Báo Đồng Nai điện tử
En

Các vùng nông sản dồi dào nguồn cung dịp Tết

03:02, 04/02/2021

Nhiều vùng chuyên canh nông sản, thực phẩm của tỉnh Đồng Nai hiện đang rộ mùa thu hoạch Tết, thời điểm cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều sôi động nhất trong năm....

Nhiều vùng chuyên canh nông sản, thực phẩm của Đồng Nai hiện đang rộ mùa thu hoạch Tết, thời điểm cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều sôi động nhất trong năm. Mùa thu hoạch Tết Nguyên đán 2021, nhiều vùng nông sản trúng mùa nên hàng hóa rất dồi dào, sẵn sàng cung cấp ra thị trường.

Thu hoạch nấm mèo tại xã Suối Nho, H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên
Thu hoạch nấm mèo tại xã Suối Nho, H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên

[links()]Đa số các loại nông sản, thực phẩm hầu như không có giá Tết, thậm chí còn rẻ hơn cả ngày thường vì nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm sút do ảnh hưởng dịch Covid-19.

* Không có “giá Tết”

Mọi năm, những tuần cận Tết, các vùng nuôi gà ta ở các huyện Long Thành, Cẩm Mỹ, Trảng Bom... luôn rộn ràng cảnh thương lái từ khắp các tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận đua nhau đến đặt gà, bắt gà với số lượng lớn đưa đi khắp nơi tiêu thụ. Vụ thu hoạch Tết Nguyên đán luôn được người chăn nuôi kỳ vọng nhất trong năm vì gà ta thường “sốt” giá khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Nhưng Tết Nguyên đán 2021, nhiều vùng đổ xô nuôi gà ta, nguồn cung dồi dào trong khi thị trường tiêu thụ giảm mạnh vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến càng cận Tết, giá gà ta thả vườn càng hạ nhiệt. 

Theo số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, năm 2020, sản lượng nhiều cây ăn trái chủ lực trên địa bản tỉnh đều tăng so với năm ngoái. Cụ thể, sản lượng xoài đạt trên 98,8 ngàn tấn, tăng hơn 7,7%; chuối đạt gần 130 ngàn tấn, tăng 8,5%; bưởi đạt gần 68,9  ngàn tấn, tăng gần 15%... Riêng trong tháng 1-2021, dự ước sản lượng thu hoạch của trái bưởi đạt trên 3,2 ngàn tấn, tăng hơn 14,5% so với cùng kỳ; thanh long đạt gần 1,4 ngàn tấn, tăng hơn 5%; chuối  đạt trên 8,6 ngàn tấn, tăng hơn 8%...

Ông Nguyễn Hoàng Sự, chủ trại nuôi gà ta thả vườn tại xã Xuân Đông (H.Cẩm Mỹ) so sánh, hơn 1 tháng trước, giá gà ta thả vườn có thời điểm đạt mức 65-70 ngàn đồng/kg nhưng nhiều trại nuôi lại không vội xuất bán vì kỳ vọng càng cận Tết giá càng cao. Nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, giá mặt hàng này lập tức giảm xuống còn 55-63 ngàn đồng/kg vì thị trường tiêu thụ chậm. Hiện giá gà giảm mạnh nhưng thương lái lại mua nhỏ giọt vì họ cũng lo rủi ro về thị trường do ảnh hưởng dịch bệnh.

Ngay cả mặt hàng được dự báo sẽ khan hàng, “sốt” giá như thịt heo do nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ vì tổng đàn heo vẫn chưa khôi phục lại sau thiệt hại bởi dịch tả heo châu Phi. Nhưng hiện thị trường heo hơi đã bước vào cao điểm tiêu thụ Tết Nguyên đán 2021 nhưng giá heo hơi lại bất ngờ đảo chiều hạ nhiệt so với vài tuần trước đó. Đặc biệt, heo có trọng lượng lớn từ 1,3-1,5 tạ/con thường được tiêu thụ mạnh vào mùa Tết do thị trường Trung Quốc ưa chuộng lại bất ngờ rớt giá chỉ còn 75 ngàn đồng/kg, thấp hơn 5 ngàn đồng/kg so với heo đúng trọng lượng. Nguyên nhân chính vì hiện heo Việt Nam không xuất đi Trung Quốc như mùa Tết Nguyên đán mọi năm. Một nguyên nhân khác là thị trường tiêu thụ nội địa cũng giảm sút mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thu hoạch rau cần nước tại xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất
Thu hoạch rau cần nước tại xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất

