Báo Đồng Nai điện tử
En

Chưa có giải pháp phù hợp

11:04, 01/04/2022

Những năm qua, nghề nuôi thủy sản trên sông, hồ đã giúp hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn tỉnh ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, do phát triển lồng bè không kiểm soát, không đảm bảo khoảng cách giữa lồng bè, chưa tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường dẫn đến ô nhiễm nguồn nước.

[links()]Những năm qua, nghề nuôi thủy sản trên sông, hồ đã giúp hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn tỉnh ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, do phát triển lồng bè không kiểm soát, không đảm bảo khoảng cách giữa lồng bè, chưa tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường dẫn đến ô nhiễm nguồn nước.

Một góc làng bè Suối Tượng (ấp 4, xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu). Ảnh tư liệu
Một góc làng bè Suối Tượng (ấp 4, xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu). Ảnh tư liệu

Hậu quả là cá chết hàng loạt, chất lượng nước đầu vào của các nhà máy xử lý nước sạch bị ảnh hưởng. Trước tình trạng này, các quy hoạch, đề án, kế hoạch được tỉnh và các địa phương đưa ra, nhưng chưa hiệu quả. 

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tuấn Lộc cho biết, địa phương có 2 khu vực nuôi cá bè trên sông Cái (làng cá bè Tân Mai hơn 180 hộ và làng cá bè Ba Xê 88 hộ). Từ năm 2006, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch làng cá bè đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, quy hoạch đã kết thúc nhưng thành phố mới sắp xếp được một phần, chưa giảm được số lượng lồng, bè.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, phải có giải pháp phù hợp với từng vùng nuôi thủy sản. Trước hết, cần thực hiện giãn các bè, giảm bớt lồng cá gắn trên bè để đảm bảo nồng độ oxy trong nước; tuyên truyền và hướng dẫn người dân xử lý bớt chất thải chăn nuôi và sinh hoạt trên bè; có chế tài xử lý hành vi không tuân thủ của người dân. Về phía chi cục sẽ duy trì hoạt động quan trắc theo tháng, quý, mùa để kịp thời đưa ra các cảnh báo chất lượng nước.

Đầu năm 2021, thành phố ban hành kế hoạch giảm và tiến tới ngưng nuôi thủy sản trên sông Cái, mục đích là để giảm ô nhiễm nguồn nước sông, tạo cảnh quan đô thị, tạo dòng chảy thông thoáng để thực hiện dự án Đường ven sông Cái và cầu Thống Nhất. Tuy nhiên, vì không có thu hồi đất, không làm dự án trên khu vực giải tỏa nên vẫn chưa xây dựng được mức hỗ trợ các hộ dân.

Tương tự, tại H.Định Quán, Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Ngô Tấn Tài cho hay, năm 2020, UBND H.Định Quán phối hợp với Sở NN-PTNT, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai bắt tay thực hiện đề án Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An (Quyết định 401) do UBND tỉnh phê duyệt.

Thời điểm đó, trên địa bàn 4 xã: La Ngà, Ngọc Định, Phú Ngọc và Thanh Sơn có hơn 330 hộ nuôi cá bè trên sông, trong đó hơn 170 hộ thuộc diện buộc phải di dời đến khu vực quy hoạch ở hồ Trị An để đảm bảo mật độ, hạn chế tình trạng cá chết hàng loạt khu mưa lũ, giảm thiệt hại cho người nuôi. Qua tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân chấp hành nhưng chỉ di dời lồng bè về vùng quy hoạch vào mùa cạn, khi nước hồ dâng lên lại di chuyển lồng/bè về vị trí cũ. Nhiều hộ vẫn chưa di dời.

Chia sẻ thêm về quá trình thực hiện Quyết định 401, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai Đỗ Thị Thu Thủy cho biết, người dân cho rằng một số vùng (vùng 7) ở khu quy hoạch chưa thực sự phù hợp, dễ bị tác động thời tiết mưa, gió có thể ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản; điều kiện sinh hoạt khó khăn, xa chợ, xa trường học. Họ ở lại vì nuôi các loài cá chịu được sự biến động môi trường…

Ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) cho rằng, mặc dù tỉnh đã phê duyệt đề án, các địa phương có kế hoạch sắp xếp, giảm mật độ nuôi và di dời lồng, bè về khu vực ít ảnh hưởng đến môi trường, ít gặp rủi ro thời tiết, nhưng quá trình thực hiện không dễ vì liên quan trực tiếp đến sinh kế của hàng trăm hộ gia đình.

Lê An

Tin xem nhiều