Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai chuẩn bị tiêm vaccine phòng Covid-19

03:04, 13/04/2021

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạch Thái Bình cho biết, trong tuần này, vaccine phòng Covid-19 sẽ được Bộ Y tế phân bổ cho Đồng Nai 16,8 ngàn liều và Đồng Nai dự kiến đến cuối tháng 4 sẽ bắt đầu triển khai tiêm vaccine...

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạch Thái Bình. Ảnh: H.DUNG
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạch Thái Bình. Ảnh: H.DUNG

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạch Thái Bình cho biết, dự kiến trong tuần này, vaccine phòng Covid-19 sẽ được Bộ Y tế phân bổ cho Đồng Nai với 16,8 ngàn liều. Dự kiến đến cuối tháng 4, Đồng Nai sẽ bắt đầu triển khai tiêm vaccine và hoàn thành tiêm đợt 1 trong tháng 4-2021.

Những đối tượng được ưu tiên tiêm đợt 1

* Vậy từ nay đến khi tiêm vaccine, công tác chuẩn bị của ngành Y tế như thế nào, thưa ông?

- Trong thời gian chờ đợi vaccine được phân bổ về tỉnh, ngành Y tế sẽ dành khoảng 3-7 ngày để tổ chức tập huấn cho những người liên quan từ tỉnh đến xã. Đồng thời, chốt danh sách đối tượng tiêm trong đợt này, lên kế hoạch cung ứng vaccine cho từng cơ sở. Sau đó, cần thêm khoảng 3 ngày nữa để các cơ sở tiêm chủng chuẩn bị tất cả những điều kiện, cơ sở vật chất, vật tư hóa chất liên quan, phát giấy mời cho những người thuộc diện ưu tiên tiêm chủng đợt này, in ấn những tờ khám sàng lọc, giấy cam kết… để phục vụ cho công tác tiêm chủng.

* Những ai sẽ được tiêm vaccine phòng Covid-19 trong đợt đầu tiên?

- Tỉnh Đồng Nai được phân bổ 16,8 ngàn liều. Mặc dù số lượng liều vaccine được phân bổ lớn hơn so với nhiều tỉnh khác trong cả nước nhưng so với nhu cầu thực tế của tỉnh còn khá thấp. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang xây dựng danh sách đối tượng tiêm vaccine, tập trung cho những người trực tiếp tham gia phòng chống dịch từ xã đến tỉnh.

Kết quả thống kê cho thấy, toàn tỉnh có hơn 2,1 triệu người từ 18 tuổi trở lên. Theo dự thảo kế hoạch tổng thể tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 của tỉnh, Đồng Nai hướng tới mục tiêu 85% người dân trong diện tiêm chủng (từ 18 tuổi trở lên) sẽ được tiêm chủng đầy đủ. Trước mắt, khi lượng vaccine còn hạn chế, mỗi người sẽ được tiêm 2 mũi vaccine. Mỗi mũi cách nhau 3 tháng.

Cụ thể, ở tuyến xã sẽ bao gồm: những người trong ban chỉ đạo phòng chống dịch, các lực lượng trực tiếp tham gia điều tra ca nhiễm bệnh, ca nghi ngờ, tham gia quản lý người cách ly tại nhà (gồm cán bộ y tế xã, công an khu vực, công an xã, cán bộ ấp, cộng tác viên y tế).

Ở tuyến huyện bao gồm: lực lượng công an, quân đội phục vụ trong các khu cách ly tập trung, các đối tượng tham gia điều tra, phối hợp điều tra những đối tượng cách ly ở cơ sở; lực lượng y tế trực tiếp tham gia phòng chống dịch (gồm cán bộ xét nghiệm, cán bộ điều trị trong các khoa nhiễm của trung tâm y tế, bệnh viện).

Ở tuyến tỉnh bao gồm tất cả cán bộ, nhân viên phục vụ trong các khu cách ly, tất cả cán bộ, nhân viên y tế đang làm việc tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai. Đối với các bệnh viện đa khoa sẽ bao gồm cán bộ, nhân viên xét nghiệm, nhân viên làm nhiệm vụ điều trị, chăm sóc bệnh nhân trong khoa nhiễm.

Ngoài ra còn bao gồm: các thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh có nhiệm vụ đi kiểm tra, giám sát cơ sở; lực lượng công an quản lý trật tự xã hội, công an làm việc ở phòng xuất nhập cảnh; các cán bộ cảng vụ, hải quan; phóng viên trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch.

Sở Y tế tổ chức tập huấn triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 1 cho 127 cán bộ, nhân viên y tế, bác sĩ. Ảnh: H.DUNG
Sở Y tế tổ chức tập huấn triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 1 cho 127 cán bộ, nhân viên y tế, bác sĩ. Ảnh: H.DUNG

Căn cứ vào Nghị quyết 21 của Chính phủ, toàn tỉnh có hơn 500 ngàn người thuộc 9 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm miễn phí vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, ở đợt đầu tiên này, chúng ta chỉ có 16,8 ngàn liều vaccine nên sẽ ưu tiên tiêm cho những người có nguy cơ từ cao xuống thấp.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ lập danh sách và trình lên Sở Y tế, UBND tỉnh phê duyệt để triển khai tiêm khi vaccine về.

Vaccine có mức độ an toàn cao

* Xin ông cho biết tính an toàn của vaccine phòng Covid-19 AstraZeneca mà tỉnh sẽ triển khai tiêm đợt này?

