Báo Đồng Nai điện tử
En

Thay đổi tư duy sản xuất, bán hàng

11:11, 15/11/2021

Từ ngày 1-1-2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới khắt khe hơn đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam.

Từ ngày 1-1-2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới khắt khe hơn đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam.

Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu cao với trái bưởi. Trong ảnh: Vườn bưởi của nông dân xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: Bình Nguyên
Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu cao với trái bưởi. Trong ảnh: Vườn bưởi của nông dân xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: Bình Nguyên

Khi Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, cả doanh nghiệp (DN), thương lái đến nông dân đều phải thay đổi nhận thức trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu để đáp ứng được những yêu cầu mới của thị trường lớn này.

* Chủ động thay đổi

Ông Phạm Sao Mai, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc chỉ ra điểm yếu trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam: “Mặc dù trong 30 năm nay chúng ta đã xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, nhưng cho đến nay DN vẫn chưa nắm được hệ thống phân phối tại thị trường này. Đây là nguyên nhân khiến hàng hóa Việt Nam bị động và phụ thuộc vào các DN đầu mối ở Trung Quốc. Để có thể kinh doanh thuận lợi tại thị trường Trung Quốc, DN Việt Nam cần nắm được hệ thống phân phối nông sản tại đây”.

Xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, phụ thuộc vào các chợ, buôn bán không hợp đồng nên các quy ước quốc tế không có hiệu quả cũng là nguyên nhân nông sản Việt yếu thế khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Chỉ ra điểm yếu này, ông Võ Văn Vịnh, thương lái tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) nhận xét, sản lượng nông sản, nhất là các mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam rất lớn và chủ yếu vẫn bán sang thị trường Trung Quốc. Nhưng đây chưa thể gọi là xuất khẩu vì chủ yếu là thương lái Trung Quốc đến tận nhà vườn tổ chức thu hoạch, đóng gói. Để không rơi vào tình cảnh bị động trước những quy định mới từ phía Trung Quốc, nông sản Việt Nam phải đáp ứng nhiều yêu cầu như: có mã số vùng trồng, vùng nuôi, kiểm dịch động vật - thực vật, quy trình canh tác, bao bì, đóng gói cũng phải theo quy chuẩn... Không chỉ DN mà thương lái cũng cần thay đổi về phương thức kinh doanh, xuất khẩu và nông dân cũng phải điều chỉnh về quy trình sản xuất để đảm bảo cả về sản lượng lẫn chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn mới của thị trường Trung Quốc.

* Cần giải pháp đồng bộ

Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc trong tình hình mới, cần giải pháp đồng bộ từ đầu tư xúc tiến thương mại; xây dựng phương án chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các tỉnh có cửa khẩu thông quan; nâng cao năng lực vận tải tại các cửa khẩu; xây dựng vùng sản xuất an toàn đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường Trung Quốc; có chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực chế biến…

Tại tọa đàm trực tuyến thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc, bà Đoàn Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, trái cây Việt Nam đa dạng, chất lượng tốt nên được thị trường Trung Quốc ưa chuộng, nhưng hiện mới có 9 loại xuất khẩu được sang thị trường này, trong đó 8 loại trái cây vẫn chưa được ký nghị định thư về kiểm dịch thực vật nên 100% trái cây qua các cửa khẩu Trung Quốc đều bị kiểm dịch. Trong khi đó, trái cây của Thái Lan xuất khẩu vào Trung Quốc qua các cửa khẩu Việt Nam thuận lợi hơn rất nhiều. Một khó khăn khác là, tuy hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, mong Trung ương tiếp tục quan tâm ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các khu vực cửa khẩu cũng như trong các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.

Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đề nghị các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đồng hành cùng DN để thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam sang thị trường này. Trước mắt, cần triển khai ngay một số giải pháp như: nghiên cứu cơ bản về thị trường Trung Quốc, thị hiếu, quan tâm của Trung Quốc; cập nhật các thông tin về chủ trương, chính sách và những quy định mới của Trung Quốc, sự phản hồi của địa phương, DN Trung Quốc đối với sản phẩm của Việt Nam; vận động, tạo thuận lợi nâng cấp, mở mới các cửa khẩu, lối mở biên giới, nâng cao số lượng sản phẩm chính ngạch; tăng cường triển khai trên quy mô lớn hơn các hoạt động quảng bá sản phẩm, qua đó tạo thuận lợi cho các DN, địa phương xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc.

Lê Quyên

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích