Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ hội xuất khẩu nông sản từ những FTA thế hệ mới

04:05, 10/05/2021

Những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)… sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho hàng hóa Việt Nam, trong đó có mặt hàng nông sản.

Những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)… sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho hàng hóa Việt Nam, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản.

Đồ họa thể hiện số lượng các chuỗi liên kết trong các lĩnh vực: chăn nuôi, thủy sản,  trồng trọt và cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh hiện nay (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện số lượng các chuỗi liên kết trong các lĩnh vực: chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt và cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh hiện nay (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

Đồng Nai đang đẩy mạnh nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, nông dân trên địa bàn tỉnh mở rộng đa dạng các kênh tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh kết nối giao thương, tìm hướng nâng cao công nghệ chế biến, bảo quản nông sản theo hướng hiện đại… Mục tiêu nhằm thúc đẩy liên kết các chuỗi giá trị nông sản và tận dụng, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu từ các FTA thế hệ mới.

* Nhiều thách thức

Ngành Nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như: dịch tả heo châu Phi, biến đổi khí hậu, thị trường nhiều mặt hàng nông sản có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn… Đặc biệt, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản.

Cơ hội của các FTA được mở rộng với nhiều thách thức được đặt ra. Chỉ ra những khó khăn, thách thức, bà Đặng Thị Thanh Phương, Phó trưởng phòng Trung Quốc, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) nhận xét, thời gian qua, các mặt hàng rau củ, trái cây của Việt Nam được xuất khẩu đến 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng vẫn đang tồn tại nghịch lý là ngành hàng này còn phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc với hơn 73% tổng giá trị xuất khẩu. Lượng rau củ, trái cây Việt Nam xuất khẩu vào hàng loạt nước còn lại chiếm tỷ lệ rất ít, mỗi nước mới chỉ có vài mặt hàng như: xoài, thanh long, nhãn, vải, sầu riêng... Ngay cả thị trường Trung Quốc, phần lớn nông sản, trái cây Việt Nam cũng xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Những FTA thế hệ mới mang lại triển vọng lớn cho xuất khẩu nông sản nhưng thị trường Á - Âu cũng đang ngày càng trở nên khó tính vì nhiều quốc gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật. “Để tham gia vào thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp, HTX, trang trại phải đáp ứng hàng loạt các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm…” - bà Phương nói.

Đồng Nai hiện có trên 170 ngàn ha cây lâu năm. Trong đó, diện tích cây công nghiệp đạt gần 98,8 ngàn ha tập trung vào các nông sản có thế mạnh xuất khẩu như: điều, tiêu, cà phê, cao su… Diện tích cây ăn trái lâu năm đạt gần 70 ngàn ha với nhiều cây ăn trái có thế mạnh về xuất khẩu như: mít, chuối, xoài, sầu riêng, thanh long… Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu nông sản, đặc biệt là mặt hàng rau, quả của tỉnh vẫn chưa xứng với tiềm năng.

Cùng quan điểm, TS Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, yêu cầu khắt khe và chuyển biến mới của thị trường Á - Âu đòi hỏi doanh nghiệp, HTX, nông dân phải thay đổi từ cái gốc sản xuất. Ở đây cần áp dụng các quy trình tiên tiến vào sản xuất thông qua việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng và xây dựng hệ thống quản lý sản xuất để có thể tạo ra sản phẩm có chất lượng, an toàn, gia tăng giá trị cho sản phẩm; vượt qua các rào cản phi thuế quan cũng như đáp ứng được yêu cầu của nhà  nhập khẩu và thị trường.

Cùng với việc mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ các thành viên, hàng hóa, nông sản trong nước chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn ngay tại thị trường nội địa. Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước với các sản phẩm thế mạnh là heo, gia cầm. Tuy nhiên, những sản phẩm thế mạnh này đang gặp sức ép cạnh tranh rất lớn với hàng nhập khẩu.

Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ so sánh, thời gian qua, liên tục xảy ra tình trạng giá gà công nghiệp và nhiều mặt hàng gia cầm khác bán ra thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Nhiều chủ trại nuôi gà công nghiệp lỗ tiền tỷ, thậm chí phá sản. Trong đó có một nguyên nhân rất lớn là do gà ngoại giá rẻ vẫn được nhập khẩu về ồ ạt khiến giá gia cầm thường rơi vào cảnh "dội chợ", khó ổn định được đầu ra để người chăn nuôi yên tâm đầu tư.

* Mở ra nhiều cơ hội mới

Các FTA thế hệ mới mở ra cơ hội mới, đặt Việt Nam trước một sân chơi mới với những thay đổi mang tính chiến lược nhằm nâng cao khả năng hợp tác kinh tế, gỡ bỏ những rào cản thuế quan trước đây từng cản trở quá trình giao thương giữa các quốc gia. Các FTA thế hệ mới sẽ giúp Việt Nam được hưởng ưu đãi nhiều hơn về thuế quan, phi thuế quan, đồng thời có điều kiện cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, tránh phụ thuộc quá mức vào thị trường nào đó.