- Yêu cầu tối thượng trong công tác tiêm chủng dù với bất kỳ loại vaccine nào cũng phải an toàn. Do đó, tất cả các khâu trong quy trình tiêm chủng phải đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt theo quy định của Bộ Y tế. Vaccine phòng Covid-19 là loại vaccine mới. Tuy nhiên, để được đưa vào sử dụng, vaccine này cũng đã phải trải qua tất cả các quy trình kiểm duyệt theo quy định. Mặc dù các hãng vaccine được phép rút ngắn thời gian so với các loại vaccine khác nhưng về các bước thử nghiệm thì không thay đổi. Vaccine AstraZeneca được đưa vào Việt Nam là loại vaccine được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng. Việt Nam cũng không phải là nước đầu tiên tiến hành tiêm loại vaccine này.

Khi nhập vaccine AstraZeneca vào Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã thực hiện các bước kiểm định theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, vaccine này đảm bảo đầy đủ các yêu cầu giống như các vaccine khác. Trước đây có một số quốc gia tạm thời ngưng tiêm vaccine AstraZeneca nhưng đến nay hầu hết các quốc gia đã tiếp tục đưa vào tiêm vaccine này.

* Những tác dụng phụ của vaccine có đáng để người dân bận tâm không?

- Không riêng thuốc hay vaccine mà bất cứ thứ gì khi đưa vào cơ thể con người đều có một tỷ lệ không tương thích nhất định. Những tác dụng không mong muốn khi tiêm vaccine là luôn có nhưng ở mức độ thấp, không đáng kể so với số người được sử dụng vaccine. Đến nay, mức độ an toàn đối với vaccine AstraZeneca rất cao. Tại Việt Nam, qua đợt 1 tiêm vaccine này (từ ngày 8-3 đến 8-4) đã có hơn 55 ngàn người tại 19 tỉnh, thành phố được tiêm. Kết quả rà soát có khoảng 1‰ trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm, được xử trí đúng theo quy định, sức khỏe của những người này đều đã ổn định, trở lại đi làm sau 1-2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế. Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào đông máu và huyết khối xảy ra sau tiêm chủng.

Trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, chúng ta sẽ tiêm cho một số lượng người rất lớn trong một thời gian ngắn. Do đó, tích lũy số người bị phản ứng phụ sẽ nhiều hơn so với các chiến dịch tiêm chủng trước kia khi tiêm cho ít người trong thời gian dài. Do đó, người dân không nên quá lo lắng về những tác dụng phụ của vaccine AstraZeneca.

Những người thuộc diện tiêm chủng sẽ được sàng lọc sức khỏe kỹ lưỡng trước khi tiêm. Ảnh: H.DUNG
Những người thuộc diện tiêm chủng sẽ được sàng lọc sức khỏe kỹ lưỡng trước khi tiêm. Ảnh: H.DUNG

* Những cơ sở nào sẽ tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trong đợt đầu tiên, thưa ông?

- Do số lượng vaccine không nhiều nên ở đợt tiêm đầu tiên, Đồng Nai chỉ triển khai tiêm vaccine tại các điểm tiêm chủng trong hệ thống y tế công lập, bao gồm trạm y tế của 170 xã, phường, thị trấn đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng; các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện; các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh.

Dự kiến, mỗi xã, phường, thị trấn sẽ được cấp phát vài trăm liều vaccine, tiến hành tiêm trong vòng 2-3 ngày. Các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện sẽ tiêm cho cán bộ, nhân viên của các phòng, ban cấp huyện. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa sẽ tiêm vaccine cho khối tuyến tỉnh và Bệnh viện Phổi Đồng Nai.

Những đối tượng được tiêm đợt này chủ yếu là những cán bộ, nhân viên khối nhà nước được giao nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19, một số cơ quan nhà nước có nguy cơ cao như tiếp xúc với người nước ngoài, người nhập cảnh… Do đó, chúng tôi đang đẩy mạnh tuyên truyền để những đối tượng thuộc diện tiêm vaccine đợt này hiểu rõ và thực hiện đúng quy định.

* Ngành Y tế đã tiến hành tập huấn cho những người thực hiện nhiệm vụ tiêm chủng ra sao?

- Chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 sẽ kéo dài ít nhất từ năm 2021 đến năm 2022. Dự kiến sẽ có nhiều loại vaccine phòng Covid-19 khác nhau được đưa vào sử dụng chứ không riêng gì vaccine AstraZeneca.

Sở Y tế vừa tổ chức lớp tập huấn tổng thể về triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các lãnh đạo, những người trực tiếp tham gia vào quy trình triển khai tiêm vaccine tại các cơ sở tiêm chủng, cán bộ về dược liên quan đến bảo quản vaccine, nhân viên, bác sĩ khoa hồi sức cấp cứu của các bệnh viện liên quan đến xử lý sốc phản vệ. Nội dung tập huấn bao gồm: hoạt động tổ chức tiêm chủng vaccine, kỹ năng khám sàng lọc, xử trí phản vệ và bảo quản, vận chuyển vaccine, thống kê, báo cáo. Sau khi tập huấn tuyến tỉnh, các cán bộ, nhân viên ở tuyến huyện sẽ tiếp tục triển khai tập huấn đến từng cán bộ, nhân viên ở tuyến dưới để tất cả những người có nhiệm vụ liên quan cùng nắm chắc những yêu cầu trong công tác tiêm chủng, đảm bảo an toàn tiêm chủng ở mức cao nhất. Những đợt tiếp theo, nếu có thêm các loại vaccine mới hoặc có điều chỉnh của Bộ Y tế, Sở Y tế sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn khác cho cán bộ, nhân viên y tế.

* Xin cảm ơn ông!

Hạnh Dung (thực hiện)

Tin xem nhiều