Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển trường ngoài công lập: Những bước đi đột phá

02:01, 25/01/2022

Đến nay, Đồng Nai đã phát triển hệ thống trường ngoài công lập với quy mô trường lớp khá lớn. Số lượng học sinh, sinh viên học tại các trường này đã góp phần giảm tải cho hệ thống trường công lập, giảm chi phí từ ngân sách nhà nước…

Đến nay, Đồng Nai đã phát triển hệ thống trường ngoài công lập từ bậc mầm non đến đại học với quy mô trường lớp khá lớn. Số lượng học sinh, sinh viên học tại các trường này đã góp phần giảm tải cho hệ thống trường công lập, đồng thời giảm chi phí từ ngân sách nhà nước để đầu tư, xây dựng hệ thống trường lớp, duy trì hoạt động bộ máy…

Học sinh Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu được học tập trong môi trường hiện đại. Ảnh: C.NGHĨA
Học sinh Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu được học tập trong môi trường hiện đại. Ảnh: C.NGHĨA

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Đăng Bảo Linh cho biết, chỉ tính trong vòng 5 năm trở lại đây, Đồng Nai đã thu hút được trên 1 ngàn tỷ đồng đầu tư phát triển hệ thống trường tư thục. Đặc biệt, trong năm 2021, Đồng Nai đã có trường phổ thông quốc tế đầu tiên với quy mô hiện đại, đáp ứng nhu cầu đa dạng của phụ huynh.

* Giảm áp lực cho ngân sách

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, Đồng Nai là một trong những địa phương phát triển mạnh việc thu hút xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục ở tất cả các bậc học. Toàn tỉnh hiện có 196 trường ngoài công lập, trong đó có 158 trường mầm non, 6 trường tiểu học, 5 trường THCS và 27 trường THPT. Ước tính số vốn thu hút đầu tư xã hội hóa giáo dục giai đoạn 2016-2021 vào khoảng 1 ngàn tỷ đồng. Các địa phương có số lượng trường tư thục nhiều là TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh và H.Trảng Bom.

Số lượng các trường ngoài công lập chiếm 20% trong tổng số các trường học trên địa bàn tỉnh (196/940 trường). Hiện các trường ngoài công lập góp phần đáng kể vào việc giảm áp lực cho các trường công lập với trên 105 ngàn học sinh, chiếm tỷ lệ hơn 15% tổng số học sinh toàn tỉnh. Tỷ lệ trường và học sinh trong các trường ngoài công lập của Đồng Nai chiếm khá cao so với mức bình quân chung của cả nước, trong đó tỷ lệ trường ngoài công lập của Đồng Nai là 20% (cả nước là 6,68%), còn tỷ lệ học sinh ngoài công lập của Đồng Nai là 15% (cả nước là 6%).

Không chỉ phát triển về số lượng, các trường ngoài công lập của tỉnh có chất lượng dạy và học khá tốt, trong đó hằng năm tỷ lệ tốt nghiệp THPT thường đạt 100%, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. Đồng Nai hiện đã hình thành nhiều trường ngoài công lập có chất lượng cao như các trường: TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng, TH-THCS-THPT Thái Bình Dương và TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu.

* Đa đạng hóa môi trường giáo dục

P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) từng là một trong những điểm nóng về tình trạng quá tải trường lớp, phải học ca ba. Đến nay, tình trạng quá tải đã được kéo giảm phần nào nhờ TP.Biên Hòa đã đầu tư thêm trường lớp, đồng thời thu hút nguồn lực đầu tư cho hệ thống trường tư thục. Trường TH-THCS Nguyễn Khuyến nằm trên địa bàn phường đã góp phần giảm tải cho phường 1 ngàn học sinh. Nếu so với cơ sở vật chất của các trường công lập trên địa bàn, cơ sở vật chất của trường không hề thua kém.

Chị Lê Thị Kim Quy (ngụ P.Trảng Dài) cho biết, hệ thống trường công lập trên địa bàn phường khá đông học sinh, một lớp có thể vượt khá xa sĩ số tiêu chuẩn là 35 em/lớp, do vậy dễ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Một trong những khó khăn nữa là các trường ở P.Trảng Dài thường không có bán trú nên phụ huynh thường khá vất vả trong chuyện đưa đón con nếu học cả ngày. Từ những khó khăn nói trên, khi có con vào học lớp 1, chị Quy đã quyết định cho con vào học tại Trường TH-THCS Nguyễn Khuyến dù chi phí học phí có tốn kém hơn những trường công lập.

Đã từng có một thời, trường ngoài công lập chỉ là lựa chọn sau cùng của phụ huynh khi con không trúng tuyển vào các trường công lập. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, hệ thống trường ngoài công lập ngày càng khẳng định được chất lượng dạy và học. Điển hình nhất là hằng năm, các trường THPT trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ học sinh khối 12 đậu tốt nghiệp THPT đạt 100% khá nhiều. Bên cạnh đó, không ít trường tư thục có học sinh lớp 9 thi đậu vào các trường THPT công lập tốp đầu của tỉnh như: Trường THPT Ngô Quyền, Trường THPT Trấn Biên, thậm chí là Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh.

Trường TH-THCS-THPT quốc tế Bắc Mỹ Biên Hòa (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) đã đi vào hoạt động năm đầu tiên
Trường TH-THCS-THPT quốc tế Bắc Mỹ Biên Hòa (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) đã đi vào hoạt động năm đầu tiên

Cô Vũ Thị Ni Na, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (TP.Biên Hòa) cho biết, nhiều năm qua, trường luôn duy trì tỷ lệ tốt nghiệp THPT 100%, nhiều em đậu vào các trường đại học tốp đầu, đặc biệt năm 2021, trường có học sinh đạt danh hiệu thủ khoa khối C của tỉnh, được đặc cách xét tuyển thẳng vào Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM). Từ những hiệu ứng tích cực đó, những năm qua, việc tuyển sinh của nhà trường rất thuận lợi, có cơ hội lựa chọn đầu vào với chất lượng cao hơn.

* Hướng đến mô hình giáo dục chất lượng cao

Quá trình thu hút đầu tư giáo dục ngoài công lập bằng nguồn vốn xã hội hóa, Đồng Nai đã có được những ngôi trường có thể coi là hình mẫu trong phát triển giáo dục. Một trong những mô hình đó là hệ thống trường từ mầm non đến cao đẳng của Tập đoàn Giáo dục Thành Thành Công với 3 trường mầm non, 4 trường phổ thông và 1 trường cao đẳng. Quá trình vận hành của hệ thống trường luôn chặt chẽ, từ đầu tư cơ sở vật chất, tuyển dụng đào tạo giáo viên, xây dựng giáo án, triển khai các chương trình ngoại khóa dành cho học sinh…

Còn tại Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa), một trong những ngôi trường có quy mô lớn nhất tại TP.Biên Hòa, hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư khá bài bản, khang trang theo hướng của những nền giáo dục hiện đại. Học sinh đến trường không chỉ được giáo dục về kiến thức mà còn là kỷ luật và ứng xử văn hóa.

Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân Phạm Tiến Chương cho biết: “Hằng năm, trường đều đạt chỉ tiêu tuyển sinh, thậm chí nhiều học sinh ở ngoài địa bàn TP.Biên Hòa cũng tìm đến trường chúng tôi để học. Có được kết quả đó chính là chất lượng dạy và học được khẳng định trong nhiều năm liên tục”.

Còn bà Hồ Thị Lâm, Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu cho biết, đến nay trường đã có 4 năm đi vào hoạt động nhưng đã có được vị thế là trường phổ thông chất lượng cao của tỉnh với cơ sở vật chất hiện đại. Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu hiện là một trong 2 trường của Đồng Nai được công nhận là thành viên các Trường quốc tế Cambridge (Cambridge School) bởi Hội đồng Khảo thí quốc tế Đại học Cambridge (CIE) từ tháng 9-2018 khi trường mới ra đời.

Trong khi đó, chị Lê Thị Hằng (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, 2 năm nay, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên khắp thế giới nên chị không thể cho con sang Úc du học như dự định. Điều này khiến chị và con gái cảm thấy khá thất vọng và không biết khi nào mới có thể đi du học. Tuy nhiên, may mắn là năm nay tại TP.Biên Hòa đã có ngôi trường quốc tế đầu tiên, đó là Trường quốc tế Bắc Mỹ. Với một ngôi trường quốc tế như vậy ngay tại TP.Biên Hòa, chị Hằng có thể yên tâm khi con mình được du học tại chỗ với chi phí phù hợp.

Chị Hằng cho biết thêm: “Khi đã học trường quốc tế tại Đồng Nai, sau này muốn chuyển tiếp lên đại học quốc tế tại Việt Nam hay sang nước ngoài đều rất thuận lợi vì con đã có được thời gian học tập trong môi trường giáo dục quốc tế trước đó”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG:

Xã hội hóa giáo dục mang lại nhiều lợi ích

Đồng Nai được Bộ GD-ĐT đánh giá rất cao về công tác xã hội hóa giáo dục, điển hình là số lượng trường tư thục và số lượng học sinh của trường tư thục chiếm khá cao trong tổng số trường và học sinh toàn tỉnh. Quá trình thu hút này đã giảm áp lực đầu tư cho giáo dục ở Đồng Nai, địa phương tập trung đông công nhân lao động, tình trạng trường công luôn quá tải. Hơn nữa, các trường tư thục ở Đồng Nai luôn ý thức được việc nâng cao chất lượng dạy và học để giữ uy tín với phụ huynh, nên chất lượng dạy và học luôn được duy trì khá tốt.

Tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng thêm nhiều khung chính sách mới để ngày càng có nhiều trường tư thục được mở, nhất là ở những địa bàn có nhiều khu công nghiệp.

