Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông nghiệp thành "trụ đỡ" kinh tế trong đại dịch

08:10, 17/10/2021

Nông nghiệp là một trong số ít những điểm sáng vẫn giữ được tăng trưởng dương trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm trong nước, xuất khẩu nông sản cũng tăng trưởng bằng hoặc cao hơn cùng kỳ năm ngoái,...

Nông nghiệp là một trong số ít những điểm sáng vẫn giữ được tăng trưởng dương trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Sản xuất nông nghiệp không chỉ đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm trong nước mà xuất khẩu nông sản vẫn tăng trưởng bằng hoặc cao hơn cùng kỳ năm ngoái, đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn.

Đồ họa thể hiện một số kết quả trong ngành Nông nghiệp của Đồng Nai trong 9 tháng của năm 2021 (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện một số kết quả trong ngành Nông nghiệp của Đồng Nai trong 9 tháng của năm 2021 (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

Tuy là tỉnh công nghiệp nhưng sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Đồng Nai đạt mức bình quân cao hơn mặt bằng chung cả nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.

* Điểm sáng của nền kinh tế

Trong khó khăn, ngành Nông nghiệp vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, tăng cường xuất khẩu, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, trong 9 tháng của năm 2021, tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp đạt 2,74% và đóng góp trên 23,5% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế; đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT LÊ QUỐC DOANH, Bộ đang kỳ vọng 3 tháng còn lại của năm, hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ có chuyển biến tốt hơn, đặc biệt phấn đấu đạt 44 tỷ USD xuất khẩu nông sản. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 căng thẳng, nhiều nhóm ngành tăng trưởng âm trong quý III-2021, ngành Nông nghiệp vẫn tăng trưởng dương và thể hiện vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế.

Tính đến hết tháng 9, cả nước gieo trồng được trên 7 triệu ha lúa; đến nay đã thu hoạch đạt khoảng 5,3 triệu ha, sản lượng khoảng 33,5 triệu tấn lúa. Đối với chăn nuôi, sản lượng thịt heo hơi ước đạt trên 3 triệu tấn, tăng 5%; thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt trên 1,4 triệu tấn, tăng 4,3%; trứng ước đạt 12,8 tỷ quả, tăng 4,3%. Riêng lĩnh vực thủy sản do chịu ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19, tổng sản lượng thủy sản chỉ đạt gần 6,4 triệu tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhận xét, Nông nghiệp là một trong số ít ngành vẫn tăng trưởng trong khó khăn chung của nền kinh tế do ảnh hưởng dịch Covid-19. Không ít tỉnh, thành có nhiều chỉ tiêu trong lĩnh vực nông nghiệp đã đạt, thậm chí vượt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, trong sản xuất lúa, các vụ gieo trồng đều trúng mùa, sản lượng đạt cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các địa phương vẫn phải xây dựng kịch bản rất chặt chẽ cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới. Gắn sản xuất với đầu ra và cần các giải pháp rất cụ thể về thị trường tiêu thụ nông sản.

“Việc thanh tra, kiểm tra về thị trường vật tư nông nghiệp cần được tăng cường trong giai đoạn giá các mặt hàng này không ngừng leo thang và tình trạng tranh tối tranh sáng về chất lượng như hiện nay” - ông Thiệt nhấn mạnh.

Ông Đoàn Văn Thanh ở ấp Bàu Chim, xã Phú Xuân (H.Tân Phú) chăm sóc sầu riêng
Ông Đoàn Văn Thanh ở ấp Bàu Chim, xã Phú Xuân (H.Tân Phú) chăm sóc sầu riêng. Ảnh:Phước Bình

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất trồng trọt vụ thu - đông, vụ mùa năm 2021; triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông - xuân 2021-2022 của các tỉnh, thành Nam bộ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh báo tin vui, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước trong 9 tháng của năm 2021 ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ. Nhập khẩu ước khoảng 32,2 tỷ USD, tăng 41,6%. Như vậy, trong 9 tháng, xuất siêu ngành Nông nghiệp đạt trên 3,3 tỷ USD, là kỳ tích trong bối cảnh toàn nền kinh tế bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Xuất khẩu nông sản bị ảnh hưởng nặng nề trong tháng 8 khi chuỗi sản xuất, kinh doanh nông sản đứt gãy do ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong tháng 9, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tăng trở lại là tín hiệu rất tốt. Dự đoán, từ nay đến cuối năm, sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu tiếp tục đạt mức tăng trưởng tốt.

* Đồng Nai tăng trưởng cao hơn cả nước

Tuy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Đồng Nai cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của cả nước.

Giá gà công nghiệp đã tăng trở lại sau thời gian giảm sâu.  Trong ảnh: Cơ sở giết mổ gà công nghiệp tại H.Trảng Bom
Giá gà công nghiệp đã tăng trở lại sau thời gian giảm sâu. Trong ảnh: Cơ sở giết mổ gà công nghiệp tại H.Trảng Bom

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đạt gần 4,4%. Quý 3 khó khăn hơn nên 9 tháng của năm, tốc độ tăng trưởng này chỉ đạt hơn 3% nhưng đều cao hơn mức bình quân cả nước. Tổng đàn heo của tỉnh đạt gần 2,4 triệu con, tăng hơn 1% so với cùng kỳ năm ngoái; đàn gia cầm đạt 25,3 triệu con, tăng hơn 7,5% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh đạt mức tăng trưởng ấn tượng như: hạt điều tăng trên 13%, hạt tiêu tăng gần 66,3 %, cao su tăng gần 99,9%...

Nói về nỗ lực phát triển sản xuất nông nghiệp trong khó khăn, ông Trần Quang Tú, Chủ tịch UBND H.Định Quán chia sẻ, huyện đã khai thác lợi thế của địa phương trong phát triển nuôi trồng thủy sản để đảm bảo thu nhập cho người dân. Phòng NN-PTNT huyện đã phối hợp với doanh nghiệp thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa sạch góp phần tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa ở nhiều xã trên địa bàn.

Mô hình chuyển đổi một số diện tích từ 2 vụ lúa sang 2 vụ bắp có sự tham gia của doanh nghiệp; nông dân được hỗ trợ về giống, thuốc bảo vệ thực vật nên thu nhập khá ổn định. Ngoài ra, huyện đã định hướng hình thành một số vùng chuyên canh cây lúa, cây bắp, rau sạch, cây ăn trái... để xây dựng được những chuỗi liên kết sản xuất bền vững, hiệu quả hơn.

Ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, chưa bao giờ tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp lại gần sát với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế trên địa bàn tỉnh như hiện nay. Tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trong vài năm trở lại đây luôn giữ mức tăng rất tốt, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm nay khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy ngành Nông nghiệp không đóng góp lớn trong GRDP của tỉnh nhưng vẫn đóng vai trò giữ vững phát triển của nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 như hiện nay.

Bình Nguyên


Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) NGUYỄN QUỐC TOẢN:

Doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp

Dự đoán của tôi là xuất khẩu nông sản sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Cụ thể, xuất khẩu vào thị trường châu Âu thì tập trung vào mùa Noel, xuất khẩu vào mùa Tết Nguyên đán tập trung vào thị trường Trung Quốc... Hiện nay, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam đã nới giãn cách, các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến, xuất khẩu nông sản đã bắt đầu khôi phục lại sản xuất.

Theo tôi, vấn đề thị trường không phải là trách nhiệm riêng của ngành Nông nghiệp mà phải đưa vai trò của doanh nghiệp vào. Hiện nay không thiếu những chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Điều quan trọng là tổ chức triển khai như thế nào và doanh nghiệp ứng dụng thành công hay không. Việc các địa phương cần làm là tạo ra môi trường đầu tư tốt và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư trong tỉnh, ở cấp quốc gia và quốc tế vì thực tế vẫn có nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm cơ hội trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI:

Giữ mục tiêu cao trong phát triển nông nghiệp

Trong mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, các tiêu chí phát triển sản xuất nông nghiệp, thu nhập của người dân không ngừng được nâng cao và luôn ở mức cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Cụ thể đến năm 2025, thu nhập của người dân nông thôn phải đạt mức 80 triệu đồng/người. Kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là trong phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, các địa phương đã đạt kết quả tốt.

Việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao cũng phải bắt đầu từ các địa phương. Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục phối hợp với ngành Nông nghiệp và các sở, ngành liên quan để thực hiện đạt các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao đã đề ra. Điều đáng mừng trong xây dựng chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số chuỗi liên kết thành công, xuất khẩu tốt sang những thị trường khó tính. Vấn đề là có chính sách hỗ trợ làm sao nhân rộng các chuỗi liên kết hiệu quả như trên, giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản một cách bền vững.

Lê Quyên (thực hiện)


 

 

Tin xem nhiều