Báo Đồng Nai điện tử
En

Liệu cơm gắp mắm...

08:03, 21/03/2022

Chiều 21-3, giá xăng dầu đã giảm sau nhiều phiên tăng liên tiếp, nhưng mức giảm được cho là khó giúp "cản" đà tăng giá của nhiều mặt hàng trong suốt mấy tháng vừa qua.

Chiều 21-3, giá xăng dầu đã giảm sau nhiều phiên tăng liên tiếp, nhưng mức giảm được cho là khó giúp “cản” đà tăng giá của nhiều mặt hàng trong suốt mấy tháng vừa qua. Cụ thể, giá xăng chỉ giảm hơn 600 đồng (trong khi tăng đến 2.990 đồng vào kỳ điều chỉnh trước), giá dầu DO giảm 1.630 đồng (tăng 3.950 đồng vào kỳ điều chỉnh trước).

Việc xăng dầu tăng giá mạnh thực ra cũng chỉ là một trong những nguyên nhân khiến mặt bằng giá tăng mạnh trong thời gian qua. Bởi ngoài giá xăng dầu, một số xáo trộn nguồn cung (chiến tranh, dịch bệnh) cũng làm giá sắt thép, các kim loại quý, kim loại căn bản, hóa chất, nguyên liệu sản xuất, các loại vật liệu… tăng giá mạnh, đặc biệt là ở các nhóm hàng buộc phải nhập khẩu.

Nhiều lo ngại được đặt ra về nguy cơ lạm phát chực chờ có thể gây tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi kinh tế, hoặc có thể làm giảm tác dụng của gói hỗ trợ và phục hồi kinh tế trị giá 350 ngàn tỷ đồng mà Chính phủ đang quyết liệt triển khai. Doanh nghiệp (DN) lẫn người tiêu dùng nhìn chung cũng lo lắng về lợi nhuận, chi tiêu…, vì đã trải qua một thời gian khá dài khó khăn do dịch bệnh.

Trên thực tế, là một nền kinh tế có độ mở cao, cụ thể là tỉ trọng xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu nguyên vật liệu chiếm khá lớn trong cơ cấu kinh tế, Việt Nam chịu khá nhiều tác động nhanh và sâu từ những biến động của kinh tế thế giới. Sự chủ động về nguyên vật liệu, sản phẩm phụ trợ… qua nhiều năm tuy có cải thiện nhưng chưa theo kịp nhu cầu. Vậy nên, khi có bất kỳ biến động nào, cả DN, Chính phủ lẫn người tiêu dùng trong nước đều phải “liệu cơm gắp mắm”.

Với DN, lạm phát là một trong những nỗi lo lớn nhất, bởi chi phí tăng thì lợi nhuận giảm, hàng khó bán hơn do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Trong bối cảnh đó, cơ cấu lại chi phí, sắp xếp sản xuất, kinh doanh để giảm giá thành, tính toán biên độ lợi nhuận, đàm phán với khách hàng khi cần thiết… là những giải pháp mà nhiều DN lựa chọn để đối diện với “bão giá”.

Ở góc độ người dân, giá tăng cũng là nỗi ám ảnh với nhiều gia đình, khi thu nhập đã bị ảnh hưởng lớn từ giai đoạn đại dịch Covid-19. Việc tính toán lại chi tiêu, tìm kiếm thêm các kênh đầu tư cũng là điều đang được nhiều người chú trọng.

Ở cấp cao hơn, mong rằng Chính phủ cũng sẽ có những nhận định kịp thời, nắm bắt tình hình thực tế và có các chính sách điều tiết vĩ mô phù hợp để kiềm chế tỷ lệ lạm phát không vượt quá mục tiêu.     

Vi Lâm


 

Tin xem nhiều