Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển HTX nông nghiệp: Đi vào thực chất

03:11, 30/11/2021

Trong suốt 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX), Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

[links()]Trong suốt 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) và 10 năm thi hành Luật HTX, Đồng Nai đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

Đồ họa thể hiện số lượng và chất lượng HTX nông nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân
Đồ họa thể hiện số lượng và chất lượng HTX nông nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân

Tuy nhiên, hoạt động của KTTT, trong đó có mô hình HTX bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 và bộc lộ nhiều điểm yếu mà các HTX cần khắc phục. Vấn đề đặt ra là các mô hình KTTT, nhất là các HTX nông nghiệp cần đi vào thực chất, thực sự là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp (DN), là khâu quan trọng trong chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản.

* Khó khăn bủa vây các HTX

Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ NN-PTNT về tình hình khó khăn của ngành Nông nghiệp do dịch bệnh Covid-19, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Nhiều mặt hàng đến kỳ thu hoạch có sản lượng lớn đã xảy ra tình trạng bị ùn ứ do đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong đó, nhiều DN, HTX, cơ sở chế biến, kinh doanh nông sản phải giảm công suất, thậm chí ngưng hoạt động hoặc giải thể.

Nói về hạn chế, khó khăn của ngành Nông nghiệp trên địa bàn Đồng Nai trong năm 2021, ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, Phó chánh Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp chưa cao, chỉ tiêu thành lập mới HTX nông nghiệp chưa đạt, các hình thức tổ chức sản xuất cũng chậm đổi mới. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm; số lượng HTX sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu chưa nhiều; việc chuyển từ giao dịch mua bán nông sản truyền thống sang thương mại điện tử còn chậm.

Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất Nguyễn Đình Cương thừa nhận, qua khảo sát tình hình hoạt động của các HTX trên địa bàn trong 9 tháng của năm 2021, toàn huyện chỉ có 5/24 HTX hoạt động khá, còn lại ở mức trung bình. Hoạt động của các HTX gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Theo đó, năm nay huyện không đưa ra mục tiêu thành lập mới mà chủ yếu tập trung củng cố các HTX hiện có và duy trì thêm một số tổ hợp tác.

Đóng chuối xuất khẩu tại một HTX ở xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ. Ảnh: L.Quyên
Đóng chuối xuất khẩu tại một HTX ở xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ. Ảnh: L.Quyên

Ông Cương đánh giá thêm: “Một số HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp vẫn còn tồn tại tình trạng hoạt động yếu, hiệu quả kinh doanh thấp và chưa có chiều hướng phát triển tốt vì năng lực đội ngũ quản lý của HTX còn hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân khiến những chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản còn thiếu bền vững”.

Cùng quan điểm, ông Vũ Văn Đông, nguyên Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Tà Lài (H.Tân Phú) chia sẻ, nông dân trồng bưởi tại địa phương vào HTX, bỏ vốn đầu tư trồng bưởi đạt chứng nhận VietGAP vì tin tưởng có DN tham gia chuỗi liên kết với mục tiêu sản xuất cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Bản thân ông Đông cũng rất kỳ vọng vào việc phát triển chuỗi liên kết sản xuất bưởi sạch cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Nhưng khi bắt tay vào thực tế, việc xuất khẩu trái bưởi tươi gặp nhiều khó khăn vì cho đến nay, loại trái cây này vẫn chưa nằm trong danh mục trái cây xuất khẩu chính ngạch vào thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc. Xuất khẩu vào các thị trường khó tính hơn lại càng khó khăn.

“Sản phẩm bưởi VietGAP của các xã viên đều bán cho thương lái với giá hàng thường, chịu rủi ro về đầu ra thất thường vì nguồn cung đang cao hơn so với nhu cầu tiêu thụ. Vai trò của HTX cũng rất mờ nhạt, có thời điểm hầu như không hoạt động” - ông Đông nói.

Nói thêm về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến ngành Nông nghiệp, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Tuấn Anh nhận xét, thời gian vừa qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản gặp rất nhiều khó khăn. Đồng Nai đã hình thành được những chuỗi liên kết trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, các chuỗi liên kết bộc lộ một số hạn chế như: các chuỗi hoạt động chưa rõ nét; hiệu quả để phổ biến, nhân rộng chưa cao; phần lớn chủ yếu liên kết đầu vào, còn đầu ra vẫn do thương lái quyết định.

