Báo Đồng Nai điện tử
En

Siết chặt phòng dịch Covid-19 ở các doanh nghiệp '3 tại chỗ'

09:08, 01/08/2021

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng, đặc biệt là vào các KCN, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu các doanh nghiệp triển khai một trong 3 phương án là: '3 tại chỗ', '1 cung đường, 2 địa điểm'....

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Đồng Nai, để hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng, đặc biệt là vào các khu công nghiệp (KCN), UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh triển khai một trong 3 phương án là: '3 tại chỗ', '1 cung đường, 2 địa điểm' hoặc kết hợp hài hòa cả 2 phương án trên để đảm bảo sản xuất an toàn. Đây là giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất.

Công ty TNHH Quốc tế Kim Bảo Sơn Việt Nam (H.Long Thành) bố trí nơi tạm lưu trú cho công nhân ở lại công ty làm việc
Công ty TNHH Quốc tế Kim Bảo Sơn Việt Nam (H.Long Thành) bố trí nơi tạm lưu trú cho công nhân ở lại công ty làm việc. Ảnh: N.HÒA

Khi thực hiện các phương án này, việc đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động (NLĐ) và công tác phòng, chống dịch tại các DN được UBND tỉnh cũng như các sở, ngành đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, sau 2 tuần thực hiện các phương án trên, tại một số DN thực hiện “3 tại chỗ” đã bộc lộ một số bất cập, ảnh hưởng đến công tác phòng dịch ở địa phương.

* Xuất hiện nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 trong DN 

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, đến thời điểm này đã có 1.117 DN tổ chức phương án “3 tại chỗ” với 129.451 NLĐ và 6 DN thực hiện “1 cung đường, 2 địa điểm” với 1.641 NLĐ. Tuy nhiên, tại một số DN thực hiện “3 tại chỗ”, những ngày qua đã xuất hiện nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 thông qua test nhanh khiến nhiều NLĐ lo lắng, không muốn tiếp tục ở lại nơi sản xuất, yêu cầu DN cho trở về địa phương.

Trước tình trạng này, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai kiến nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh nhanh chóng hỗ trợ DN về công tác y tế để khoanh vùng, truy vết, cách ly, đồng thời đưa các F0, F1 ra khỏi công ty. Sau khi khử khuẩn, xét nghiệm Covid-19, NLĐ tạm trú còn lại có kết quả âm tính và bảo đảm các điều kiện mới cho tiếp tục sản xuất. Trong DN không thực hiện “3 tại chỗ”, dừng hoạt động thì tiến hành xét nghiệm cho toàn bộ NLĐ. Nếu âm tính sẽ đề nghị chính quyền tiếp nhận NLĐ về địa phương. Đối với NLĐ ở vùng đang phong tỏa, địa phương có trách nhiệm bố trí nơi cách ly theo quy định.

Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân lao động Công ty TNHH Changshin Việt Nam đang cư trú tại P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa. Ảnh: H.DUNG
Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân lao động Công ty TNHH Changshin Việt Nam đang cư trú tại P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa. Ảnh: H.DUNG

TP.Biên Hòa và H.Nhơn Trạch là 2 địa phương tập trung nhiều DN, hiện đang xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 là công nhân lao động. Trong đó, H.Nhơn Trạch có 327 DN thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Khi xảy ra dịch bệnh tại các DN “3 tại chỗ”, huyện gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong cách xử lý do sự phối hợp với các sở, ban, ngành còn hạn chế.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong các DN “3 tại chỗ”, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy HỒ THANH SƠN chỉ đạo các địa phương và 121 tổ kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong DN phải ngay lập tức kiểm tra công tác phòng dịch tại các DN này. DN nào không đáp ứng đủ điều kiện thì yêu cầu ngưng hoạt động ngay. Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng quản lý công nhân lao động, không để lây lan dịch bệnh.

Cụ thể, có những DN “3 tại chỗ” khi xuất hiện ca dương tính qua test nhanh đã cách ly các trường hợp F0 ở một khu vực riêng với những NLĐ còn lại trong DN. Tuy nhiên, không có người giám sát những trường hợp F0 để những người này tự ý chạy qua khu vực của những công nhân khác gây tâm lý hoang mang cho NLĐ. Có những DN khi xuất hiện ca F0 đã không báo cáo với chính quyền địa phương, để NLĐ trở về nhà trọ trong đêm. Điều này khiến công tác điều tra, truy vết của các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Phó bí thư thường trực Huyện ủy Nhơn Trạch Nguyễn Hữu Nghị cho hay, Công ty TNHH Công nghệ điện tử nghe nhìn BOE Việt Nam và Công ty TNHH Action Composites đang là 2 ổ dịch lớn trên địa bàn huyện. Do để xảy ra dịch bệnh lây lan rộng trong công ty khi đang triển khai sản xuất “3 tại chỗ” nên 2 công ty này đã phải tạm ngưng sản xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh để tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch. Ngoài 2 công ty nói trên, trên địa bàn H.Nhơn Trạch còn có thêm hơn 40 DN “3 tại chỗ” đã xuất hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2, gây áp lực rất lớn lên công tác phòng, chống dịch bệnh của huyện.

