy định cụ thể tỷ lệ trích nộp quỹ dự phòng về trung ương và tổ chức Hội đồng quản lý quỹ tại tỉnh; đồng thời, quy định rõ khi quỹ BHYT ở tỉnh kết dư, thì tỉnh được ưu tiên sử dụng một phần kết dư kể cả trong trường hợp quỹ dự phòng trung ương kết dư hay bội chi để tránh tình trạng khi quỹ ở trung ương bội chi thì quỹ ở tỉnh dù có kết dư cũng không được sử dụng.

Có ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh sử dụng ngân sách địa phương để đóng góp theo một tỷ lệ nhất định cho phần bị bội chi tại địa phương để nâng cao trách nhiệm của địa phương trong việc chỉ đạo tăng tỷ lệ tham gia BHYT, kiểm soát chống lạm dụng quỹ tại địa phương, đồng thời thể hiện được quy định về phân cấp quản lý quỹ BHYT theo quy định của Luật BHYT.

Đồng tình với cơ chế phân cấp quản lý quỹ, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, để quản lý tốt quỹ BHYT, nên thành lập Hội đồng quản lý quỹ tại địa phương, đồng thời làm rõ mối quan hệ giữa Hội đồng cấp tỉnh với cấp Trung ương. Trước tình trạng các tỉnh nghèo, đặc biệt là các tỉnh miền núi và Tây Nguyên có số kết dư quỹ BHYT cao nhưng chưa được sử dụng một phần quỹ kết dư này, các đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) đề nghị cần có sự điều tiết phù hợp, không thể để xảy ra tình trạng tỉnh khó khăn lại điều tiết quỹ về tỉnh có điều kiện hơn, khi quỹ ở tỉnh kết dư thì được ưu tiên sử dụng phần kết dư trong việc đầu tư trang thiết bị khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, quỹ BHYT cần được nhìn nhận tổng quan trên bình diện toàn quốc, nếu kết dư lớn nên mở rộng quyền lợi cho người tham gia, không trích phần kết dư cho các địa phương như dự thảo Luật.
Nhiều nội dung khác liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế như phân tuyến chuyển tuyến, quy định giá dịch vụ y tế, mức hưởng bảo hiểm y tế... cũng được các đại biểu tập trung thảo luận.

Cũng trong chiều 26-11, với 86,75% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) gồm 5 Chương, 80 Điều.

Thứ tư, ngày 27-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, buổi sáng, thông qua Nghị quyết về quy hoạch tổng thể về thủy điện và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa; buổi chiều, thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp (bao gồm cả nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng) và thảo luận về dự án Luật đầu tư công.

Thanh Vân

Tin xem nhiều