Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp vừa tìm cách phục hồi, vừa ngóng hỗ trợ

09:01, 20/01/2022

Mặc dù đều nhận định triển vọng của sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trong năm nay là tốt dần lên song nhiều DN cho hay, những khó khăn nội tại từ trước đó vẫn chưa giải quyết hết.

Mặc dù đều nhận định triển vọng của sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trong năm nay là tốt dần lên song nhiều doanh nghiệp (DN) cho hay, những khó khăn nội tại từ trước đó vẫn chưa giải quyết hết.

Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành cơ khí, chế tạo ở TP.Biên Hòa
Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành cơ khí, chế tạo ở TP.Biên Hòa. Ảnh: VĂN GIA

Đứt gãy nguồn cung hàng hóa, thiếu hụt lao động và giá cước vận tải đội giá thành sản xuất là những khó khăn trực tiếp hằng ngày tác động đến DN.

* Chưa khắc phục hết khó khăn

Trong thực tế, bức tranh toàn cảnh về triển vọng sản xuất, kinh doanh đang tốt dần lên song vẫn có những ngành vẫn đang phải chật vật để phục hồi, nhất là các ngành dịch vụ.

Đơn cử như đối với các dịch vụ liên quan đến du lịch tại Đồng Nai trong năm 2021, doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành khoảng 12,5 ngàn tỷ đồng, giảm 19,66% so với năm 2020. Cho đến thời điểm hiện tại, các DN trong ngành cũng chưa phục hồi hết mức sản xuất của thời gian trước đó. Sau khoảng thời gian dài sống cùng dịch bệnh, nhu cầu du lịch, mua sắm của người dân giảm sút và ảnh hưởng chung đến các DN trong ngành.

Tương tự là đối với lĩnh vực vận tải, nhiều DN cho hay việc thụ hưởng chính sách hỗ trợ trong giai đoạn trước là rất khó khăn khi phần lớn phương tiện của DN nằm trong tình trạng "đắp chiếu". Điều này buộc một số đơn vị phải xoay xở, tìm cách hoạt động tạm thời qua các lĩnh vực khác để chờ cơ hội phục hồi. Tuy nhiên, để phục hồi còn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường.

Đại diện một DN vận tải có hơn 20 đầu xe ở TP.Biên Hòa cho hay, khó khăn là vậy song thời gian vừa qua, DN chưa nhận được chính sách hỗ trợ thỏa đáng. Như việc cho vay trả lương người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Là đơn vị vận tải hàng hóa nên DN vẫn hoạt động cầm chừng, khác với vận tải khách phải ngưng hoàn toàn trong thời gian giãn cách, phong tỏa; trong khi đối chiếu với các quy định, hoạt động với công suất chỉ đạt 40-50% vẫn là có hoạt động nên dù DN muốn được hỗ trợ để giảm bớt thiệt hại nhưng không thể đăng ký thực hiện.

Không chỉ vậy, nhiều DN trong các ngành sản xuất vẫn rất chật vật để phục hồi. Ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 cho hay, là DN trong ngành cơ khí, chế tạo, vấn đề nan giải nhất hiện nay của DN trong ngành là giá vật tư, nguyên liệu tăng cao; trong khi nguồn cung ứng nguyên vật liệu cho sản xuất lẫn thị trường, khách hàng cũng bị ảnh hưởng. “Chúng tôi đang phải đối mặt với tình trạng giá nguyên vật liệu tăng cao và đứt gãy trong cung cầu, ảnh hưởng tới sản xuất nói chung. Việc nối lại chuỗi cung ứng một cách thông suốt là nhu cầu cấp thiết nhất của DN hiện nay” - ông Phan Văn Tứ chia sẻ.

* Cần có giải pháp “hạ nhiệt” cước vận tải

Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai cho rằng, đến thời điểm hiện tại, cộng đồng DN vẫn chưa giải quyết hết những khó khăn mà tác động của đại dịch Covid-19 gây ra. Ngoài doanh thu sụt giảm và chi phí, nguồn lực đã giảm sút thì vấn đề lao động đang gây quan ngại cho nhiều DN thành viên.

Theo đó, khi phục hồi, một số DN vốn đã thiếu lao động từ trước, nay gia tăng sản xuất sẽ càng khó khăn hơn để phục vụ thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, mặc dù xuất khẩu tăng trưởng khá, hàng hóa của Đồng Nai đạt kim ngạch cao khi xuất khẩu nhưng phần mà DN thu lại thì không nhiều. Nguyên do là bởi giá cước vận tải để chuyên chở hàng hóa hiện đã rất cao. “Có những đơn hàng của DN, giá cước vận tải tăng từ 4-6 lần so với trước thời gian dịch bệnh. Với chi phí lớn như vậy, dù giá thành xuất khẩu cao nhưng giá trị phần lợi nhuận đưa về cho DN bị hao hụt rất nhiều” - ông Châu Minh Nguyện nói.

Cũng theo ông Nguyện, một trong những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay mà các cơ quan quản lý cần thực hiện là tìm các giải pháp để "hạ nhiệt" giá cước vận tải, có như vậy DN mới có thêm dũng khí để đón nhận các đơn hàng mới và mở rộng thị trường của mình.

Bên cạnh đó, cộng đồng DN cũng kỳ vọng việc thực hiện Nghị quyết 02 ngày 1-1-2022 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh sẽ đạt được các mục tiêu đề ra. Trong đó có cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; loại bỏ rào cản đối với đầu tư kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; phát triển thương mại điện tử và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, việc tiếp tục hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh là những vấn đề mà DN mong muốn được Nhà nước đồng hành, hỗ trợ.

Văn Gia

Tin xem nhiều