Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em

07:08, 11/08/2022

Thông qua các ý kiến trao đổi tại diễn đàn trẻ em do UBND tỉnh tổ chức bằng hình thức trực tuyến ngày 10-8, hầu hết các em thiếu nhi tham dự diễn đàn đều mong muốn có được môi trường sống an toàn, lành mạnh để phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và các mối quan hệ xã hội.

Thông qua các ý kiến trao đổi tại diễn đàn trẻ em do UBND tỉnh tổ chức bằng hình thức trực tuyến ngày 10-8, hầu hết các em thiếu nhi tham dự diễn đàn đều mong muốn có được môi trường sống an toàn, lành mạnh để phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và các mối quan hệ xã hội.

Bên cạnh diễn đàn trẻ em cấp tỉnh, trước đó tại các huyện, thành phố cũng đã tổ chức diễn đàn trẻ em. Trong ảnh: Các em thiếu nhi TP.Long Khánh chia sẻ ý kiến tại diễn đàn Trẻ em TP.Long Khánh
Bên cạnh diễn đàn trẻ em cấp tỉnh, trước đó tại các huyện, thành phố cũng đã tổ chức diễn đàn trẻ em. Trong ảnh: Các em thiếu nhi TP.Long Khánh chia sẻ ý kiến tại diễn đàn Trẻ em TP.Long Khánh. Ảnh: N.Sơn

Một trong những vấn đề được trẻ em quan tâm đề cập là các biện pháp bảo vệ trẻ em trước vấn nạn bạo lực, làm thế nào để cha mẹ, người thân biết yêu thương trẻ đúng cách…

* Yêu thương, nuôi dạy trẻ đúng cách

“Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ có được đánh đòn trẻ hay không? Làm thể nào để phân biệt giữa dạy dỗ và bạo hành của người thân? Khi bị bạo lực, trẻ cần chia sẻ với ai để được bảo vệ?...” - đó là những vấn đề được các em thiếu nhi đặt ra ngay khi bắt đầu diễn đàn.

Giải đáp vấn đề này, Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho rằng, nhiều thế hệ người Việt Nam quan niệm “thương cho roi cho vọt…” và luôn nghĩ rằng đòn roi, quát mắng sẽ khiến con nghe lời. Nhưng thực chất các hành vi: đánh, mắng chửi, miệt thị… đều là các hành vi bạo lực đối với trẻ, để lại hậu quả nặng nề đối với trẻ. Đây cũng là những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, bị xử phạt hành chính.

Khi trẻ bị bạo hành có thể lựa chọn một trong các cách bảo vệ mình như: chia sẻ với các thành viên khác trong gia đình để được lắng nghe, hỗ trợ; chia sẻ với thầy cô giáo để nhận được sự can thiệp, giúp đỡ; hoặc có thể tìm đến các nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, CLB gia đình phát triển bền vững, địa chỉ tin cậy cộng đồng tại địa phương; hoặc các em cũng có thể liên hệ với Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để được tư vấn, hỗ trợ và bảo vệ.

Dự và phát biểu tại diễn đàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng khẳng định, trẻ em có quyền được lắng nghe, được tự do bày tỏ quan điểm về tất cả các vấn đề có tác động đến trẻ em, được tiếp cận thông tin… Vì vậy, UBND tỉnh tổ chức diễn đàn trẻ em nhằm tạo điều kiện để các em nói lên ý kiến, nguyện vọng của mình; trên cơ sở đó để các sở, ban, ngành, đoàn thể tham mưu xây dựng các chính sách, chương trình phù hợp với trẻ em.

Theo Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình, gia đình là môi trường quan trọng để hình thành nhân cách con người. Vì vậy, hơn bao giờ hết, mỗi thành viên trong gia đình cần là tấm gương cho trẻ, định hướng bằng hành động và lời nói, trong đó cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc cho con chứ không có quyền được đánh đập, ngược đãi con.

Em Hoàng Nhật Lệ, học sinh Trường THCS Thạnh Phú (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) cho hay bên cạnh các hành vi bạo lực về thể chất, một số học sinh còn đối diện với áp lực quá lớn từ sự kỳ vọng của cha mẹ trong học tập. Khi không đạt được mục tiêu cha mẹ đề ra thường rơi vào bế tắc và dẫn đến các hành vi tiêu cực.

TS Vũ Thiện Toàn (Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam) chia sẻ, bất cứ cha mẹ nào cũng muốn con mình vui, khỏe, học tập tốt và lớn lên sẽ thành công. Điều này xuất phát từ tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái. Tuy nhiên, có những cha mẹ lại luôn mong ước con mình sẽ sống tốt hơn cha mẹ, hoàn thành được những việc mà cha mẹ chưa làm được… Điều này vô tình trở thành áp lực với chính các con.

Theo TS Vũ Thiện Toàn, các em thiếu nhi nên trò chuyện với cha mẹ về suy nghĩ, các vấn đề đang gặp phải. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, các địa phương truyền tải thông điệp này của các em đến với các bậc phụ huynh để các bậc làm cha mẹ biết được trẻ đang cần cha mẹ lắng nghe, có phương pháp nuôi dạy khoa học và phù hợp hơn.

* Bảo vệ trẻ an toàn trên môi trường mạng

Bên cạnh một số ý kiến liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý cho trẻ…, nhiều ý kiến của các em tại diễn đàn bày tỏ băn khoăn trước tình trạng thiếu an toàn trên môi trường mạng.

Em Lê Hoàng Thiên Kim, học sinh Trường THCS Thăng Long (xã Quang Trung, H.Thống Nhất) bày tỏ lo lắng, hiện nay trẻ em được tiếp cận với các thiết bị thông minh từ sớm, tham gia nhiều hoạt động trên mạng. Trong khi đó, trên mạng có rất nhiều thông tin tốt, xấu đan xen, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.

Một số ý kiến khác cũng phản ảnh tình trạng khi tham gia mạng xã hội đã vô tình bị kéo vào các cuộc cãi vã, một số khác nghiện internet, mạng xã hội… khiến cho việc học bị sa sút, tinh thần không ổn định.

Trước lo lắng và phản ảnh của các em thiếu nhi tại diễn đàn, Phó giám đốc Sở TT-TT Giang Thị Thu Nga chỉ ra một trong những nguy cơ trẻ gặp phải trên môi trường mạng chính là những thông tin không phù hợp. Đó có thể là những hình ảnh, video, trò chơi mang tính bạo lực, khiêu dâm, kinh dị… làm cho suy nghĩ của các em trở nên lệch lạc.

Phó giám đốc Sở TT-TT Giang Thị Thu Nga cho rằng, các em cần thiết lập “vùng xanh” trên mạng xã hội với các quy tắc như: không công khai thông tin, hình ảnh cá nhân; không sử dụng mật khẩu đơn giản; không kết bạn với người lạ; không sử dụng phần mềm không có bản quyền; không được mất cảnh giác. Khi tham gia mạng xã hội, các em tuyệt đối không chửi thề, không phát biểu thù hằn đối với người khác, không bình luận phân biệt giới tính, không nói chuyện bạo lực, không công kích cá nhân… Trong trường hợp bị đe dọa, tấn công trên mạng, các em không tự ý giải quyết mà cần nói với cha mẹ, thầy cô để tìm hướng giải quyết tốt nhất.

Bên cạnh đó, để bảo vệ trẻ trên môi trường mạng, các bậc phụ huynh cũng có thể tìm hiểu, định hướng cho trẻ sử dụng mạng xã hội dành riêng cho các em (miễn phí) như: Messenger Kids, Kidzworld, GromSocial, PopJam... Đồng thời, chỉ cho phép trẻ sử dụng mạng xã hội khi cần trao đổi với bạn bè, thầy cô hoặc giải trí sau khi đã hoàn thành các công việc trong khoảng 1 giờ/ngày.

Đối với các trường hợp nghiện internet, các trò chơi điện tử, mạng xã hội, TS Vũ Thiện Toàn khuyên các em lên thời gian biểu hằng ngày để kiểm soát thời gian sinh hoạt cá nhân, học tập khoa học; tập chơi môn thể thao hoặc môn năng khiếu mà bản thân thích; tăng cường tương tác với bạn bè ở trường; không lướt mạng trước khi ngủ… Trong trường hợp không cải thiện tích cực, các em nên gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.

Nga Sơn


Em NGUYỄN GIA HÂN, học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Biên Hòa): Trang bị kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình

Tham gia diễn đàn, em được nghe nhiều ý kiến của các bạn thiếu nhi về các vấn đề liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em, những nguy cơ thường gặp đối với trẻ em khi tham gia môi trường mạng, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, sự cám dỗ trước các loại chất gây nghiện, chất kích thích…

Mỗi vấn đề đều được các cô, chú đại diện các sở, ngành giải đáp thấu đáo. Cá nhân em nhận thấy rằng, bên cạnh sự bảo vệ của gia đình, nhà trường và xã hội, bản thân chúng em cần phải tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ bản thân.

Em SÚ DUY MINH, học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo (H.Cẩm Mỹ): Lan tỏa nội dung của diễn đàn đến thanh thiếu nhi

Qua diễn đàn, em đã học hỏi được nhiều điều từ các ý kiến của các bạn, những giải đáp của các cô, chú, chuyên gia tâm lý tại diễn đàn. Cá nhân em học được cách chia sẻ để cha mẹ hiểu được suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của mình; học được cách bảo vệ mình nếu không may bị bạo lực, xâm hại, bị tấn công trên môi trường mạng…

Em nghĩ rằng những thông điệp, những bài học từ diễn đàn cần lan tỏa rộng rãi trong thanh thiếu nhi. Cá nhân em sau diễn đàn sẽ truyền tải những bài học mà em nhận được từ diễn đàn đến những người bạn của mình nhằm giúp các bạn biết cách bảo vệ bản thân.        

Cẩm Tú (ghi)


 

Tin xem nhiều