Cụ thể, với CPTPP, hàng loạt nông sản xuất khẩu của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam sẽ được giảm thuế như: tại thị trường Canada, Việt Nam đạt được thỏa thuận 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan; được xóa bỏ thuế quan 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản, 91% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 97% kim ngạch xuất khẩu gỗ tại thị trường Nhật Bản; Chile sẽ xóa bỏ thuế đối với hầu hết các mặt hàng nông sản, thủy sản có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam…

Đồng Nai đang đẩy mạnh nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, nâng cao công nghệ chế biến, bảo quản nông sản theo hướng hiện đại... Trong ảnh: Sản xuất chế biến hạt điều ở TP.Long Khánh. Ảnh: KHÁNH HƯNG
Đồng Nai đang đẩy mạnh nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, nâng cao công nghệ chế biến, bảo quản nông sản theo hướng hiện đại... Trong ảnh: Sản xuất chế biến hạt điều ở TP.Long Khánh. Ảnh: KHÁNH HƯNG

Dự kiến sau khi có hiệu lực EVFTA sẽ giúp 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7-10 năm. Ðây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã ký. Ðáng lưu ý, nhiều mặt hàng như: cà phê, hồ tiêu, mật ong tự nhiên, các sản phẩm rau, củ quả… được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định này có hiệu lực.

Một cơ hội khác lớn hơn mở rộng thương mại là hoạt động đầu tư xuyên quốc gia đi kèm với khoa học - công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng lao động. Khi đã ký CPTPP, một số nước không có lợi thế về nông nghiệp có thể sẽ chuyển nguồn đầu tư sang Việt Nam. Khi có đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, điều quan trọng nhất là nền nông nghiệp Việt Nam sẽ hấp thụ khoa học kỹ thuật mới, thay đổi cách làm truyền thống, nâng cao hiệu quả.

Ông Jos Leeters, Giám đốc Công ty Bureau Leeters (Hà Lan) đánh giá, Liên minh châu Âu hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và tiềm năng của thị trường này vẫn còn rất lớn nhưng cũng hết sức cạnh tranh. Nông sản Việt Nam phải chủ động tiếp cận thị trường còn giàu tiềm năng này nhất là sau khi EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa EU và Việt Nam được ký kết. Đây sẽ là những cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Hiệp định cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị cũng như mạng lưới sản xuất toàn cầu.

* Nhạy bén để nắm thời cơ

Những cơ hội này đang được nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn Đồng Nai tiếp cận để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) chia sẻ, thị trường xuất nhập khẩu ca cao của thế giới đều tập trung vào sản phẩm chính là hạt ca cao, bột ca cao. Ngoài những dòng sản phẩm trên, doanh nghiệp đang hợp tác với nhóm các phó giáo sư, tiến sĩ của Trường đại học Quốc tế TP.HCM thực hiện những đề tài nghiên cứu như: quy trình sản xuất bánh cookie và mì ăn liền không chiên bổ sung bột vỏ quả ca cao; quy trình sản xuất xúc xích chay và pectin từ bột quả ca cao; quy trình sản xuất nước uống dinh dưỡng từ thịt quả ca cao…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (phải) thăm HTX Lâm San (H.Cẩm Mỹ), HTX đang xuất khẩu tốt sản phẩm hồ tiêu sạch vào thị trường châu Âu
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (phải) thăm HTX Lâm San (H.Cẩm Mỹ), HTX đang xuất khẩu tốt sản phẩm hồ tiêu sạch vào thị trường châu Âu. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Điểm nổi bật của các đề tài này là sử dụng các nguyên liệu là chất phế thải từ vỏ trái, thịt trái ca cao để chế biến ra những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Ca cao nằm trong tốp cây trồng có lợi thế xuất khẩu sau hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết. “Doanh nghiệp rất quan tâm đầu tư quy trình sản xuất, chế biến khép kín vừa sạch, vừa xanh trong đó các phế phẩm từ trái ca cao được đưa thành nguyên liệu chế biến để tạo ra các dòng sản phẩm mới có giá trị cao, góp phần đưa các sản phẩm từ cây ca cao của Việt Nam vươn ra thế giới với tầm cao mới” - ông Khanh chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) nhấn mạnh, HTX đã xuất khẩu thành công mặt hàng chuối tươi vào thị trường châu Âu. Nhu cầu tiêu thụ chuối của thị trường châu Âu được dự báo sẽ tăng cao trong 7 năm tới và sẽ chiếm đến 31% thị trường nhập khẩu chuối trên toàn cầu. Đây là động lực để HTX nỗ lực đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chuối vào thị trường này vì vùng nguyên liệu chuối của HTX đã đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu. Ngoài mặt hàng chuối tươi, HTX đang đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều