Báo Đồng Nai điện tử
En

Dạy thêm, học thêm: Làm thế nào để không bị lạm dụng?

07:11, 12/11/2022

Ngay đầu năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo việc tạm dừng dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, việc tạm dừng dạy thêm, học thêm sẽ không dễ dàng vì đây là nhu cầu thực tế của phụ huynh cho con em mình.

Ngay đầu năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo việc tạm dừng dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, việc tạm dừng dạy thêm, học thêm sẽ không dễ dàng vì đây là nhu cầu thực tế của phụ huynh cho con em mình.

Nhóm học sinh của Trường tiểu học Thống Nhất (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) lên xe đến trường học vào buổi chiều. Trước đó, các em học thêm và ăn trưa tại nhà giáo viên. Ảnh: C.Nghĩa
Nhóm học sinh của Trường tiểu học Thống Nhất (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) lên xe đến trường học vào buổi chiều. Trước đó, các em ăn trưa tại nhà giáo viên. Ảnh: C.Nghĩa

* Nhu cầu chính đáng

Chị Vũ Thị Ngọc Hòa có con học tại Trường tiểu học Thống Nhất (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) chia sẻ, trường của con chị chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày nên buổi sáng chị phải chở con đến nhà cô giáo gửi để con vừa học thêm, vừa ăn trưa tại nhà cô. Sau bữa trưa đến 13 giờ, con chị lại cùng các bạn trong lớp lên xe buýt (bus) 35 chỗ ngồi do giáo viên sắp xếp đến trường học buổi chính khóa.

Trong khi đó, tại Trường tiểu học Nguyễn Du (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa), cũng vì lý do nhà trường chỉ dạy 1 buổi/ngày ở một số khối lớp nên nhiều phụ huynh không còn lựa chọn nào khác là gửi con đến nhà thầy cô giáo ở buổi còn lại.

Giám đốc Sở GD-ĐT TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ: Quản lý chặt để tránh đơn thư khiếu nại về dạy thêm, học thêm

Sở GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo hiệu trưởng các trường phổ thông trong tỉnh phải tạm dừng dạy thêm, học thêm trong trường học, đồng thời quán triệt cho giáo viên không được tổ chức dạy thêm ngoài trường học. Do đó, người đứng đầu cơ sở giáo dục có trách nhiệm quản lý chặt chẽ, tránh để giáo viên không chấp hành quy định của ngành. Đây cũng là một trong những nguyên nhân phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Anh Phạm Văn Vương, phụ huynh có con học lớp 4 tại Trường tiểu học Nguyễn Du cho biết: “Vợ chồng tôi đều làm công nhân, sáng đi làm đến chiều mới về, trong khi đó trường chỉ dạy 1 buổi/ngày. Học xong buổi sáng, nếu không gửi con ở nhà cô vào buổi trưa và buổi chiều thì vợ chồng tôi chẳng biết đón con bằng cách nào, càng không thể 11 giờ trưa bỏ nhà máy chạy về đón con, nếu con có về nhà thì cũng không có ai trông giúp”.

Một giáo viên của Trường tiểu học Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) cho hay, lớp có hơn 40 học sinh thì có gần 30 học sinh được cha mẹ gửi đến nhà cô vào buổi trưa và chiều, vì trường chỉ dạy 1 buổi/ngày. Số học sinh còn lại không gửi đến nhà cô giáo vì may mắn có người thân như ông bà, cậu dì có thời gian phụ giúp việc đưa đón, trông coi. Giáo viên này cho biết thêm: “Khi tổ chức trông giữ học sinh tại nhà, giáo viên phải có nhà cửa rộng rãi, phải thuê xe phục vụ đưa rước học sinh từ trường về nhà giáo viên nếu học chính khóa vào buổi sáng, hoặc từ nhà giáo viên đến trường nếu học chính khóa vào buổi chiều. Ngoài ra, còn phải thuê người nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh”.

Ngay cả những học sinh được học 2 buổi/ngày, nhiều phụ huynh vẫn muốn con mình được học thêm với rất nhiều lý do khác nhau. Chị Hoàng Thị Tuyết Trinh có con học tại một trường THCS tại P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) cho biết, năm nay con chị đang học lớp 9, sang năm sẽ thi lên lớp 10. Vì cuộc “cạnh tranh” vào lớp 10 công lập khá căng thẳng nên chị buộc phải cho con đi học thêm. Ngoài 3 môn chính là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, con chị Trinh còn học thêm cả môn Lý, Hóa.

“Chương trình phổ thông còn nặng lắm, chỉ học chính khóa trên lớp thôi thì e rằng không sâu nên nhất định phải học thêm mới an tâm được” - chị Trinh nói.

