Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy mạnh các phương án hỗ trợ doanh nghiệp

04:05, 07/05/2021

Khi nền kinh tế và doanh nghiệp đang phục hồi, thì tình trạng tái bùng phát dịch Covid-19 lại diễn ra tại nhiều nước, đặc biệt là các quốc gia lân cận Việt Nam...

Khi nền kinh tế và doanh nghiệp (DN) đang phục hồi thì hiện tại tình trạng tái bùng phát dịch Covid-19 lại diễn ra tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia lân cận Việt Nam.

Sản xuất tại Công ty TNHH Tân Seiko (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.Gia
Sản xuất tại Công ty TNHH Tân Seiko (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.Gia

Điều này đòi hỏi cả nước cũng như mỗi DN phải tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh. Do đó, cần có thêm các chương trình hỗ trợ về tín dụng, thuế… để tháo gỡ khó khăn của DN, cũng như tăng cường các hoạt động kết nối, liên kết giữa cộng đồng DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp…

* Chú trọng hỗ trợ thực chất

Theo đại diện nhiều ngân hàng thương mại trong tỉnh, trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai rà soát, xây dựng kế hoạch giãn nợ, giảm lãi suất vay vốn… theo quy định cho các trường hợp khách hàng, DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là những DN nhỏ và vừa, DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông nghiệp, du lịch, vận tải…

Ông Vũ Đức Quang, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Biên Hòa chia sẻ, trong thời gian tới, chi nhánh sẽ chủ động cập nhật những thông tư, quy định mới về các gói hỗ trợ tín dụng cho DN, trong đó sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo đúng chủ trương, quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.

Tương tự, đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Biên Hòa cho hay, chi nhánh sẽ tiếp tục tập trung nguồn vốn các lĩnh vực ưu tiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, DN nhỏ và vừa… Đồng thời, sẽ tiếp tục triển khai các chương trình giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng đối với những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 đảm bảo các tiêu chí, điều kiện vay vốn, hồ sơ liên quan… theo đúng quy định.

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình trên địa bàn, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và có các biện pháp chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong tỉnh kịp thời hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch nhằm góp phần giảm thiểu thiệt hại do tác động của dịch Covid-19 gây ra.

Đặc biệt, khi Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 có hiệu lực, đơn vị sẽ tăng cường rà soát, đảm bảo mục tiêu hỗ trợ đúng đối tượng, không để lợi dụng chính sách trục lợi, gây rủi ro cho hệ thống các tổ chức tín dụng. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện, góp phần hỗ trợ DN, người dân vượt qua những khó khăn, tác động từ dịch Covid-19...

* Nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh

Hỗ trợ tín dụng là một yêu cầu cấp thiết song đó không phải là mục tiêu lâu dài mà DN mong muốn. Vấn đề là cùng với những hỗ trợ trước mắt thì cộng đồng DN cần các cam kết mạnh mẽ hơn đối với môi trường kinh doanh, đây là giải pháp lâu dài, bền vững giúp DN phát triển.

Ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai chia sẻ, từ sự nỗ lực chung của cộng đồng DN và hỗ trợ từ Nhà nước mà thời gian qua, sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế cũng như bản thân từng DN mới có thể tồn tại và vượt qua được thách thức.

Giai đoạn này là khoảng thời gian chứng tỏ năng lực và bản lĩnh của DN trước những khó khăn tiếp theo có thể ập đến. Ngoài các giải pháp đến từ Nhà nước, khi đã vượt qua khó khăn giai đoạn đầu thì sự ứng biến của DN cũng có nhiều kinh nghiệm hơn. Về phương diện điều hành của chính quyền, ông Điềm tin tưởng rằng địa phương sẽ tiếp tục có những biện pháp để hỗ trợ cộng đồng DN.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, cộng đồng DN đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ vững ổn định kinh tế địa phương, tạo việc làm cho người lao động. Năm 2021, Đồng Nai đặt mục tiêu tăng trưởng 8,5%. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao trong bối cảnh vẫn còn dịch bệnh, đòi hỏi công tác phòng, chống dịch phải được ưu tiên hàng đầu, từ đó duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, hạn chế tối đa tác động đến nền kinh tế.

Cùng với sự nỗ lực của DN, lãnh đạo tỉnh khẳng định sẽ tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở phát triển, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó, trách nhiệm của các sở, ngành là phải thường xuyên rà soát các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật, đặc biệt trong các lĩnh vực thuế, đất đai, đầu tư xây dựng, thương mại… Về lâu dài, tỉnh sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu cho hàng hóa địa phương.

Văn Gia - Hoàng Hải

Tin xem nhiều