Báo Đồng Nai điện tử
En

Ứng dụng công nghệ trong bán lẻ, tiêu dùng

04:06, 21/06/2021

Những năm gần đây, ngành bán lẻ ở Việt Nam ngày càng bắt nhịp được với xu thế của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, áp dụng nhiều ứng dụng, công nghệ mới vào phân phối và tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay...

Những năm gần đây, ngành bán lẻ ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng ngày càng bắt nhịp được với xu thế của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, áp dụng nhiều ứng dụng, công nghệ mới vào phân phối và tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay.

Đồ họa thể hiện tỷ lệ tăng trưởng giao dịch thông qua các kênh: internet, điện thoại di động, QR code theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tính đến cuối tháng 4-2021 so với cùng kỳ năm 2020 (Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện tỷ lệ tăng trưởng giao dịch thông qua các kênh: internet, điện thoại di động, QR code theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tính đến cuối tháng 4-2021 so với cùng kỳ năm 2020 (Đồ họa: Hải Quân)

* Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Hiện nay, cơ sở hạ tầng cho việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được đầu tư nhiều hơn, từ siêu thị, nhà hàng, đến các trang mua sắm điện tử… đều khuyến khích người dùng hạn chế tiền mặt khi thanh toán các dịch vụ như: máy POS (hỗ trợ ATM thanh toán tiền hóa đơn/dịch vụ hàng hóa), ví điện tử, thẻ tín dụng…

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, qua 3 năm thực hiện đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội của Chính phủ, hoạt động thanh toán các dịch vụ công trong dân cư trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Nhiều công ty, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ... đã mở rộng các hình thức thanh toán như: hỗ trợ thanh toán bằng thẻ của hầu hết các ngân hàng, áp dụng các ứng dụng thanh toán tiêu dùng thông qua các ứng dụng tích hợp trong điện thoại thông minh...

Ông Trang Phúc, phụ trách bộ phận thu ngân Co.opmart Biên Hòa cho biết, hiện nay siêu thị đã bố trí máy quẹt thẻ máy POS tại tất cả các quầy tính tiền để hỗ trợ khách hàng sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ của tất cả các ngân hàng. Bên cạnh đó, Co.opmart Biên Hòa còn triển khai 23 thiết bị thanh toán bằng ví điện tử Momo tại các quầy thu ngân.

Hiện tỷ lệ giao dịch bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng, đặc biệt là dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều thời điểm tỷ lệ khách hàng thanh toán bằng các hình thức này chiếm hơn 30% tổng lượt thanh toán tại siêu thị.

Theo đại diện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, khách hàng trong độ tuổi từ 25-45 và khách hàng là cơ quan, tổ chức là các nhóm khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, ví điện tử phổ biến nhất.

Tính đến cuối năm 2020, đã có 97% giao dịch thu tiền điện thực hiện qua ngân hàng, 98% các giao dịch thu ngân sách được thực hiện qua ngân hàng, 100% công ty về dịch vụ cấp nước chấp nhận thanh toán qua ngân hàng và các ví điện tử…

Chị Quỳnh Anh (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, tôi thường xuyên sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử như: internet banking và ví điện tử liên kết với tài khoản ngân hàng là Momo, VNPay để thanh toán giao dịch tại các siêu thị, cửa hàng ăn uống, dịch vụ giao hàng trực tuyến... Các ứng dụng thường có nhiều mã ưu đãi, khuyến mãi, đồng thời việc thanh toán này hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp, giảm nguy cơ lây nhiễm trong giai đoạn dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay”.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối tháng 4-2021, có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. Toàn thị trường hiện có khoảng hơn 271 ngàn máy POS và hơn 19 ngàn máy ATM.

So với cùng kỳ năm 2020, giao dịch qua kênh internet tăng tương ứng 65,9% về số lượng và 31,2% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 86,3% về số lượng và 123,1% về giá trị; giao dịch qua kênh QR code tăng tương ứng 95,7% về số lượng và 181,5% về giá trị.

Vào tháng 3-2021, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Theo nhiều chuyên gia, Mobile Money được kỳ vọng sẽ làm xuất hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế số, những công ty khởi nghiệp công nghệ.

Ngoài ra, việc Chính phủ đồng ý triển khai thí điểm Mobile Money sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân khi chi tiêu mua sắm những sản phẩm có giá trị nhỏ, mang lại lợi ích thiết thực góp phần thuyết phục nhiều người sử dụng hơn, tạo sức lan tỏa ngày càng lớn trong việc hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.

* Tích hợp các ứng dụng mua sắm trực tuyến

Dịch Covid-19 mở ra gợi ý về các kênh tiếp cận khách hàng, cũng như là dịp để các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ phân tích kỹ hơn những việc cần làm trong xu hướng công nghệ, chuyển đổi số ngày càng phát triển. Khoảng hơn 1 năm trở lại, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi đã triển khai nhiều hình thức, dịch vụ “đi chợ trực tuyến” và được khách hàng đón nhận khá tốt.

Người tiêu dùng thanh toán bằng ví điện tử khi mua sắm tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: H.Quân
Người tiêu dùng thanh toán bằng ví điện tử khi mua sắm tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: H.Quân

Theo đó, khách hàng có thể lựa chọn các mặt hàng cần mua qua kênh đăng ký mua hàng trực tuyến của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi…, tiếp đến nhân viên của siêu thị, cửa hàng sẽ lựa chọn những sản phẩm theo giỏ hàng mà khách hàng đặt. Sau đó, khách hàng chỉ cần đến nhận hàng hóa cần mua tại siêu thị hoặc chọn giao hàng tận nhà rồi thanh toán hóa đơn bằng nhiều hình thức đa dạng.

Đặc biệt, thời gian gần đây, nổi bật lên các ứng dụng mua sắm online trên điện thoại thông minh, máy tính bảng… giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn sản phẩm cần mua, thanh toán trực tuyến chỉ bằng một vài thao tác đơn giản, nhanh gọn. Xu hướng này càng có nhiều điều kiện phát triển, nhân rộng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và thói quen tiêu dùng của người dân có nhiều thay đổi.

Ông Nguyễn Lê Cao Tuấn, Giám đốc Lotte Mart Đồng Nai cho biết, siêu thị đang triển khai các hình thức đặt hàng qua điện thoại, ứng dụng mua hàng Speed L của Lotte Mart trên điện thoại thông minh… Lượng khách phần lớn là các đơn vị, doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trong khu vực. Siêu thị miễn phí giao hàng trong bán kính 10km tùy vào giá trị hóa đơn.

Tương tự, tại Co.opmart Biên Hòa, siêu thị đang triển khai dịch vụ “đi chợ trực tuyến” qua điện thoại, Zalo, đặc biệt là hình thức đặt hàng thông qua ứng dụng Saigon Co.op. Đại diện siêu thị này cho biết, nhu cầu đặt hàng qua các hình thức trực tuyến nói chung và ứng dụng Saigon Co.op nói riêng của siêu thị tăng khá nhiều trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp thời gian qua, trong đó “giỏ hàng” về thực phẩm, mặt hàng thiết yếu được nhiều khách hàng đặt trực tuyến.

Dịch Covid-19 đã làm thay đổi khá nhiều thói quen, thị hiếu mua sắm của người tiêu dùng. Nhiều cửa hàng về dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện đẩy mạnh các hình thức đặt hàng, thanh toán trực tuyến thông qua việc kết hợp với một số ứng dụng giao đồ ăn như: Baemin, Now, Loship... đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, mã giảm giá để tăng lượng tương tác, cũng như giảm bớt tình trạng ế ẩm, sụt giảm doanh thu do tình hình dịch bệnh phức tạp.

Ông Huỳnh Thanh Vạn, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, một tổ chức của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, dịch bệnh Covid-19 còn diễn tiến phức tạp, khó lường, do đó, các doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng bán lẻ, dịch vụ cần có sự chuẩn bị, kịch bản ứng phó trước những rủi ro và chủ động đổi mới sáng tạo, tái cấu trúc kinh doanh mới có thể tồn tại, phát triển. Trong đó, ứng dụng công nghệ là yếu tố vô cùng quan trọng để các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ, dịch vụ… nâng cao sức cạnh tranh, tạo ra dấu ấn riêng và bắt kịp những xu hướng tiêu dùng, bán lẻ hiện đại.              

Hải Quân

Tin xem nhiều