Không chỉ những nông sản, thực phẩm thiết yếu mà các loại đặc sản như: gà trống thiến, gà thảo mộc, gà Đông Tảo, cá chép giòn... cũng không có “giá Tết” vì tiêu thụ chậm hơn nhiều so với cùng kỳ mọi năm. Ông Vũ Ngọc Tuấn, chủ trại nuôi đặc sản gà Đông Tảo tại xã Đông Hòa (H.Trảng Bom) cho hay, từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, nhu cầu tiêu thụ gà Đông Tảo bị ảnh hưởng rất lớn. Theo đó, vụ Tết Nguyên đán 2021, sản lượng gà nuôi tại trại vẫn như ngày thường và chủ yếu cung cấp cho một số mối khách quen. Ông Tuấn cũng không tăng giá bán gà Tết để giữ chân khách hàng.

* Nông sản “đợi” người mua

Những năm trước, thường từ 1-2 tháng trước Tết Nguyên đán, thương lái đã đua nhau đến các nhà vườn đặt thanh long, xoài, bưởi... để chuẩn bị cho đơn hàng xuất khẩu và thị trường Tết. Theo đó, nông dân đều đổ vốn đầu tư làm nghịch vụ, xử lý để cây cho thu hoạch rộ vào mùa Tết vì thường bán được với giá tốt. Nhưng năm nay, đa số thương lái chỉ đi khảo sát các vườn chứ không đặt cọc trước như mọi năm. Nguyên nhân chính là do dịch Covid-19 khiến hoạt động xuất khẩu nông sản, đặc biệt trái cây tươi gặp nhiều khó khăn, thậm chí đình đốn. Hiện giá các loại trái cây xuất khẩu vào mùa cuối năm đồng loạt giảm sâu. Cụ thể, thanh long ruột đỏ loại 1 chủ yếu cung cấp cho thị trường xuất khẩu hiện bán tại vườn chỉ có giá dưới 20 ngàn đồng/kg, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Xoài giống Đài Loan xuất khẩu cũng còn khoảng 10 ngàn đồng/kg, không chỉ thấp hơn nhiều lần so với giá Tết năm ngoái mà còn thua xa mức giá bán ngày thường.

Tính đến cuối tháng 1-2021, tổng đàn gia súc của tỉnh đạt gần 2 triệu con, tăng gần 3,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tổng đàn heo đạt gần 1,89 triệu con, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Tổng đàn gia cầm hiện có gần 24,3 triệu con, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Riêng tổng đàn gà đạt gần 21,8 triệu con, tăng trên 3% so với cùng kỳ.

Ông Hà Thắng, Giám đốc HTX Nông nghiệp, dịch vụ Bình Minh (xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) xót xa, càng cận Tết, giá nhiều loại trái cây càng giảm. Hiện bưởi da xanh còn 15 ngàn đồng/kg, quýt đường còn 16 ngàn đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức giá các tháng trước đó. Nông dân càng lo lắng vì bưởi, quýt còn đầy vườn, bán giá thấp mà thương lái cũng chỉ mua cầm chừng do cung vượt hơn nhiều so với nhu cầu tiêu thụ.

Cùng nỗi lo, Ông Vũ Đình Đàm - Giám đốc HTX Thủy sản du lịch sinh thái Làng Bè (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) nhận xét: “Hiện người nuôi cá bè Hiệp Hòa như ngồi trên lửa vì còn hàng trăm tấn cá chờ thu hoạch. Giá nhiều loại cá tiêu thụ mạnh trong dịp Tết như: cá chép, lăng, diêu hồng, cá chép giòn... đều đang đứng ở mức thấp nhưng gọi thương lái rất chậm thu mua, thậm chí không tìm được nơi tiêu thụ”.

Nông dân thu hoạch bưởi Tết tại xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Nguyên
Nông dân thu hoạch bưởi Tết tại xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Nguyên

Xuất khẩu gặp khó, thị trường trong nước trở thành “cứu cánh” tiêu thụ các loại nông sản, thực phẩm.  Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX xoài Suối Lớn, xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc) chia sẻ, hiện HTX còn hơn 200 tấn xoài đã đến độ thu hoạch. Sản lượng này ít hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái nhưng các xã viên rất lo vì giá xoài giảm mạnh nhưng thương lái chỉ mua cầm chừng do hầu như không xuất khẩu được. Giờ họ chỉ còn trông chờ vào thị trường nội địa, đặc biệt là sức mua những ngày cao điểm Tết sẽ khởi sắc hơn để bán được bớt lượng xoài còn tồn trong vườn.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều