Báo Đồng Nai điện tử
En

Tính toán lại quy hoạch các khu xử lý chất thải

08:04, 23/04/2022

Đồng Nai hiện có 9 khu, 17 dự án xử lý chất thải theo quy hoạch. Tuy nhiên, đây là hạ tầng chôn lấp, làm phân vi sinh và tái chế chất thải, trong khi Đồng Nai dự kiến sẽ sớm chuyển sang đốt chất thải.

Đồng Nai hiện có 9 khu, 17 dự án xử lý chất thải theo quy hoạch. Tuy nhiên, đây là hạ tầng chôn lấp, làm phân vi sinh và tái chế chất thải, trong khi Đồng Nai dự kiến sẽ sớm chuyển sang đốt chất thải. Do đó, ngay từ lúc này, cần tính toán lại quy hoạch các khu xử lý (KXL), diện tích, công nghệ xử lý phù hợp.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đi kiểm tra thực tế Khu xử lý chất thải Bàu Cạn (xã Bàu Cạn, H.Long Thành). Ảnh: H.Lộc
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đi kiểm tra thực tế Khu xử lý chất thải Bàu Cạn (xã Bàu Cạn, H.Long Thành). Ảnh: H.Lộc

Đây là yêu cầu của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về quản lý chất thải mới đây.

* Quy hoạch đã cũ

Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho rằng, trước năm 2005, Đồng Nai chưa có quy hoạch quản lý chất thải. Chất thải sinh hoạt được chôn lấp ở các bãi rác tự phát, chỉ có chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại được đưa về Tổng kho Long Bình xử lý.

Năm 2006, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 7480/QĐ-UBND về phê duyệt điều chỉnh bổ sung các KXL chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 gồm 10 KXL, công nghệ chôn lấp và làm phân vi sinh. Tuy nhiên, chỉ có 2 khu có nhà đầu tư, 8 khu còn lại vẫn chôn lấp rác.

Theo Quyết định số 2862/QĐ-UBND ngày 3-11-2011 về phê duyệt quyết định quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025, Đồng Nai có 9 KXL chất thải, 17 dự án, diện tích gần 460ha. Quy mô công suất quy hoạch/lượng chất thải phát sinh thực tế (năm 2021) là: hơn 3,3/2 ngàn tấn chất thải sinh hoạt; hơn 4,5/1,3 ngàn tấn chất thải công nghiệp; 4,2/0,5 ngàn tấn chất thải nguy hại.

Năm 2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2862/QĐ-UBND về phê duyệt quyết định quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với 9 KXL, diện tích gần 460ha. Quy hoạch này được thống nhất duy trì đến hiện tại. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, 2 KXL không đáp ứng yêu cầu về công nghệ, môi trường đã bị tạm ngưng nên chỉ còn 7 KXL hoạt động.

Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức chia sẻ thêm, khi ban hành quyết định, tỉnh thống nhất chất thải chỉ vận chuyển trong phạm vi 30-50km nên đề xuất 9 KXL. Mỗi khu đều kết hợp xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại. Chất thải công nghiệp và nguy hại chủ đầu tư tự thỏa thuận chi phí xử lý với chủ nguồn thải nên có điều kiện đầu tư công nghệ, phân loại, đốt, phần còn lại mới đem chôn lấp.

Riêng chất thải sinh hoạt thì ngân sách nhà nước chi trả, mức giá thấp, chủ đầu tư phải đấu thầu hằng năm nên không mặn mà đầu tư công nghệ, gần như chôn lấp 100%. Sau này, khi tỉnh yêu cầu giảm tỷ lệ chôn lấp, ban hành quy định mức phí xử lý theo từng phương pháp xử lý thì một số khu mới đầu tư công nghệ làm phân vi sinh hoặc tiến hành đốt chất thải, nhưng cũng có KXL bỏ luôn việc xử lý chất thải sinh hoạt. Mặc dù vậy, trên tổng thể, các KXL trên địa bàn tỉnh vẫn đáp ứng xử lý hết chất thải phát sinh, một số còn tiếp nhận chất thải công nghiệp, nguy hại ngoại tỉnh về xử lý.

* Tính toán lại công nghệ, diện tích

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, các KXL chất thải hiện hữu đã được duyệt quy hoạch từ 10 năm trước. Thời điểm đó, công nghệ xử lý chủ yếu là chôn lấp (chất thải sinh hoạt) hoặc đốt tiêu hủy, tái chế và tái sử dụng (chất thải nguy hại và công nghiệp) nên quy hoạch này phù hợp. Tuy nhiên, công nghệ ngày càng tiên tiến, quy định quản lý và xử lý chất thải ngày càng chặt chẽ nên tới đây tỉnh sẽ rà soát lại từ quy hoạch các KXL, công nghệ cho đến quy mô diện tích, vị trí.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, các KXL chất thải hiện đáp ứng tỷ lệ chôn lấp dưới 15%, nhưng thực tế chưa có cơ sở, số liệu chỉ do chủ đầu tư báo cáo. Đi kiểm tra thực tế các KXL chất thải cho thấy, những bãi rác cao như núi vẫn có xe cẩu, xe cuốc hoạt động. Một số bãi không chôn lấp chất thải trực tiếp nhưng nén, xay chất thải thành mùn rồi chôn lấp. Đây là lý do vì sao các KXL nói đã đầu tư công nghệ để giảm chôn lấp nhưng vẫn xin thêm đất, sẵn đất lại đem chôn lấp chất thải.

Đối với chất thải sinh hoạt, tỉnh đang theo dõi công nghệ xử lý plasma (đốt rác thu nhiệt) để đưa về KXL chất thải ở xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu). Nếu dự án này thành công, Đồng Nai không cần 7 KXL chất thải sinh hoạt nữa. Khu nào muốn tiếp tục xử lý chất thải sinh hoạt buộc phải đầu tư công nghệ đốt, còn không chỉ xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại. Phần diện tích quy hoạch chôn lấp chất thải sinh hoạt sẽ chuyển đổi sang mục đích khác, có thể là đất công nghiệp.

Tại chuyến thị sát trực tiếp các KXL chất thải của Đồng Nai, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, cần tính toán lại quy hoạch quản lý, xử lý chất thải. Bí thư Tỉnh ủy chỉ ra những điểm bất cập trong quy hoạch đó là quy hoạch công suất quá lớn. Đơn cử như chất thải nguy hại, năm 2021, toàn tỉnh mới phát sinh 501 tấn/ngày nhưng quy hoạch lên đến gần 4,2 ngàn tấn/ngày, gấp 8 lần. Vì xác định công suất quá lớn dẫn đến quy hoạch diện tích lớn, lãng phí đất.


Giám đốc Sở Tài chính ĐỖ KHÔI NGUYÊN: Cần thay đổi chu kỳ đấu thầu, điều chỉnh mức giá trần

Đấu thầu xử lý chất thải hằng năm là bất cập, vì doanh nghiệp năm nay trúng thầu nhưng năm sau chưa chắc trúng, dẫn đến không dám đầu tư xe, công nghệ, nhân lực. Sở Tài chính có báo cáo hướng dẫn tổ chức đấu thầu 3 năm/lần nhưng Bộ Tài chính trả lời không được, Bộ KH-ĐT thì chưa trả lời. Đấu thầu 3-5 năm/lần vừa lợi cho nhà đầu tư, vừa lợi cho cơ quan quản lý, địa phương. Đơn giá xử lý chất thải sinh hoạt hiện tại được xây dựng từ năm 2018 với 3 mức: sản xuất phân vi sinh 496 ngàn đồng/tấn; đốt 496 ngàn đồng/tấn và chôn lấp thông thường là 290 ngàn đồng/tấn. Sở Tài chính sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng mức giá theo tinh thần công nghệ nào mức giá đó.

Phó giám đốc Sở TN-MT TRẦN TRỌNG TOÀN: Hoàn thiện đề án xử lý chất thải rắn sinh hoạt Đồng Nai trong quý II-2022

Sở TN-MT đã hoàn thiện dự thảo Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 trình UBND tỉnh. Theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành mới đây, Sở sẽ bổ sung các lưu ý: phương tiện vận chuyển, thu gom; kế hoạch, yêu cầu phân loại rác tại nguồn; quy hoạch các khu KXL chất thải rắn sinh hoạt theo hướng đốt rác. Đề án hoàn thiện sẽ được trình UBND tỉnh, sau đó trình Thường trực Tỉnh ủy. Đề án là cơ sở để nhà đầu tư, cơ quan quản lý, địa phương thực hiện. Đối với các vướng mắc như: chậm thanh quyết toán tiền xử lý rác, thủ tục đấu thầu, tăng mức giá trần xử lý rác, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành nghiên cứu quy định hiện hành, tham mưu UBND tỉnh xử lý trong tháng 5-2022.

Phó giám đốc Sở KH-ĐT TRẦN VŨ HOÀI HẠ: Đảm bảo lượng rác theo công suất dự án

Các dự án xử lý chất thải hiện đảm bảo yêu cầu quy hoạch ngành, quy hoạch môi trường, nhưng quy hoạch vượt xa thực tế. Mỗi dự án xử lý chất thải đều có quy hoạch, có công suất nhưng khi đi vào hoạt động lại phải đấu thầu hằng năm dẫn đến năm ít, năm nhiều, công suất không đảm bảo vận hành. Chúng ta đưa ra yêu cầu cao về công nghệ nhưng doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao lại không trúng thầu buộc phải tìm nguồn chất thải ngoại tỉnh để xử lý. Tới đây, nếu dự án điện rác ở KXL Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) đi vào hoạt động, tỉnh phải giao đủ rác cho nhà máy (khoảng 1,8 ngàn tấn). Với các dự án đã đầu tư, Sở TN-MT định hướng chuyển đổi công nghệ đốt. Dự án đang và chưa đầu tư cần tính toán lại diện tính, công suất vì khi đó không còn nhiều rác nữa.


Hoàng Lộc

Tin xem nhiều