* Không để lập lờ ranh giới giữa tự nguyện và bị bắt buộc

Nhiều phụ huynh muốn cho con được đi học thêm ở nhà thầy cô với mục đích bồi dưỡng kiến thức, nhưng cũng có không ít phụ huynh buộc phải cho con đi học thêm ở nhà cô vì những lý do khá “tế nhị”.

Chị Nguyễn Thị H. Th. (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho hay, con chị học ở trường vào buổi sáng, đến buổi chiều thì được gửi vào một trung tâm kỹ năng sống gần trường mà không đến nhà cô học thêm. Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm thường hay gọi điện “càm ràm” với chị những lỗi của con, đáng nói là có những lỗi không đáng “méc”.

Việc học sinh muốn học thêm hay không đều dựa trên nguyên tắc tự nguyện, nhưng “ranh giới” giữa tự nguyện hay bị bắt buộc đôi khi cũng lại khá mong manh. Mới đây, tại Trường THCS T. (TP.Biên Hòa) đã xảy ra trường hợp học sinh bị giáo viên có hành vi thiếu kiềm chế vì học sinh không chịu học thêm. Sự việc đã được lãnh đạo Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa chỉ đạo Ban giám hiệu trường và giáo viên liên quan để xảy ra sự việc phải đến nhà học sinh xin lỗi phụ huynh và học sinh, đồng thời có hình thức xử lý với giáo viên có hành vi vi phạm.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.Biên Hòa chia sẻ, rất nhiều phụ huynh muốn con mình được học thêm tại trường, nhưng trường lại không thể tổ chức do một nửa số khối lớp học buổi sáng, một nửa còn lại học buổi chiều. Học sinh chỉ có thể học 1 buổi/ngày tại trường, buổi còn lại nhiều em được cha mẹ gửi đến nhà thầy cô vừa nghỉ trưa, vừa học thêm buổi còn lại. Giáo viên muốn nhận trông giữ trẻ tại nhà thì phải có đơn xin tự nguyện đăng ký của phụ huynh. Tuy nhiên, không phải thầy cô giáo nào cũng được nhà trường đồng ý cho nhận trông giữ và tổ chức dạy thêm tại nhà, mà phải xem xét nhiều yếu tố như: điều kiện ăn nghỉ, nơi học tập và vui chơi, đặc biệt là giáo viên phải có kinh nghiệm. Riêng với những giáo viên trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, nhà trường không đồng ý cho nhận học sinh về nhà riêng, dù phụ huynh có đơn tự nguyện đăng ký với giáo viên.

Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Biên Hòa) Nguyễn Thu Phương chia sẻ, nhiều thầy cô của trường có chuyên môn tốt nên phụ huynh rất tin tưởng và mong muốn con em ngoài học chính khóa còn được theo học thêm ở nhà thầy cô. Tuy nhiên, nhà trường thường xuyên quán triệt với giáo viên tuyệt đối không được lợi dụng sự tin tưởng của phụ huynh để ép buộc học sinh phải học thêm tại nhà riêng. Nhà trường thường xuyên nắm bắt dư luận, nếu có nghe được thông tin về giáo viên lạm dụng dạy thêm sẽ chấn chỉnh và xử lý nghiêm.


Phó hiệu trưởng Trường THPT Tân Phú (H.Định Quán) TRƯƠNG THỊ LỆ THANH: Dạy học tăng cường thay thế dạy thêm, học thêm

Hiện nay, nhà trường đã yêu cầu giáo viên của trường ngừng hoạt động dạy thêm tại nhà theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT. Thay vì học thêm ở nhà thầy cô, nhà trường đã lấy ý kiến của phụ huynh về việc tổ chức dạy tăng cường vào một buổi còn lại sau buổi học chính khóa. Các em sẽ được học tăng cường theo định hướng, đồng thời nhà trường sẽ cho phép học sinh được chọn giáo viên khi học những môn tăng cường. Mức học phí khi tổ chức dạy tăng cường sẽ thấp nhằm tạo điều kiện cho mọi học sinh được tham gia, thậm chí học sinh quá khó khăn thì nhà trường xem xét miễn giảm.

Trưởng phòng GD-ĐT H.Long Thành NGUYỄN VĂN TOÀN: Chủ động nắm bắt dư luận

Ngay đầu năm học này, Phòng GD-ĐT huyện đã quán triệt đến hiệu trưởng các trường chỉ đạo của Sở GD-ĐT về dừng hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường học. Phòng đã nêu rõ tinh thần nếu hiệu trưởng để giáo viên dạy thêm tại nhà và xảy ra điều tiếng, ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo nói riêng và ngành nói chung thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. Muốn tránh những hệ quả xấu, hiệu trưởng phải chủ động nắm bắt dư luận về giáo viên do đơn vị mình quản lý.

Thành Nam (ghi)


Công Nghĩa

Tin xem nhiều