“Tôi đi thực tế xuống tận các vùng sản xuất thấy nông sản bán với giá rất rẻ. Ví dụ như rau ăn lá nông dân trồng ở Xuân Lộc, Cẩm Mỹ bán vài ngàn đồng/kg, nhưng giá đưa đến H.Trảng Bom tiêu thụ đã tăng gấp đôi, khu vực xa hơn tăng gấp 3” - ông Tuấn Anh nói.

* Sớm khắc phục những hạn chế nội tại

Để cạnh tranh được trong giai đoạn hội nhập sâu, rộng như hiện nay, sản xuất nông nghiệp phải chuyển hướng theo quy mô hàng hóa lớn, đảm bảo an toàn về chất lượng, ứng dụng công nghệ cao để đạt cả về sản lượng, chất lượng và có giá thành cạnh tranh khi tham gia thị trường xuất khẩu. Ở đây rất cần vai trò của các HTX trong việc liên kết nông dân với nhau cũng như làm cầu nối liên kết giữa nông dân với DN và trong tiếp cận các chương trình hỗ trợ từ chính sách nhà nước. Chưa bao giờ yêu cầu về những HTX kiểu mới hoạt động năng động, hiệu quả như một DN từ việc tổ chức tốt khâu sản xuất an toàn đến chủ động tiếp cận cả thị trường trong nước và xuất khẩu lại bức thiết như hiện nay.

Nhưng hiện về mặt bằng chung, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát triển xứng tầm với yêu cầu hội nhập cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 154 HTX nông nghiệp. Trong đó, chỉ có khoảng 49% hoạt động khá; HTX hoạt động trung bình, yếu vẫn chiếm tỷ lệ cao. Đa số các HTX của Đồng Nai còn hoạt động với quy mô nhỏ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, cơ sở vật chất nghèo nàn, chưa có nhiều tài sản thế chấp khi vay vốn ở các tổ chức tín dụng.

Nông dân trồng bưởi ở H.Trảng Bom mong có HTX liên kết với doanh nghiệp bao tiêu bưởi cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Ảnh: Lê Quyên
Nông dân trồng bưởi ở H.Trảng Bom mong có HTX liên kết với doanh nghiệp bao tiêu bưởi cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Ảnh: Lê Quyên

Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom Lương Thị Lan cho biết, H.Trảng Bom có những vùng chuyên canh cây trồng lớn như: chuối, thanh long, tiêu… Địa phương đang đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để có đầu ra ổn định cho nông sản. Nhưng nông dân vẫn chưa mặn mà tham gia các chuỗi liên kết vì họ vẫn quen với việc ở đâu giá cao thì bán chứ không quan tâm vào chuỗi, phát triển bền vững. Trong đó có nguyên nhân địa phương chưa có những HTX uy tín, hoạt động hiệu quả để thực hiện tốt vai trò liên kết nông dân.

Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ đánh giá, thời gian qua, các HTX đã chú trọng xây dựng thương hiệu; chủ động đăng ký các tiêu chuẩn để phục vụ cho chiến lược lớn của tỉnh là sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ... Tuy nhiên, do đặc thù sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, hộ cá thể rất nhiều, HTX chưa phát huy được hết vai trò vừa là cầu nối, vừa liên kết hình thành sản lượng hàng hóa nông nghiệp lớn, chất lượng, cùng chủng loại để phục vụ cho thị trường lớn hơn. Trong giai đoạn mới, HTX càng có vai trò quan trọng hơn với các yêu cầu ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm đáp ứng thị trường lớn…

“Thực tế hiện nay, tỷ lệ HTX hoạt động khá, tốt vẫn thấp hơn tỷ lệ HTX hoạt động chưa tốt. Đi vào nội hàm của các HTX như: tài lực, nhân lực, đường hướng chiến lược phát triển của từng HTX chưa đáp ứng kỳ vọng. Hoạt động của các HTX vẫn dựa vào một số thành viên tích cực chứ chưa lan tỏa, lôi kéo được tất cả các thành viên” - ông Sỹ nói.

Giám đốc Sở NN-PTNT CAO TIẾN SỸ cho biết, từ nay đến cuối năm, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong việc thành lập thêm các HTX mới; có các hoạt động hỗ trợ HTX phát triển sản xuất theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu hàng hóa; hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, trang trại tham gia các chuỗi liên kết sản xuất, nhất là do ảnh hưởng dịch Covid-19 các chuỗi liên kết bị đứt gãy để hình thành nhiều chuỗi liên kết mới theo mô hình mới. Ngành Nông nghiệp cũng đã đề xuất cần có chính sách riêng để phát triển HTX trong giai đoạn mới. Ở đây, vai trò HTX phải có mức độ nâng cao hơn gắn với chính sách hỗ trợ.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều