Báo Đồng Nai điện tử
En

Ẩn số mục tiêu kép

07:10, 11/10/2021

Năm 2021 chỉ còn vỏn vẹn hơn 10 tuần lễ nữa là kết thúc. Hơn 10 tháng trôi qua, Đồng Nai nói riêng và các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, đã mất khoảng 5 tháng gần như phải "đóng băng" các hoạt động kinh tế - xã hội để tập trung phòng, chống dịch Covid-19.

Năm 2021 chỉ còn vỏn vẹn hơn 10 tuần lễ nữa là kết thúc. Hơn 10 tháng trôi qua, Đồng Nai nói riêng và các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, đã mất khoảng 5 tháng gần như phải “đóng băng” các hoạt động kinh tế - xã hội để tập trung phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và các nhà quan sát vĩ mô, trong hơn 20 năm nay, chưa bao giờ các địa phương nói trên lại phải đối mặt với nhiều thách thức đến thế.

Giữa bối cảnh đó, việc kiên trì thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai và các địa phương nói trên đang đứng trước nhiều khó khăn. Trong 9 tháng của năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ tăng 2,91% so với cùng kỳ năm trước (bình quân cả nước tăng 4,45%). Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua. Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt gần 137,5 ngàn tỷ đồng, chỉ tăng hơn 1,1% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 471 tỷ đồng, giảm gần 31%; giải ngân vốn đầu tư công đạt dưới 50%; gần 900 doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh và giải thể. Năm 2021, dự tính GRDP tỉnh Đồng Nai tăng khoảng 4,61% và như vậy năm nay, GRDP của tỉnh khó hoàn thành kế hoạch năm, tức tăng 8-8,5%.

Mặc dù vậy, vẫn có những điểm sáng như: thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 1 tỷ USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 16,3 tỷ USD, tăng hơn 21%; thu ngân sách nhà nước hơn 48,9 ngàn tỷ đồng, đạt 104% dự toán điều chỉnh và tăng 25% so với cùng kỳ…

Về phía doanh nghiệp, việc tái sản xuất, kinh doanh cũng đang diễn ra trong tâm thế vô cùng thận trọng. Rất ít doanh nghiệp quay lại được 100% công suất như trước. Ngoài những khó khăn chung, mỗi loại hình doanh nghiệp cũng đang đối mặt với những thách thức đặc thù. Cụ thể, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy mô lớn thì đang mấp mé tình cảnh thiếu lao động, chi phí phát sinh từ hoạt động phòng dịch cao, giá nguyên vật liệu tăng mạnh và sự đứt gãy của chuỗi cung ứng trên quy mô quốc tế đang làm sự luân chuyển hàng hóa giữa các quốc gia chậm chạp và nhiều rủi ro. Doanh nghiệp trong nước (đa số có quy mô nhỏ và vừa) thì đang “kiệt sức” sau một thời gian dài đóng cửa, vốn liếng cạn dần, nhân sự thiếu thốn, thị phần thu hẹp… là những thách thức họ phải đối mặt ngay khi có ý định quay lại hoạt động bình thường.

Việc làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh ở 4 địa phương có đóng góp ngân sách lớn: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM đã kéo các chỉ số kinh tế quan trọng của 4 địa phương giảm mạnh, gây ảnh hưởng trực tiếp lên sự tăng trưởng của cả nước và tác động tiêu cực đến thu ngân sách. Mặc dù đang dần chuyển từ tư duy “zero Covid” sang “sống chung với dịch” một cách linh hoạt và thận trọng, song phải thừa nhận rằng, Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành “nóng” về dịch bệnh vẫn chưa thể “mở cửa” một cách hoàn toàn. Tuy số ca bệnh nhân nặng và tử vong đã giảm, song số liệu hằng ngày vẫn chỉ ra: nguy cơ tái bùng dịch luôn chực chờ.

Do đó, không riêng Đồng Nai mà các tỉnh, thành khác cũng đang vất vả với việc thực hiện mục tiêu kép trong khi thời gian của năm 2021 không còn nhiều. Vậy nên, tỉnh cũng đang nỗ lực hết sức trong việc thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra, đồng thời đề ra nhiều giải pháp trên mọi lĩnh vực, song kết quả có đạt như mong muốn hay không thì không dễ dàng dự đoán.

Kim Ngân

Tin xem nhiều