Công Nghĩa


Giám đốc Sở GD-ĐT TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ:

Hướng đến giáo dục chất lượng cao và hội nhập quốc tế

Việc kêu gọi đầu tư xã hội hóa giáo dục thời gian qua đã mang lại những lợi ích vô cùng to lớn, Đồng Nai đã tạo ra được môi trường giáo dục đa dạng và phong phú, nhất là nhiều trường phổ thông chất lượng cao. Điều này không chỉ tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng đầu tư trước mắt của tỉnh cho giáo dục mà trong tương lai, số tiền tiết kiệm được còn lớn hơn nhiều, vì Nhà nước sẽ không phải chi ra số tiền lớn hằng năm cho vận hành bộ máy trường lớp, trả lương giáo viên. Thậm chí, các trường ngoài công lập còn tham gia đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Chính vì vậy, tỉnh đang xây dựng đề cương Phát triển xã hội hóa giáo dục mầm non, phổ thông trong giai đoạn 2022-2027. Thời gian tới, ngoài TP.Biên Hòa, chúng tôi sẽ kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư ở nhiều địa phương có các khu công nghiệp lớn. Các trường đầu tư mới phải là những trường có quy mô đáp ứng nhu cầu của địa bàn, có quy mô hiện đại và hướng đến giáo dục chất lượng cao và hội nhập quốc tế.

Ông VÕ VĂN MINH, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa:

TP.Biên Hòa bớt áp lực nhờ trường tư thục

TP.Biên Hòa từ lâu đã khá nhức nhối với tình trạng quá tải trường lớp do số lượng học sinh quá đông, trong khi trường lớp xây dựng mới lại không kịp so với sự phát triển của dân số. Thậm chí, có những phường mới xây dựng trường mới xong lại tiếp tục phát sinh quá tải dẫn đến vượt quá khả năng đầu tư của ngân sách nhà nước. Một trong những khó khăn không chỉ là tiền ngân sách mà hiện nay quỹ đất đầu tư cho giáo dục của thành phố ngày càng eo hẹp, việc giải tỏa đền bù cho dân để có mặt bằng sạch thi công cũng là một thách thức không dễ dàng.

Từ những khó khăn trên, trong những năm qua, cùng với đầu tư xây dựng trường công lập, chúng tôi đã tham mưu cho thành phố đẩy mạnh thu hút xã hội hóa trường tư thục. Nếu không có các cơ sở giáo dục ngoài công lập thì áp lực với hệ thống giáo dục thành phố là vô cùng lớn. Do đó, chúng tôi đang tiếp tục tham mưu cho thành phố các chính sách về khuyến khích đầu tư giáo dục ngoài công lập, trước mắt là ưu tiên cho các nhà nhóm trẻ đủ điều kiện thành lập trường, tạo thuận lợi định hướng chuyên môn cho các trường phổ thông…

Trưởng phòng GD-ĐT H.Trảng Bom LƯU NGỌC QUẾ:

Ưu tiên phát triển xã hội hóa giáo dục

Trong những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của H.Trảng Bom khá cao, kéo theo lượng lớn công nhân đến sinh sống và làm việc. Ngoài góp phần cung ứng lao động cho các khu công nghiệp, thúc đẩy sản xuất thì việc tăng dân số cơ học cũng tạo áp lực khá lớn lên hạ tầng xã hội, trong đó có giáo dục. Điều may mắn là chúng tôi đã phát triển được các trường mầm non tư thục, các trường phổ thông nhiều cấp học. Không dừng lại ở đó, chúng tôi còn thu hút được nguồn tài trợ của doanh nghiệp đầu tư 2 trường THCS công lập với quy mô chuẩn quốc gia khang trang, hiện đại.

Trong thời gian tới, dự kiến quy mô dân số còn tăng, trong khi gần các khu công nghiệp quỹ đất cho giáo dục khó khăn, kinh phí đầu tư rất lớn. Vì vậy, H.Trảng Bom sẽ tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục theo mô hình trường mầm non, trường phổ thông chất lượng cao để tạo ra chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh.

Bà ĐỖ THỊ LAN ĐÀI, Chủ tịch HĐQT Trường đại học Lạc Hồng, Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng:

Chúng tôi có quyết tâm lớn

Chúng tôi luôn mang trong mình quyết tâm lớn xây dựng Trường đại học Lạc Hồng khang trang, hiện đại, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Không dừng lại ở đó, nhờ được tỉnh tạo điều kiện về cơ chế chính sách thuận lợi, chúng tôi xây dựng thêm Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng, ngôi trường chất lượng cao với phương châm “Văn hóa Việt Nam tầm nhìn quốc tế”.

Đến nay, Trường đại học Lạc Hồng không chỉ đào tạo cử nhân, kỹ sư mà đã đào tạo cả thạc sĩ, tiến sĩ. Nhiều ngành của trường đã được công nhận đạt chuẩn của Hệ thống Trường đại học Asean - Asean University Network. Chúng tôi kiến nghị với tỉnh tiếp tục tạo cơ chế, chính sách thông thoáng về đất đai, thủ tục xây dựng và vận hành để tiếp tục có thêm động lực đầu tư phát triển hơn nữa cho giáo dục.

Đặng Công (ghi)


 

Tin xem nhiều