Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

03:11, 11/11/2022

Bộ NN-PTNT đã triển khai nhiều chương trình hội thảo, diễn đàn bàn giải pháp tăng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất thức ăn cho ngành chăn nuôi, giảm lệ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Trong đó có nhóm giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) gắn với phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả.

Bộ NN-PTNT đã triển khai nhiều chương trình hội thảo, diễn đàn bàn giải pháp tăng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất thức ăn cho ngành chăn nuôi, giảm lệ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Trong đó có nhóm giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) gắn với phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả.

Cánh đồng bắp của nông dân xã Bình Sơn, H.Long Thành
Cánh đồng bắp của nông dân xã Bình Sơn, H.Long Thành. Ảnh: B.NGUYÊN

Bộ NN-PTNT cũng dự kiến trình Chính phủ xem xét, phê duyệt dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi với nhiều ưu đãi nhằm hỗ trợ, phát triển nguyên liệu TĂCN trong nước.

Phụ thuộc vào nhập khẩu

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu và TĂCN đạt gần 4,07 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2021, Việt Nam cũng đã chi gần 5 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu và TĂCN.

Ngành sản xuất TĂCN trong nước hiện vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường nhập khẩu. Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, tổng nhu cầu thức ăn tinh như: bắp, khô dầu đậu nành, cám, bột cá... của toàn ngành chăn nuôi Việt Nam cần khoảng 33 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn, với khoảng 35% tổng nhu cầu.

Theo Bộ trưởng NN-PTNT LÊ MINH HOAN, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ NN-PTNT trong chiến lược nâng cao năng lực tự chủ của ngành để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, giảm rủi ro về thị trường. Trong đó, Việt Nam cần tự chủ dần một số nguyên liệu sản xuất TĂCN, thủy sản, đặc biệt là những nguyên liệu đang phải nhập khẩu với số lượng lớn từ nước ngoài. Bộ NN-PTNT tiếp tục nghiên cứu các mô hình giảm chi phí đầu vào, đặc biệt là phát triển nông nghiệp tuần hoàn, phần nào tự sản xuất phân bón, TĂCN, thuốc sinh học…

Phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu chính là nguyên nhân khiến giá TĂCN thời gian qua chỉ tăng mà không giảm. Cụ thể, tính từ cuối năm 2020 đến nay, các mặt hàng TĂCN trong nước đã 17 lần tăng giá. Trong khi TĂCN đang chiếm khoảng 65-70% tổng chi phí sản xuất. Việc giá TĂCN liên tục tăng khiến ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều trại chăn nuôi thua lỗ, phải “treo chuồng”.

Việt Nam đang chuyển dịch từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi quy mô lớn, nhu cầu nguồn thức ăn cho chăn nuôi công nghiệp rất lớn. Theo các doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi, lời giải cho bài toán này chính là từng bước chủ động sản xuất nguồn nguyên liệu trong nước, tận dụng tốt nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp để chế biến TĂCN… nhằm giảm áp lực nhập khẩu về TĂCN.

Ngoài ra, ngành sản xuất TĂCN phải quản trị tốt nguyên liệu, giảm tối đa chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm. Trong chăn nuôi cũng áp dụng tối đa các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sử dụng TĂCN. Tận dụng các nguyên liệu sẵn có tại chỗ để làm TĂCN như: thức ăn xanh, phụ phẩm nhà bếp, nhà hàng…

Tại tọa đàm “Xây dựng vùng nguyên liệu TĂCN, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững, hiệu quả” do Cục Chăn nuôi phối hợp tổ chức ngày 28-10, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Hạ Thúy Hạnh cho biết, giải pháp về tự phối trộn thức ăn cho heo, gà để giảm chi phí hay trồng cây bắp sinh khối để ủ chua làm thức ăn cho gia súc đang được nhân rộng tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, các hoạt động này còn mang tính tự phát, chất lượng cũng như sản lượng chưa đảm bảo.

“Chúng tôi khuyến cáo và khuyến khích bà con trồng theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, theo đúng kỹ thuật mà cán bộ khuyến nông phổ biến” - bà Hạnh nhấn mạnh.

Phải tính chuyện nội địa hóa nguồn nguyên liệu

Giảm chi phí đầu vào trong sản xuất TĂCN, dần thay thế một số nguyên liệu nhập khẩu bằng nguyên liệu sản xuất trong nước là một trong những nhóm giải pháp được Bộ NN-PTNT đặt ra cho thời gian tới.

Chủ trang trại lớn ở H.Xuân Lộc tự phối trộn thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí đầu vào. Ảnh B.Nguyên
Chủ trang trại lớn ở H.Xuân Lộc tự phối trộn thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí đầu vào. Ảnh B.Nguyên

Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh đề xuất phương án tập trung sản xuất những mặt hàng mà Việt Nam có sức cạnh tranh. Cụ thể, phát triển các vùng nguyên liệu bắp, đậu nành là rất cần thiết để chủ động ít nhất 50% nguồn nguyên liệu trong nước, giảm dần phụ thuộc nhập khẩu. Chiến lược chăn nuôi sẽ chuyển đổi nhiều diện tích đất kém hiệu quả để xây dựng những vùng trồng bắp, đậu nành nhằm giải quyết một phần vấn đề TĂCN. Ngoài ra, với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên chuyển hướng tăng cường nuôi vật bản địa, đặc sản.

“Chúng ta không thể để tình trạng xuất khẩu 3 tỷ USD lúa gạo nhưng lại nhập khẩu 6 tỷ USD TĂCN kéo dài. Muốn vậy, bên cạnh chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hóa, người dân còn cần liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để xây dựng các chuỗi” - ông Chinh đề xuất.

Bộ NN-PTNT đang chuẩn bị trình Chính phủ xem xét, phê duyệt dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi với nhiều ưu đãi nhằm hỗ trợ, phát triển nguyên liệu TĂCN trong nước.

Cũng theo ông Chinh, trong dự thảo nghị định có đề cập một số điểm rất quan trọng về hỗ trợ, phát triển nguyên liệu TĂCN trong nước. Điển hình như, với các tổ hợp tác, HTX khi tham gia sản xuất các vùng nguyên liệu sản xuất TĂCN được hỗ trợ tối đa 50% về tổng chi phí cho cơ sở hạ tầng của vùng nguyên liệu đó, không vượt quá 2 tỷ đồng cho 1 dự án. Cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu gồm: xây dựng đường giao thông nội vùng, vận chuyển nguyên liệu đầu vào cũng như sản phẩm, hệ thống thủy lợi, điện, có khu vực tập kết nguyên liệu. Bên cạnh đó, nếu các tổ hợp tác, HTX tham gia vào vùng nguyên liệu sản xuất TĂCN sẽ được hỗ trợ mua các loại giống mới; giống năng suất, chất lượng cao sẽ được hỗ trợ khoảng 50%, tối đa 100 triệu đồng. Khi đầu tư vào vùng nguyên liệu, điều khó khăn nhất là làm sao có diện tích lớn để cơ giới hóa đồng bộ. Chính sách sẽ hỗ trợ 50% chi phí để thu gom đất nông nghiệp. Quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng nguyên liệu TĂCN, hỗ trợ cho mỗi dự án không quá 1 tỷ đồng.

Một chính sách rất quan trọng phục vụ cho sản xuất TĂCN công nghiệp là hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất TĂCN. Các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu thức ăn bổ sung sẽ được hỗ trợ 50%, tối đa không quá 2 tỷ đồng cho 1 dự án.

Bình Nguyên


Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh TRẦN LÂM SINH:

Phát triển vùng chuyên canh cây bắp

Với lợi thế là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, lại thu hút đông các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến TĂCN, Đồng Nai có lợi thế phát triển những vùng chuyên canh cây bắp. Trước đây, Đồng Nai cũng là tỉnh có diện tích trồng bắp thuộc tốp đầu của cả nước.

Nhiều địa phương của tỉnh đã xây dựng được những vùng chuyên canh cho cây bắp, xây dựng chuỗi liên kết để sản phẩm bắp nội vẫn có “chỗ đứng” trên thị trường. Ngoài ra, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực thu hút doanh nghiệp về đầu tư vùng nguyên liệu sản xuất TĂCN, nhất là phát triển vùng chuyên canh cho cây bắp, một trong những nguyên liệu chính trong sản xuất TĂCN.

Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (H.Xuân Lộc) TRẦN QUANG:

Tăng lợi nhuận cho cây bắp

Xuân Lộc từng được mệnh danh là thủ phủ của cây bắp lai về năng suất cũng như diện tích. So với thu nhập từ cây lúa thì bắp có giá trị gấp đôi, gấp 3 lần nên trong phong trào xây dựng nông thôn mới của H.Xuân Lộc, mô hình sản xuất 2 bắp, 1 lúa là một trong những mô hình chuyển đổi sản xuất hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa. Ngoài ra, mô hình trồng bắp cây với sản phẩm đầu ra có doanh nghiệp bao tiêu, chế biến thức ăn đại gia súc xuất khẩu đang thu hút nông dân trồng bắp tham gia vì cho lợi nhuận tốt, đầu ra ổn định.

HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến là đơn vị đi đầu trong xây dựng cánh đồng lớn cho cây bắp, đầu tư máy móc, ứng dụng kỹ thuật và giống mới để tăng lợi nhuận cho cây trồng này. Khoảng 2 năm trở lại đây, giá bắp bán ra thường ổn định ở mức cao nên nông dân trồng bắp có lợi nhuận tốt hơn.

Lê Quyên (ghi)


 

Tin xem nhiều