Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển nông nghiệp thời hội nhập: Tạo những kỳ tích mới

03:02, 18/02/2021

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh, các địa phương cần tập trung đầu tư hạ tầng để ngành Nông nghiệp tiếp tục vươn lên, tạo nên những kỳ tích mới trong giai đoạn hội nhập.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp trong năm 2021, năm khởi đầu của nhiệm kỳ mới 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh, các địa phương cần tập trung đầu tư hạ tầng để ngành Nông nghiệp tiếp tục vươn lên, tạo nên những kỳ tích mới trong giai đoạn hội nhập. Qua đó, tạo được động lực mới, khí thế mới, nhất là không để tư duy cũ tiếp tục tồn tại trong tái cơ cấu nông nghiệp.

Đồ họa thể hiện các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của Đồng Nai trong giai đoạn 2021-2025. (Thông tin: BÌnh Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của Đồng Nai trong giai đoạn 2021-2025. (Thông tin: BÌnh Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

[links()]Dựa vào định hướng trên, Đồng Nai cũng đặt ra nhiều mục tiêu đột phá trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ cao để sản xuất theo chuẩn xuất khẩu với quy mô hàng hóa lớn, gắn với thị trường tiêu thụ và công nghiệp chế biến sâu để tăng sức cạnh tranh của nông sản trong hội nhập, hướng đến phát triển bền vững.

* Bối cảnh mới, nỗ lực mới

Trong năm 2020, ngành Nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước tình hình dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi vẫn gây thiệt hại lớn cho sản xuất. Dịch Covid-19 đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến thị trường tiêu thụ của nông sản.

Giai đoạn mới, ngành Nông nghiệp vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức vì dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Áp lực cạnh tranh trong thương mại toàn cầu cũng ngày càng quyết liệt. Nhưng ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn có nhiều thời cơ khi hàng loạt hiệp định thương mại với nhiều khu vực, nhiều nước được ký kết, mở cửa cho nông sản Việt bước sâu hơn và sân chơi quốc tế.

Đánh giá về một trong những thay đổi lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, từ năm 2020, Việt Nam đã chứng kiến làn sóng đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng đã được định hình và khẳng định. Đây là hướng đi đúng cần tiếp tục phát triển trong thời gian tới vì sản xuất nông nghiệp và sản xuất nói chung phải gắn với tín hiệu của thị trường.

Một trong những nội dung của công tác phối hợp giữa Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT trong thời gian tới là chuyển tín hiệu thị trường này đến người nông dân, đến sản xuất nông nghiệp. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng để xây dựng và vận hành các chuỗi giá trị, đảm bảo sự bền vững của chuỗi cung ứng.

Sản xuất cây giống ở xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom. Ảnh: B.NGUYÊN
Sản xuất cây giống ở xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom. Ảnh: B.NGUYÊN

Góp ý về cơ hội để nông sản Việt tham gia tốt thị trường xuất khẩu khi bước vào hội nhập, ông Jos Leeters, Giám đốc Công ty Bureau Leeters (Hà Lan), một chuyên gia đã thực hiện nhiều dự án trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam và khu vực châu Á cho biết, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) và nhiều hiệp định thương mại khác đã và sẽ được ký kết là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị cũng như mạng lưới sản xuất toàn cầu. “Thế mạnh lớn nhất của Việt Nam là có điều kiện thiên nhiên quá ưu đãi để làm ra được những nông sản có chất lượng cao. Điểm yếu cần khắc phục trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam là chưa xây dựng được chuỗi liên kết giữa sản xuất và các khâu trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là các khâu sau thu hoạch, hậu cần, logistics…” - ông Jos Leeters góp ý.

TS Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM, đơn vị tư vấn cho Đồng Nai triển khai nhiều chương trình ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp đánh giá, chính quyền Đồng Nai rất năng động, rất quan tâm đến các chương trình ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực chăn nuôi nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung. Theo đó, Đồng Nai là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ứng dụng công nghệ 4.0 trong thống kê và quản lý đàn chăn nuôi với mục tiêu phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh gắn với phát triển ngành chế biến sản phẩm chăn nuôi không chỉ đáp ứng tốt thị trường trong nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu.

* Đặt ra nhiều mục tiêu lớn

Bám sát các mục tiêu của Chính phủ, ngành Nông nghiệp của Đồng Nai cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động trong năm 2021 và của cả nhiệm kỳ mới 2021-2025.

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh, định hướng của Đồng Nai trong phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn mới là tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực cấp trung ương, cấp tỉnh và đặc sản địa phương. Khai thác, tận dụng tốt lợi thế về phát triển nông nghiệp để xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn chất lượng; kết nối nông nghiệp với chế biến sâu nông sản. Xây dựng nền nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ kết hợp phát triển du lịch sinh thái…

Kỹ sư nông nghiệp của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, H.Định Quán) giới thiệu vườn cây giống đầu dòng của doanh nghiệp. Ảnh: B.Nguyên
Kỹ sư nông nghiệp của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, H.Định Quán) giới thiệu vườn cây giống đầu dòng của doanh nghiệp. Ảnh: B.Nguyên

Đồng Nai đã có hàng loạt chương trình, đề án phát triển nông nghiệp trong giai đoạn hội nhập như: đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; đề án Nghiên cứu khả thi phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel; đề án phát triển nông nghiệp đô thị Tây Nam… Tuy mỗi đề án, chương trình có một trọng tâm riêng nhưng đều tập trung vào mục tiêu hỗ trợ người sản xuất và doanh nghiệp có thể chuyển đổi và phát triển phù hợp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; khai thác, sử dụng hiệu quả các lợi thế riêng của Đồng Nai trong phát triển sản xuất nông nghiệp; trong đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo quy mô hàng hóa lớn, đạt năng suất, chất lượng quốc tế; xây dựng chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng được những thương hiệu lớn cho nông sản địa phương...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, nông dân càng tiếp cận được sát với thị trường thì càng có lợi vì giảm bớt được những khâu trung gian. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) tạo điều kiện tiêu thụ trực tiếp nông sản cho nông dân. Người nông dân sẽ ngày càng được tiếp cận với khoa học công nghệ cao hơn, sản xuất sạch hơn và tiêu thụ tốt hơn. Với những giải pháp đó, hy vọng sẽ đưa khu vực nông thôn của Đồng Nai phát triển một cách rõ rệt; xóa khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực đô thị và nông thôn.

Định hướng cho phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, đất công nghiệp, thương mại dịch vụ đang lấn dần vào đất nông nghiệp, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp nên các địa phương buộc phải quy hoạch những vùng sản xuất chuyên canh đạt chuẩn an toàn. Tỉnh sẽ đầu tư hạ tầng đảm bảo nguồn nước, có điện, đường sá để người dân có đầy đủ các điều kiện để sản xuất.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều