Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển logistics để hỗ trợ xuất khẩu

07:01, 30/01/2023

Phát triển logistics là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng với Việt Nam hiện nay; nhất là khi hàng năm, nước ta có tốc độ gia tăng giá trị xuất - nhập khẩu cao.

Phát triển logistics là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng với Việt Nam hiện nay; nhất là khi hàng năm, nước ta có tốc độ gia tăng giá trị xuất - nhập khẩu cao.

Doanh nghiệp dịch vụ logistics Đồng Nai làm hàng xuất khẩu
Doanh nghiệp dịch vụ logistics Đồng Nai làm hàng xuất khẩu. Ảnh: V.GIA

Cải thiện chất lượng logistics, liên kết đầu tư đồng bộ hạ tầng dịch vụ trở thành bài toán cấp bách hiện nay, đặc biệt với Đồng Nai cũng như khu vực Đông Nam bộ, nơi xuất - nhập khẩu hàng hóa lớn nhất cả nước.

Tiềm năng chưa khai thác hết

Đông Nam bộ gồm 6 tỉnh, thành: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước. Vùng có tỷ lệ đóng góp vào GDP cũng như thu ngân sách cao nhất cả nước.

Theo Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, tính đến hết năm 2021, vùng Đông Nam bộ có khoảng 14,8 ngàn DN cung ứng dịch vụ logistics, chiếm 49,2% tổng số DN logistics cả nước. Trong đó, tập trung chủ yếu tại TP.HCM với hơn 11 ngàn DN, Bình Dương gần 1,7 ngàn và Đồng Nai hơn 1,2 ngàn DN.

Theo Trưởng bộ phận Nghiên cứu Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI) Nguyễn Thanh Tuấn, không chỉ giữ vai trò đầu tàu kinh tế, vùng Đông Nam bộ là khu vực tập trung hạ tầng logistics quan trọng của đất nước, đảm nhận phần lớn số lượng hàng hóa và khối lượng hàng container. Thời gian qua, logistics của vùng Đông Nam bộ đã hỗ trợ tích cực cho các vùng kinh tế khác để vận chuyển, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa. Bên cạnh những kết quả đạt được, logistics vùng Đông Nam bộ vẫn còn những hạn chế, đòi hỏi phải có sự khắc phục kịp thời.

Các doanh nghiệp (DN) cung ứng dịch vụ logistics chủ yếu là DN vận tải hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ liên quan đến vận tải, đại lý giao nhận, vận chuyển... Trong đó, TP.HCM có sự đa dạng hơn về các dịch vụ logistics, tiếp đến Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương.

Sự phát triển về dịch vụ logistics cũng đòi hỏi nhu cầu ngày càng cao về nhân sự. TS Mai Xuân Thiệu, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam nhận định, nhân lực đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững logistics ở Việt Nam. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics của Việt Nam khoảng trên 200 ngàn người. Trong khi đó, khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ khoảng 10% nhu cầu của thị trường, đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Việc kết nối, phát triển logistics đang là một trong những bài toán trọng tâm của ngành. Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cho biết, cuối năm 2022, Chính phủ đã có nghị quyết về đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Đồng thời, nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch về phát triển logistics, đó là điều kiện thuận lợi của ngành trong tương lai.

Đầu tư đồng bộ hạ tầng, dịch vụ để hỗ trợ xuất khẩu

Thúc đẩy phát triển logistics nội địa là bài toán cần phải có giải pháp thực hiện càng sớm càng tốt để hỗ trợ xuất - nhập khẩu.

Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM Nguyễn Chánh Phương cho biết: “Ngành gỗ, nội thất là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn từ cước vận chuyển do hàng hóa chiếm thể tích lớn. Khi cước vận chuyển tăng cao vào năm 2021, giá vận chuyển nhiều đơn hàng xuất khẩu cao hơn giá trị hàng hóa, gây bất lợi về giá thành, khả năng cạnh tranh của sản phẩm”.

Hiện nay, gánh nặng về vận tải biển quốc tế đã được tháo gỡ do cước tàu giảm mạnh. Tuy nhiên, chi phí logistics vẫn đang chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành sản phẩm do chi phí vận tải nội địa đang ở mức cao và có xu hướng ngày càng tăng. Nguyên nhân là ngành chế biến gỗ tập trung nhiều ở khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương nhưng nguồn cung nguyên liệu gỗ trong nước chủ yếu ở miền Trung và miền Bắc nên DN tốn khá nhiều chi phí logistics nội địa, làm gia tăng chi phí. Để giảm áp lực, giá thành cho sản phẩm xuất khẩu cần có phương án để cắt giảm chi phí logistics trong nước.

Tương tự, về phần DN cung ứng dịch vụ, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát (TP.Biên Hòa) Nguyễn Duy Hưng cũng chia sẻ vấn đề mà các DN gặp phải là sự thiếu đồng bộ trong phát triển dịch vụ logistics của vùng. Cùng với đó, các yếu tố khác tạo nên sự kìm hãm khiến các DN trong ngành khó bứt phá phát triển. Vì thế, cần xây dựng cơ chế, động lực và có “nhạc trưởng” để thúc đẩy phát triển hạ tầng nói chung và các yếu tố liên quan đến dịch vụ logistics nói riêng.

Các chuyên gia cho rằng, dư địa để cải thiện chuỗi logistics ở Việt Nam còn rất lớn, nhưng phải có sự đột phá trong đổi mới cơ chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics, phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế quốc gia và vùng. Trong đó, trước tiên cần xử lý các điểm hạn chế của chuỗi cung ứng như năng suất các cảng biển, cảng cạn, cảng thủy nội địa, kho bãi và điểm trung chuyển; quy hoạch vận tải đa phương thức thúc đẩy phát triển nhanh các phương thức vận tải hàng hóa chi phí thấp để cắt giảm chi phí cho hàng hóa xuất khẩu.

Văn Gia

Tin xem nhiều