Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần quản lý chặt từ cấp phép đến hoạt động

02:11, 25/11/2022

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài hơn 2 năm qua đã khiến nhiều trung tâm ngoại ngữ (TTNN) tại các địa phương trong tỉnh lâm vào cảnh khó khăn. Khi các trung tâm gặp khó khăn đồng nghĩa với việc học tập của học viên bị ảnh hưởng, gián đoạn, thậm chí nhiều học viên còn bị "quỵt" học phí.

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài hơn 2 năm qua đã khiến nhiều trung tâm ngoại ngữ (TTNN) tại các địa phương trong tỉnh lâm vào cảnh khó khăn. Khi các trung tâm gặp khó khăn đồng nghĩa với việc học tập của học viên bị ảnh hưởng, gián đoạn, thậm chí nhiều học viên còn bị “quỵt” học phí.

Nhiều phụ huynh có con học tại Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders Biên Hòa yêu cầu trung tâm này phải hoàn lại trên 1,5 tỷ đồng học phí do vi phạm cam kết đào tạo
Nhiều phụ huynh có con học tại Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders Biên Hòa yêu cầu trung tâm này phải hoàn lại trên 1,5 tỷ đồng học phí do vi phạm cam kết đào tạo. Ảnh: C.NGHĨA

Toàn tỉnh hiện có trên 250 TTNN còn giấy phép hoạt động, trong đó riêng TP.Biên Hòa có tới 145 trung tâm, xếp thứ nhì là H.Trảng Bom với trên 20 trung tâm, huyện có ít trung tâm nhất là Tân Phú với 1 trung tâm.

Khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19

Dịch bệnh Covid-19 đi qua đã khiến nhiều TTNN không còn nguồn lực để tiếp tục duy trì sự hoạt động, bởi phần lớn các trung tâm phải phải thuê mặt bằng, trong đó có những trung tâm thuê ở vị trí thuận lợi nên chi phí rất cao. Minh chứng cụ thể nhất là sau dịch Covid-19, một trong những TTNN được phụ huynh đánh giá cao là Anh ngữ Apax Leaders Biên Hòa (thuộc Công ty CP Anh ngữ Apax) đã phải chuyển từ một căn biệt thự mặt tiền đường Võ Thị Sáu (P.Thống Nhất) đến một địa điểm khác để giảm chi phí thuê mặt bằng.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH:

Phụ huynh cân nhắc lựa chọn TTNN có uy tín

Nhu cầu cho con học tiếng Anh của phụ huynh ngày càng cao, nhưng phụ huynh cần cân nhắc lựa chọn TTNN có uy tín, phù hợp với khả năng tài chính. Trong quá trình học phải theo dõi đánh giá xem con mình có học tập hiệu quả hay không. Phụ huynh cũng cần cẩn trọng khi trung tâm đưa ra các gói khuyến mãi, phụ huynh thấy lợi mà đóng quá nhiều học phí cùng một lúc. Điều này sẽ dẫn đến trường hợp khi trung tâm gặp khó khăn, giải thể sẽ khó đòi lại được học phí đã đóng, hoặc khi con không còn muốn học ở trung tâm đó nữa, muốn chuyển sang trung tâm khác sẽ không được hoàn phần học phí học chưa hết khóa.

Không dừng lại đó, do không duy trì hoạt động và đảm bảo chất lượng như trước đây, Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders Biên Hòa đang bị hàng chục phụ huynh đòi lại tiền học phí lên đến trên 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trung tâm còn nợ lương nhiều giáo viên người nước ngoài và Việt Nam. Theo thông tin mới nhất của trung tâm này đến phụ huynh, nhiều khả năng phụ huynh sẽ khó nhận lại được học phí bằng tiền mặt ngay, vì Công ty CP Anh ngữ Apax đang có kế hoạch tái cấu trúc hoạt động sau nhiều khó khăn.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở GD-ĐT đã ban hành khá nhiều giấy phép giải thể các TTNN sau thời gian được cấp phép đầu tư và đi vào hoạt động. Việc các trung tâm ngừng hoạt động thường vì lý do hoạt động không hiệu quả, tình hình tài chính gặp khó khăn khiến việc học tập của học sinh bị gián đoạn. Chị Đỗ Thị Phương Thanh (ở P.Hiệp Hòa) cho biết: “Trước đây, con tôi học Tiếng Anh ở một trung tâm gần nhà, nhưng sau dịch Covid-19 trung tâm này không còn hoạt động nữa khiến tôi phải chuyển cho con đến một trung tâm khác. Việc phải chuyển đến một trung tâm khác như vậy khiến con phải mất thời gian thích nghi nên phần nào bị ảnh hưởng đến kết quả học tập”.

Sau một thời gian bị ảnh hưởng nặng từ Covid-19, đến đầu năm 2022, TTNN Tân Âu (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) đã phải dừng hoạt động. Trung tâm này đã phải làm thủ tục giải thể theo quy định. Hiện có khá nhiều TTNN giấy phép đang còn hiệu lực nhưng đã thông báo tạm ngưng hoạt động, trả lại mặt bằng, hoặc Sở GD-ĐT chưa cập nhật được tình hình hoạt động, do các trung tâm này không báo cáo thường xuyên tình hình hoạt động.

