Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần lập cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng độc lập

04:11, 08/11/2013

Ngày 7-11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã dành trọn một ngày tại hội trường để thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Ngày 7-11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã dành trọn một ngày tại hội trường để thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Buổi sáng, cả hội trường đã "nóng" lên với những ý kiến góp ý thể hiện bức xúc của cử tri được các đại biểu Quốc hội phản ánh xung quanh công tác của các cơ quan tư pháp và công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2013.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang

* Mạnh tay hơn nữa với vi phạm pháp luật và tội phạm

Bày tỏ lo ngại sâu sắc về những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường ngày càng diễn biến phức tạp ở mức đáng báo động, coi thường pháp luật và gây ra nhiều hậu quả nặng nề, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) viện dẫn nhiều vụ xả thải ra môi trường tự nhiên mới được phát hiện tại nhiều địa phương gần đây. Đại biểu cho rằng, để xảy ra tình trạng này là do việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường đã không được chấp hành nghiêm, trước hết là ở người thi hành công vụ. Chính tình trạng buông lỏng quản lý; xử lý hành chính nương nhẹ, công tác kiểm tra không đạt yêu cầu, hoặc dung túng, bao che cho doanh nghiệp là nguyên nhân dẫn đến các vụ vi phạm liên tiếp xảy ra.

Nhận định tình hình tội phạm gia tăng, ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự an toàn xã hội và hội nhập quốc tế, đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cho rằng, công tác quản lý Nhà nước chậm phát hiện ra những kẽ hở trong chính sách, pháp luật, các chế tài đối với tội phạm vị thành niên không đủ sức răn đe tội phạm và ngăn chặn tội phạm gia tăng. Vai trò của các tổ chức chính quyền, gia đình, nhà trường trong phòng, chống tội phạm chưa thực sự được đề cao, còn tình trạng coi nhiệm vụ này là của riêng ngành Công an.

Đối với một số loại tội phạm mới, đại biểu đề nghị cần có sự chủ động chuẩn bị về trang thiết bị, lực lượng để đối phó hiệu quả, cần có giải pháp phòng ngừa kịp thời, tăng cường quản lý chặt chẽ tạm trú, tạm vắng.

* Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra

Về tình hình PCTN, các đại biểu cho rằng, công tác phát hiện còn yếu, chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng đã và đang gây bức xúc trong xã hội. Nhiều ý kiến đề nghị cần chỉ rõ, chỉ đúng những địa chỉ cụ thể, đơn vị, tổ chức, trách nhiệm cá nhân những nơi để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, thậm chí cần thành lập cơ quan riêng về PCTN trực thuộc Quốc hội hoặc Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.

Đại biểu Hồ Văn Năm (Đồng Nai)
Đại biểu Hồ Văn Năm (Đồng Nai)

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng, quyết tâm chính trị đã có, hiệu quả PCTN đang nằm ở khâu triển khai thực hiện. Ông Tiến nói: “Cơ quan, lực lượng PCTN đã được tổ chức đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, bày binh bố trận rầm rộ, khí thế hừng hực, song tội phạm tham nhũng chưa sát thương là bao nhiêu. Cử tri cho rằng, nợ xấu tài chính tiền tệ cũng đáng lo ngại, song lo ngại nhất là nợ xấu lòng tin và tồn đọng trách nhiệm trong PCTN”. Ông kiến nghị cần thành lập cục điều tra tội phạm tham nhũng trực thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, cơ quan này có cơ chế đặc biệt có thể xử lý dứt điểm, hiệu quả cả tham nhũng trong cả bộ máy PCTN.

Cùng quan điểm này, các đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, chúng ta có đủ bộ máy PCTN, mặc dù các cơ quan này có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Liệu trong lực lượng PCTN có việc bao che cho tham nhũng hay không? Đại biểu đề nghị cần lập lực lượng chuyên trách điều tra PCTN trực thuộc Quốc hội hoặc Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN với đội ngũ cán bộ tinh nhuệ về trí tuệ và nghiệp vụ, có chế độ đãi ngộ xứng đáng. Có như vậy mới có thể đủ sức điều tra nhanh các vụ án tham nhũng lớn, không để xảy ra tình trạng tồn đọng kéo dài như hiện nay, không cho thời gian để bị can, bị cáo chạy án, tránh gây hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của nhân dân.

* Tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước

Buổi chiều, khi đề cập đến tình hình tội phạm và công tác tư pháp, các đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội), Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang), Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội)... cho rằng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội chưa đề cập một cách đầy đủ, nhất là vấn đề đánh giá tình hình vi phạm của các cán bộ, công chức; tình trạng bảo kê còn diễn ra ở một số địa phương; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh.

[links(right)]Cũng theo các đại biểu Quốc hội, kết quả xử lý tội phạm, nhất là tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng chưa tương xứng với tình hình thực tế; tỷ lệ trả lại hồ sơ còn cao kể cả của Viện kiểm sát lẫn Tòa án; chất lượng tranh tụng trong các phiên toà còn chậm được cải tiến, chưa đáp ứng được yêu cầu về cải cách tư pháp...

Góp ý về vấn đề thi hành án tử hình, các đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình), Hồ Văn Năm (Đồng Nai), Bạch Thị Hương Thuỷ (Hoà Bình) và một số đại biểu khác đề nghị nên để tồn tại song song hai hình thức tử hình.

Đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đề nghị Quốc hội tiếp tục cho phép kéo dài thời gian thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn đến hết năm 2015, thực hiện song song với hình thức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc.

Cũng trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, thời gian tới cần tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, xã hội; xác định và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu của các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý Nhà nước về tình hình an ninh, trật tự, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm; chấm dứt tình trạng bắt khẩn cấp, lạm dụng việc đình chỉ trong điều tra...

Thứ sáu, ngày 8-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012.

P.V (Tổng hợp)

Tin xem nhiều