Báo Đồng Nai điện tử
En

Quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ động vật

11:02, 22/02/2021

Định hướng phát triển mạng lưới các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn Đồng Nai là xây dựng được các cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn, hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Định hướng phát triển mạng lưới các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn Đồng Nai là xây dựng được các cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn, hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo đó, Đồng Nai đang tập trung dẹp bỏ nạn giết mổ lậu, giảm các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tự phát, phát triển theo chuỗi liên kết chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ.

Một lò mổ trái phép P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa (Đồng Nai) bị lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt. Ảnh: B.Nguyên
Một lò mổ trái phép P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa (Đồng Nai) bị lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt. Ảnh: B.Nguyên

[links()]* Cần xóa bỏ giết mổ động vật nhỏ lẻ, tự phát

Hiện trên địa bàn Đồng Nai tồn tại 3 loại hình cơ sở giết mổ động vật gồm: cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và điểm giết mổ trái phép. Theo báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm 9 tháng của năm 2020, toàn tỉnh phát hiện 96 cơ sở kinh doanh sản phẩm động vật chưa qua kiểm soát giết mổ. Tính đến tháng 6-2020, toàn tỉnh có 71 cơ sở, điểm giết mổ; trong đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng mới được 42 cơ sở giết mổ tập trung và còn 29 cơ sở giết mổ hoạt động tạm thời, chờ di dời vào cơ sở tập trung.

Qua thực tế quản lý, các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như gây ô nhiễm môi trường. Quan điểm xây dựng mạng lưới giết mổ của Đồng Nai trong giai đoạn mới sẽ xử lý nghiêm nạn giết mổ lậu, hạn chế đầu tư các điểm giết mổ nhỏ lẻ, tập trung xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn, đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường.

Thực tế, việc xử lý dứt điểm nạn giết mổ lậu vẫn là bài toán khó. Ông Nguyễn Đình Cương, Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất chỉ ra, điều quan trọng nhất của quy hoạch giết mổ tập trung là đưa các điểm giết mổ nhỏ lẻ vào quy hoạch, hạn chế nạn giết mổ lậu. Tuy nhiên, nhiều năm nay, hằng tháng địa phương đều tập trung công tác xử lý lò giết mổ lậu nhưng rất khó xử lý dứt điểm. Khó khăn chủ yếu là do chế tài xử lý còn quá nhiều kẽ hở, mức xử phạt chưa đủ răn đe.

* Phát triển chuỗi liên kết

Để giải bài toán khó về nạn giết mổ động vật lậu, giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Nguyễn Đình Cương cho biết thêm, việc xây dựng mạng lưới giết mổ tập trung, xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ, phân phối là rất cần thiết. Huyện rất quan tâm hỗ trợ kết nối để các cơ sở giết mổ tập trung cung cấp thịt an toàn vào các chợ truyền thống trên địa bàn. Ngoài ra, họ còn cung cấp cho các cơ sở chế biến giò, chả… từ đó dần xây dựng được các chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ.

Cùng quan điểm về phát triển chuỗi liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu (TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) góp ý, ngành Chăn nuôi muốn tồn tại và cạnh tranh tốt trong giai đoạn hội nhập hiện nay phải xây dựng được chuỗi liên kết chặt chẽ, lâu dài. Trong đó, muốn phát triển chăn nuôi sạch theo chuỗi “từ trang trại đến bàn ăn” thì việc dẹp bỏ nạn giết mổ lậu mang ý nghĩa quyết định. Bà Hương chia sẻ: “Nhiều năm qua, doanh nghiệp đã triển khai chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là thiếu nguồn vốn ưu đãi trong đầu tư. Mong Nhà nước có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư giết mổ động vật sạch”.     

Theo góp ý của Sở TN-MT về mạng lưới cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, việc bố trí các địa điểm giết mổ phải phù hợp với quy hoạch của địa phương. Ngoài ra, mạng lưới này phải đảm bảo các yêu cầu như: có khoảng cách an toàn với khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi thường xuyên tập trung đông người, quốc lộ, sông, suối, nguồn cung cấp nước sinh hoạt, trại chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm và các nguồn gây ô nhiễm. Với các cơ sở giết mổ đã đầu tư xây dựng và đang hoạt động, địa phương cần rà soát, xây dựng lộ trình tồn tại, di dời nếu không đảm bảo các điều kiện trên với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở tiếp tục hoạt động hoặc hạn chế thấp nhất thiệt hại cho cơ sở khi thuộc diện phải di dời.

    Lê Quyên

 

 

Tin xem nhiều