Anh Vũ Ngọc Hà, đồng sáng lập TTNN AP (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho hay: “Trung tâm dạy ngoại ngữ của tôi đi vào hoạt động không lâu thì gặp dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động cầm chừng. Đầu năm 2022, tôi quyết định trả lại mặt bằng và làm các thủ tục giải thể trung tâm theo quy định”.

Siết chặt hoạt động vì quyền lợi học viên

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch, Sở GD-ĐT luôn tạo điều kiện cấp phép thành lập và đi vào hoạt động cho các TTNN. Nhiều TTNN trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại TP.Biên Hòa, đang hoạt động hiệu quả đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh cho học sinh các trường phổ thông. Ông Thạch cho biết, những năm gần đây, kết quả học tiếng Anh của học sinh Đồng Nai khá tốt, nhiều học sinh có giải cao ở môn Tiếng Anh tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, điểm trung bình môn Tiếng Anh của học sinh Đồng Nai xếp thứ 11/63 tỉnh, thành của cả nước.

Bên cạnh đó, các TTNN chính là một trong những địa chỉ giúp học sinh có nhiều cơ hội hơn để giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài, luyện thi và thi cấp các chứng chỉ Anh văn quốc tế như: Cambridge, IELTS… Nhờ tạo điều kiện phát triển cho các TTNN nên đến nay tại TP.Biên Hòa đã có nhiều trung tâm ngoại ngữ có thương hiệu như: ILA, Apollo, VUS, VMG... Hiện tại có 2 TTNN đã được các tổ chức giáo dục quốc tế công nhận đủ điều kiện để tổ chức thi các chứng chỉ Anh ngữ quốc tế IELTS gồm: Trung tâm Anh ngữ Việt Mỹ (VMG) và Trung tâm Anh ngữ ABC EDU (thuộc Hệ thống giáo dục Á Châu). Với sự công nhận này, học sinh Đồng Nai muốn thi cấp chứng chỉ IELTS sẽ không phải lên TP.HCM mà có thể thi ngay tại TP.Biên Hòa.

Bà Nguyễn Thị Trúc Tự, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT cho biết, thời gian qua, Sở GD-ĐT đã tăng cường kiểm tra hoạt động của các TTNN trên địa bàn tỉnh. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành các quy định về hoạt động so với nội dung được cấp phép như: cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chuyên môn giảng dạy… Các vấn đề về kiểm tra chuyên môn thì tương đối thuận lợi, nhưng khó khăn nhất vẫn là nắm được tình hình tài chính của các trung tâm ra sao, liệu có xảy ra tình hình phụ huynh bị “quỵt” tiền học phí hay như việc thuê mướn giáo viên nước ngoài đến giảng dạy tại các trung tâm…

Cũng theo bà Nguyễn Thị Trúc Tự, thời gian qua đã xảy ra tình trạng TTNN hoạt động không hiệu quả, không đúng cam kết với phụ huynh nên có chuyện phụ huynh xin rút học phí. Chẳng hạn như tại Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders Biên Hòa, sau một thời gian khó khăn, thiếu giáo viên nên trung tâm này đã tự phá vỡ cam kết với phụ huynh. Thay vì các tiết học 100% là giáo viên nước ngoài thì được thay thế bằng giáo viên trong nước nhiều hơn. Thậm chí có phản ánh, dù khóa này học chưa xong nhưng vẫn “dụ” phụ huynh đóng tiếp khóa mới để hưởng ưu đãi.

Công Nghĩa


Chị ĐẶNG THỊ MỸ LINH (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa):

Cần quản lý chặt chẽ hơn

Thời gian vừa qua, con chúng tôi gặp không ít khó khăn do một trung tâm vi phạm cam kết đào tạo, quảng cáo một đằng làm một nẻo. Do đó, chúng tôi rất mong cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ hơn các TTNN, nhất là sau dịch bệnh Covid-19 các trung tâm đều rơi vào khó khăn về tài chính. Cần có những quy định và quản lý tốt hơn các trung tâm này để bảo vệ quyền lợi cho học viên và phụ huynh.

Anh NGUYỄN VĂN TIẾP (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa):

Phải thanh, kiểm tra thường xuyên các TTNN

Chúng tôi cho rằng, sự ra đời của các TTNT là rất cần thiết, giúp con của chúng tôi có điều kiện rèn luyện sâu hơn khả năng, trình độ tiếng Anh. Tuy nhiên, chúng tôi lại không có khả năng thẩm định xem trung tâm đó có hoạt động đúng quy định hay không, giáo viên nước ngoài có chuẩn trình độ, chuẩn kỹ năng sư phạm không... Điều đó đều phụ thuộc vào cơ quan cấp phép khi thẩm định. Vì vậy, Nhà nước phải thanh, kiểm tra thường xuyên các TTNN để đảm bảo hoạt động đúng và hiệu quả.

Thành Nam (ghi)


 

Tin xem nhiều