Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng, chống cháy rừng là trách nhiệm của mọi người

11:03, 12/03/2021

Bước vào cao điểm mùa khô, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi xung quanh công tác phòng, chống cháy rừng...

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi. Ảnh: B.NGUYÊN
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi. Ảnh: B.NGUYÊN

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai xung quanh công tác phòng, chống cháy rừng vào cao điểm mùa khô, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi cho biết:

- Theo dự báo, mùa khô năm 2021, thời tiết và tình trạng khô hạn sẽ không quá cực đoan như mùa khô năm 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết trong mùa khô tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực H.Xuân Lộc tiếp giáp với tỉnh Bình Thuận - cực Nam Trung bộ, mùa khô có thể kéo dài và nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ trung bình trong mùa khô cao làm tăng quá trình khô kiệt của vật liệu cháy, làm nóng và khô nhanh mặt đất khiến nguồn vật liệu cháy tích tụ trong rừng rất dễ bắt lửa. Nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn ở mức cực kỳ nguy hiểm trong suốt mùa khô.

 Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cháy rừng là gì, thưa ông?

- Đồng Nai có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn với hơn 200 ngàn ha. Rừng tự nhiên có rừng hỗn giao lồ ô - gỗ và rừng tre nứa thuần loài, vật liệu cháy trong các loại rừng này là rất lớn, nguy cơ cháy cao. Rừng trồng phần lớn là các diện tích rừng trồng phòng hộ và rừng sản xuất, chủ yếu là các loại cây keo lá tràm, keo lai, tếch, sao, dầu, gõ đỏ, gõ mật… Các khu vực này phân bố gần và xen kẽ với các khu dân cư, thực bì vào mùa khô nhiều nên tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Mặt khác, dân cư sống trong rừng và ven rừng chủ yếu sinh sống bằng canh tác nương rẫy, việc sử dụng lửa để đốt dọn nương rẫy và các vật liệu phế phẩm nông nghiệp còn tùy tiện...

 Theo ông, có những khó khăn, hạn chế gì trong phòng, chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh?

- Khó khăn lớn nhất là ý thức về bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng của một bộ phận nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc sống trong rừng và ven rừng còn hạn chế, trình độ dân trí thấp, không đồng đều dẫn đến việc chấp hành các quy định về bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng chưa nghiêm. Chưa có lực lượng và phương tiện chữa cháy rừng chuyên nghiệp vì lực lượng thường trực hiện nay chủ yếu là đội kiểm lâm cơ động và phòng chống, cháy rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm với biên chế mỏng, chưa được đào tạo chính quy về nghiệp vụ chữa cháy rừng. Kinh phí cho công tác phòng, chống cháy rừng chưa đảm bảo cho việc trang bị những dụng cụ phương tiện có thể dập tắt những đám cháy lớn. Phần lớn các vụ cháy tuy xác định được nguyên nhân gây cháy nhưng chưa truy tìm được thủ phạm để xử lý theo quy định của pháp luật, do vậy không có tác dụng răn đe, giáo dục trong cộng đồng...

 Hiện nay, cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong công tác phòng, chống cháy rừng thưa ông?

- Ngay từ đầu năm 2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh (Sở NN-PTNT) là cơ quan thường trực về phòng, chống cháy rừng đã xây dựng phương án phòng, chống cháy rừng mùa khô 2021. Mục tiêu của phương án là bảo vệ diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh, nâng cao khả năng kiểm soát cháy rừng và hiệu lực của công tác phòng, chống cháy rừng, giảm nguy cơ cháy rừng; chữa cháy kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng, phá rừng gây ra.

Cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc đang xử lý thực bì phòng chống cháy dưới các lô rừng keo lai
Cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc đang xử lý thực bì phòng chống cháy dưới các lô rừng keo lai (ảnh tư liệu)

Sở NN-PTNT cũng chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thành phố, các đội kiểm lâm cơ động và phòng, chống cháy tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng cho cộng đồng dân cư; chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng và xây dựng phương án chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương; xây dựng các công trình phòng, chống cháy rừng theo kế hoạch. Công tác dự báo, cảnh báo và phát hiện sớm đám cháy của lực lượng Kiểm lâm cũng được chú trọng. Trong thời gian cao điểm mùa khô hanh, ban chỉ đạo phòng chống cháy rừng cấp xã phân công thành viên thường trực 24/24 giờ trong ngày; tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác nghiêm ngặt tại các khu rừng dễ cháy; phát hiện kịp thời đám cháy, huy động mọi lực lượng, phương tiện tại địa phương để tham gia chữa cháy và trực tiếp chỉ huy chữa cháy rừng.

 Cháy rừng có tác hại như thế nào?

- Cháy rừng là thảm họa đối với nhân loại, không chỉ có tác hại nghiêm trọng đến môi trường mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội và sản xuất kinh doanh lâm nghiệp. Cháy rừng sẽ hủy diệt toàn bộ thực vật, sinh vật, vi sinh vật, làm thay đổi hoàn toàn tính chất lý, hóa của đất trên diện tích bị cháy. Việc phục hồi hệ sinh thái rừng như trạng thái ban đầu là rất khó khăn nếu không muốn nói là không thể.

Do đó, công tác phòng, chống cháy rừng luôn luôn cần được xem trọng. Tuy nhiên, đây không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, đơn vị chủ rừng hay Ban chỉ đạo phòng chống cháy rừng mà là của mọi người dân. Từng gia đình, từng cá nhân phải có ý thức cao trong bảo vệ rừng; tích cực tham gia phòng, chống cháy rừng bằng những việc làm thiết thực, đặc biệt không có các hành động gây nguy cơ cháy rừng như: bất cẩn trong dùng lửa, đốt dọn ven rừng, đốt đồi trọc lấy cỏ chăn nuôi, vào rừng đốt tổ ong lấy mật...

 Xin cảm ơn ông!

Bình Nguyên (thực hiện)

[links()]

 

Tin xem nhiều