* Yêu cầu tạm ngưng sản xuất nếu không đáp ứng yêu cầu

Theo Phó trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai Phạm Văn Cường, trong quá trình triển khai các phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”, Ban đã triển khai hướng dẫn các DN về bố trí nơi tạm lưu trú cho công nhân. Các khu vực bố trí tạm lưu trú phải đảm bảo điều kiện phòng cháy, chữa cháy, phương tiện, vật dụng phục vụ việc sinh hoạt cho NLĐ đáp ứng các tiêu chí phòng, chống dịch bệnh... Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cũng lưu ý các DN trước khi thực hiện phương án bố trí tạm lưu trú cho NLĐ phải đăng ký với Ban. Ban sẽ xem xét các điều kiện thực tế và tiến hành đăng ký cho DN được bố trí tạm lưu trú tại DN.

Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân lao động Công ty TNHH Changshin Việt Nam đang cư trú tại P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa. Ảnh: H.DUNG
Công ty TNHH Anh Nghĩa ANCL (H.Trảng Bom) trang bị máy sát khuẩn cho công nhân

Ngoài ra, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai yêu cầu các DN quan tâm chăm lo vấn đề ăn ở, sinh hoạt của NLĐ, không cho NLĐ ra khỏi công ty, khu tạm trú về địa phương. Khi cần thiết giải quyết NLĐ về địa phương, DN phải báo cáo với UBND thành phố, huyện, ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của địa phương cho ý kiến trước khi thực hiện.

Trước tình trạng xuất hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 tại DN và việc NLĐ tự ý rời khỏi DN khi phát hiện có ca nhiễm, mới đây, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đã gửi văn bản đến giám đốc các DN về xử lý NLĐ rời khỏi DN thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Trong đó, người đứng đầu DN hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu tự ý để NLĐ rời khỏi DN về địa phương làm lây lan dịch bệnh tại nơi cư trú, tùy theo mức độ có thể xử lý hình sự theo quy định.

Theo Bí thư Thành ủy Biên Hòa Võ Văn Chánh, nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trong các DN “3 tại chỗ” là do trước khi phê duyệt cho DN thực hiện phương án này, các cơ quan chức năng chưa kiểm soát kỹ dẫn đến để lọt F0 vào DN. Ngoài ra, chưa có phương án xử lý khi có ca F0 trong DN “3 tại chỗ” gây mất bình tĩnh. DN không biết cách quản lý NLĐ, chưa kịp thời báo cáo với địa phương, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai để vào cuộc xử lý.

Công ty Daikan Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) tổ chức phương án “3 tại chỗ” để sản xuất an toàn Trong ảnh: Công nhân Công ty Daikan Việt Nam tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình làm việc
Công ty Daikan Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) tổ chức phương án “3 tại chỗ” để sản xuất an toàn Trong ảnh: Công nhân Công ty Daikan Việt Nam tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình làm việc. Ảnh:K.Lộc

Chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Thị Giang Hương cho hay, qua kiểm tra ban đầu của các lực lượng chức năng huyện, các DN thực hiện “3 tại chỗ” không làm đúng các yêu cầu theo quy định. Có những DN không xét nghiệm test nhanh cho NLĐ, không đảm bảo chỗ ăn, ở cho NLĐ. Ở bên trong công ty, NLĐ không đeo khẩu trang, không giữ không cách khi tiếp xúc…

Trong buổi làm việc với H.Nhơn Trạch về công tác phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng chỉ đạo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai phải kiểm tra các DN trong KCN đã được cấp phép “3 tại chỗ”. Nếu DN nào không đáp ứng đủ điều kiện thì yêu cầu ngừng sản xuất. Sau đó test nhanh cho công nhân, ai có kết quả âm tính thì cho về khu nhà trọ. Tuyệt đối không cho bất kỳ công nhân nào tự ý ra vào KCN trừ các xe vận chuyển hàng hóa cho DN.

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, để bảo đảm sức khỏe, an toàn, thu nhập của NLĐ cũng như không để ảnh hưởng lớn đến tiến độ sản xuất, kinh doanh của DN, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đã chỉ đạo các DN đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch, kiểm soát tốt không để dịch bệnh lây lan vào KCN. Các DN cần có phương án sẵn sàng khi có trường hợp F0 để ứng phó kịp thời. Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đang phối hợp các sở, ngành đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện 3 phương án sản xuất cho NLĐ và công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại DN.

Hạnh Dung - Nguyễn Hòa

Tin xem nhiều