Báo Đồng Nai điện tử
En

Tận dụng tốt thời cơ phát triển

09:10, 25/10/2021

Có một "kênh" đầu tư mà khoảng 20 năm nay nhìn chung vẫn là kênh thu hút nhất dù có lúc trồi, sụt - đó là kênh bất động sản (BĐS). Ở góc độ doanh nghiệp trong ngành BĐS, một trong những thị trường sôi động nhất trong thời gian sắp tới (đặc biệt ở giai đoạn phục hồi sau đại dịch) vẫn là thị trường BĐS phía Đông của TP.HCM, trong đó có Đồng Nai.

Có một “kênh” đầu tư mà khoảng 20 năm nay nhìn chung vẫn là kênh thu hút nhất dù có lúc trồi, sụt - đó là kênh bất động sản (BĐS). Ở góc độ doanh nghiệp trong ngành BĐS, một trong những thị trường sôi động nhất trong thời gian sắp tới (đặc biệt ở giai đoạn phục hồi sau đại dịch) vẫn là thị trường BĐS phía Đông của TP.HCM, trong đó có Đồng Nai.

Lợi thế lớn nhất của tỉnh Đồng Nai đến giờ phút này vẫn là những dự án và siêu dự án lớn về hạ tầng giao thông. Các dự án này hứa hẹn một sự kết nối liên vùng mạnh mẽ giữa các trung tâm, đầu mối kinh tế của phía Nam: du lịch - công nghiệp - dịch vụ - kinh tế biển… Về góc độ giao thông liên tỉnh, liên vùng, điểm lại hàng loạt dự án đã, đang và sắp triển khai, có thể thấy dù bị ảnh hưởng không ít bởi dịch bệnh Covid-19, thì chỉ trong vòng 5 năm tới, “bộ mặt” của các tỉnh, thành phía Đông TP.HCM (tỉnh Đồng Nai, TP.Thủ Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ đổi khác theo hướng hiện đại và quy tụ được nhiều nguồn lực, nhiều nhà đầu tư thuộc các ngành nghề trình độ cao.

Trong 5 năm tới, hệ thống kết nối các đô thị vệ tinh trong vùng và liên vùng sẽ gồm các đường vành đai 2, 3, 4 xung quanh TP.HCM và đi qua các địa phương lân cận; các tuyến đường cao tốc: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu. Bên cạnh đó là các cảng: hệ thống cảng Sài Gòn, hệ thống cảng Thị Vải, hệ thống cảng Vũng Tàu cùng hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông khác.

Dưới góc nhìn của những doanh nghiệp, nhà đầu tư BĐS lớn, nhỏ thì đây chính là những yếu tố “vàng” để phát triển dự án, thu hút nguồn lực từ bây giờ cho đến 5-10 năm tới. Trên thực tế, khoảng 2-3 năm nay, Đồng Nai đã tiếp đón, làm việc và đón nhận luồng vốn đầu tư từ khá nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước: Novaland, Daewoo E&C, Amata, Vinacapital, Taekwang, Hưng Thịnh, Nam Long, Đất Xanh, Kim Oanh, Sun Group, FLC, DIC… Với tầm nhìn của mình, các tập đoàn và doanh nghiệp lớn trong ngành BĐS đã nhanh chóng đấu giá thành công nhiều quỹ đất đẹp, tiến hành xây dựng hạ tầng và đi vào kinh doanh. Đặc biệt, không chỉ “nhắm” đến BĐS nhà ở, đất nền, nhiều doanh nghiệp đã “nhắm” đến việc đầu tư tại Đồng Nai các sản phẩm BĐS có tính bền vững hơn như: du lịch, nông nghiệp, công nghiệp.

Tiềm năng, lợi thế, mức độ quan tâm của thị trường đã rõ. Vậy vấn đề còn lại của các tỉnh, thành phía Đông TP.HCM nói chung và Đồng Nai nói riêng là làm thế nào để tận dụng tốt tiềm năng phát triển này để đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển chung. Điều này cần đến những giải pháp sớm và đồng bộ. Chẳng hạn, công tác quy hoạch phải thực sự “đi trước một bước”, thậm chí nhiều bước để phù hợp với xu thế phát triển chung trong nhiều năm tới, quy hoạch đúng hướng sẽ giúp địa phương phát triển nhanh, mạnh mẽ. Việc rà soát quỹ đất để tận dụng đúng và hợp lý tài nguyên đặc biệt này là rất quan trọng. Thêm vào đó, cần xác định, kiểm tra tiềm lực của các nhà đầu tư để tránh tình trạng “xí” đất rồi “treo” dự án. Ngoài ra, hoàn thiện hệ thống pháp lý cho thị trường BĐS, kiểm soát chặt chẽ quá trình triển khai và kinh doanh dự án cũng là yếu tố phải quan tâm để tận dụng được sự phát triển của thị trường và đem lại lợi ích lâu dài cho địa phương.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều