Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông dân cũng cần thông tin chính sách xuất khẩu

11:05, 11/05/2022

Thời gian qua, khi Trung Quốc và một số thị trường trên thế giới đề ra các quy định khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, nhất là hàng nông sản để phòng, chống dịch Covid-19, thì nông sản của Việt Nam, đặc biệt là trái cây tươi đang vào vụ thu hoạch chính, lâm vào cảnh khó tiêu thụ, rớt giá do nông dân vẫn chưa nắm bắt được thông tin về các quy định, tiêu chuẩn mới đối với nông sản xuất khẩu.

Thời gian qua, khi Trung Quốc và một số thị trường trên thế giới đề ra các quy định khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, nhất là hàng nông sản để phòng, chống dịch Covid-19, thì nông sản của Việt Nam, đặc biệt là trái cây tươi đang vào vụ thu hoạch chính, lâm vào cảnh khó tiêu thụ, rớt giá do nông dân vẫn chưa nắm bắt được thông tin về các quy định, tiêu chuẩn mới đối với nông sản xuất khẩu. Điều đáng nói, đây là bài học đã được nhắc đến nhiều lần, trong nhiều năm qua nhưng đến nay các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, các nhà nông dường như vẫn chưa thuộc.

Thực tế có một bộ phận nông dân vẫn giữ tư duy sản xuất cũ là thấy cây trồng nào tiêu thụ tốt, cho lợi nhuận cao là đổ xô vào trồng mà không quan tâm đến các quy định, tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Đến khi sản lượng trái cây quá lớn, thị trường tiêu thụ gặp khó dẫn đến trái cây rớt giá sâu mà không có người thu mua, thậm chí phải đem cho bò, dê ăn hay đổ bỏ. Cũng có nhiều nhà nông đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu, nhưng khi thị trường tiêu thụ khó khăn, trái cây không bán được dẫn đến thua lỗ, không còn mặn mà đổ vốn đầu tư cho vụ sau khiến trái cây mùa tiếp theo không đủ chuẩn xuất khẩu. Trường hợp trái chuối già cấy mô ở một số vùng trồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây là một ví dụ đắng lòng.

Bên cạnh đó cũng phải nhắc đến vai trò của thương lái, DN xuất khẩu. Khi thị trường trái cây tươi hút hàng, các DN, thương lái đổ xô đến tận vườn thu mua, thậm chí trả giá cao để đóng hàng xuất khẩu. Đến khi việc tiêu thụ gặp khó, nhiều thương lái, DN xuất khẩu hạn chế mua hàng, tìm cách ép giá trái cây khiến nông dân đã khó lại càng thêm khó.

Thông tin từ cuộc họp trực tuyến về thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành Nam bộ do Bộ NN-PTNT tổ chức mới đây cho thấy, có trường hợp thương lái, DN thông tin hàng hóa ùn ứ nhằm ép giá nông dân. Cụ thể, thương lái, DN đã phóng đại dẫn tới truyền thông hiểu sai và thông tin nhiều về tình trạng hàng hóa dư thừa, ùn ứ dù thực trạng không đúng như thế, dẫn đến tình trạng phá giá nông sản, thậm chí phải “giải cứu” nông sản với giá cực thấp gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Rõ ràng trong “cuộc chơi” ở chốn thương trường này, phần thiệt luôn thuộc về nông dân, những người phải vất vả một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.

Do đó, để giải bài toán tiêu thụ nông sản nói chung, cho trái cây tươi nói riêng cho những người nông dân, bên cạnh việc quan tâm đến khâu trồng trọt, chế biến, đóng gói, nhãn mác..., các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần chủ động hơn trong quá trình thông tin, tuyên truyền cho nông dân về các chính sách, quy định, quy chuẩn mới. “Đặc biệt, ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương cần chủ động thay đổi tư duy tiếp thị, truyền thông trong sản xuất và tiêu thụ nông sản sát sao, chi tiết, giúp nông dân, DN nắm rõ tình hình, hoạt động của thị trường, quy trình, quy chuẩn sản xuất, chế biến, an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng các quy định về xuất khẩu quốc tế, đẩy mạnh toàn diện tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước, tránh bỏ lỡ mùa vụ” - như lời phát biểu của Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan tại cuộc họp trực tuyến về thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành Nam bộ.

Phạm Mai

Tin xem nhiều