Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần chuyên nghiệp trong giải phóng mặt bằng

07:12, 02/12/2021

Việc thực hiện các dự án giao thông kết hợp với khai thác quỹ đất lợi thế đòi hỏi sự chuyên nghiệp hơn trong công tác giải phóng mặt bằng...

Việc thực hiện các dự án giao thông kết hợp với khai thác quỹ đất lợi thế đòi hỏi sự chuyên nghiệp hơn trong công tác giải phóng mặt bằng. Bởi nếu chậm trễ, không những sẽ không tạo ra được “lợi thế” từ quỹ đất lợi thế mà bản thân các dự án giao thông cũng sẽ khó hoàn thành đúng tiến độ.

Dự án Đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu), TP.Biên Hòa là dự án kết hợp khai thác quỹ đất lợi thế
Dự án Đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu), TP.Biên Hòa là dự án kết hợp khai thác quỹ đất lợi thế sắp được khởi công xây dựng. Ảnh: QUỲNH NHI

* Nâng trách nhiệm của các địa phương

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà, 3 dự án giao thông vừa được bổ sung vào danh mục các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh là những dự án mang tính đột phá về hạ tầng nhằm tạo động lực phát triển trong giai đoạn 2021-2025. Do đó, để thực hiện thành công các dự án này, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án cũng như các khu đất lợi thế đóng một vai trò rất quan trọng. “Nếu bàn giao mặt bằng chậm thì khó có thể thành công được” - ông Hồ Văn Hà cho biết.

Để thực hiện tốt, đòi hỏi các đơn vị làm công tác giải phóng mặt bằng của các dự án này phải có sự chuyên nghiệp. Đồng thời, sự phối hợp giữa ban quản lý dự án được giao làm chủ đầu tư và các đơn vị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cũng phải chuyên nghiệp. Các dự án này đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể trong công tác giải phóng mặt bằng và gắn với trách nhiệm của từng đơn vị thực hiện.

Cũng theo ông Hồ Văn Hà, đối với các dự án đầu tư công, trong đó có các dự án nhóm A, Bộ KH-ĐT đang tổng hợp trình Chính phủ cho phép tách phần xây lắp, phần giải phóng mặt bằng thành những dự án độc lập ngay từ chủ trương đầu tư.

Việc này tạo điều kiện triển khai giải phóng mặt bằng ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án có phạm vi sử dụng đất rõ ràng, rút ngắn thời gian hoàn thiện dự án, giảm chi phí giải phóng mặt bằng có thể phát sinh sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, hạn chế việc điều chỉnh dự án. Đây cũng là giải pháp quan trọng được kỳ vọng để đẩy nhanh tiến độ toàn bộ dự án. Bởi, việc triển khai xây dựng, thi công dự án sẽ được thực hiện khi đã có mặt bằng sạch. Với phương án này, trách nhiệm rất lớn sẽ thuộc về UBND cấp huyện vì đây là cơ quan sẽ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án.

* Lựa chọn các khu đất lợi thế phù hợp

Trong khi chờ đợi các giải pháp đột phá cho công tác giải phóng mặt bằng, việc triển khai các dự án giao thông kết hợp khai thác quỹ đất lợi thế vẫn đang được các địa phương thực hiện theo phương châm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

TP.Biên Hòa là địa phương đang triển khai thực hiện 4 dự án giao thông kết hợp khai thác quỹ đất. Với đặc điểm dân cư đông, công tác giải phóng mặt bằng vốn đã gặp nhiều khó khăn thì việc kết hợp khai thác quỹ đất lợi thế càng khiến cho độ khó của công tác này tăng lên.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết, đối với 4 dự án giao thông trên địa bàn, việc rà soát quỹ đất lợi thế để khai thác cũng đã hoàn thành. Trong quá trình rà soát, các khu đất lợi thế dọc các dự án giao thông, TP.Biên Hòa ưu tiên lựa chọn những khu vực thưa dân cư để quy hoạch khai thác.

Theo ông Huỳnh Tấn Lộc, việc lựa chọn các khu vực thưa dân cư để khai thác quỹ đất lợi thế là hướng đi phù hợp. Bởi khi quy hoạch khai thác các khu đất này, thành phố không chỉ đẩy nhanh được tiến độ giải phóng mặt bằng mà còn giảm được áp lực trong việc bố trí tái định cư cho người dân. Đặc biệt, việc khai thác quỹ đất tại các khu vực thưa dân cư còn mang lại hiệu quả cao hơn khi chi phí dành cho công tác giải phóng mặt bằng giảm đi đáng kể.

Trong khi đó, từ năm 2022, H.Nhơn Trạch sẽ bắt đầu thực hiện một số dự án giao thông kết hợp khai thác quỹ đất lợi thế. Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch cho hay, để có thể thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án này, địa phương đã bắt đầu nghiên cứu các giải pháp thực hiện. Một trong những giải pháp trọng tâm mà H.Nhơn Trạch hướng đến là nâng cao trình độ đối với đội ngũ cán bộ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. 

Ngày 5-11-2021, Bộ KH-ĐT đã có Tờ trình số 7659/TTr-BKHĐT trình Chính phủ về đề án Thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư. Việc xây dựng đề án nhằm tạo cơ chế thí điểm không chỉ đối với việc tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập mà còn bao gồm một số cơ chế bảo đảm việc thực hiện dự án giải phóng mặt bằng được tách riêng, nhằm tạo điều kiện triển khai công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án có phạm vi sử dụng đất rõ ràng, rút ngắn thời gian hoàn thiện dự án, giảm chi phí giải phóng mặt bằng có thể phát sinh thêm sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, hạn chế việc điều chỉnh dự án. Tạo điều kiện đẩy nhanh xây dựng khu tái định cư, cho phép đi trước một bước so với việc thực hiện xây dựng, lắp đặt… dự án tổng thể.

Quỳnh Nhi

Tin xem nhiều