Báo Đồng Nai điện tử
En

''Siêu'' dự án tạo động lực tăng trưởng

11:01, 04/01/2021

Sân bay Long Thành khi hoàn thành xây dựng sẽ là sân bay lớn nhất cả nước, do đó động lực tăng trưởng từ "siêu" dự án này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai là cực kỳ to lớn.

Sân bay Long Thành khi hoàn thành xây dựng sẽ là sân bay lớn nhất cả nước, do đó động lực tăng trưởng từ "siêu" dự án này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai là cực kỳ to lớn.

Đồng Nai đang tập trung quy hoạch và đầu tư mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối sân bay Long Thành để khai thác tối đa lợi thế. Trong ảnh: Hương lộ 10 kết nối với cửa ngõ phía Đông sân bay Long Thành. Ảnh: QUỲNH NHI
Đồng Nai đang tập trung quy hoạch và đầu tư mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối sân bay Long Thành để khai thác tối đa lợi thế. Trong ảnh: Hương lộ 10 kết nối với cửa ngõ phía Đông sân bay Long Thành. Ảnh: QUỲNH NHI

Đồng Nai cũng đã sẵn sàng tâm thế và các công tác chuẩn bị về quy hoach, nguồn lực để có thể tận dụng tối đa động lực tăng trưởng từ “siêu sân bay” Long Thành.

* Sẵn sàng đón thời cơ

Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho biết, ngoài vai trò rất lớn trong phát triển ngành Hàng không, sân bay Long Thành sẽ tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế lớn cho cả nước nói chung và vùng Đông Nam bộ cũng như tỉnh Đồng Nai nói riêng. “Theo tính toán của đơn vị tư vấn, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ đóng góp vào GDP chung của cả nước khoảng 1%” - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Dự án Xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư gần 110 ngàn tỷ đồng. Theo đánh giá của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường, chỉ riêng nguồn vốn đầu tư xây dựng sân bay Long Thành cũng sẽ đóng góp rất lớn vào GDP của tỉnh. Sân bay Long Thành cùng các tuyến đường cao tốc được Trung ương đầu tư trên địa bàn sẽ là động lực quan trọng để Đồng Nai phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Với vị thế là sân bay lớn nhất cả nước khi hoàn thành xây dựng, sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ lan tỏa động lực rộng lớn cho nhiều vùng của Đồng Nai.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đánh giá, sân bay Long Thành không chỉ hút vốn đầu tư xây dựng về Đồng Nai, quan trọng hơn, dự án sẽ tạo ra động lực phát triển cho nhiều vùng huyện của tỉnh. “Tỉnh cũng đã nghiên cứu kỹ những tác động của sân bay Long Thành đến phát triển kinh tế - xã hội để đưa vào quy hoạch nhằm phát huy tối đa lợi thế mà dự án mang lại” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đồng Nai đang triển khai thực hiện chính là quy hoạch và đầu tư mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối với sân bay Long Thành. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, khi đã có sân bay thì phải có mạng lưới giao thông kết nối để khai thác hiệu quả, tránh tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra.

Hiện nay, Sở GT-VT đã đề xuất mở mới 3 tuyến đường kết nối trực tiếp với sân bay Long Thành. Ngoài ra, nhiều tuyến giao thông hiện có, kết nối với sân bay Long Thành cũng được đề xuất nâng cấp, mở rộng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, ngoài các tuyến giao thông lớn do Trung ương đầu tư, Đồng Nai cũng đang quy hoạch các tuyến giao thông kết nối nhằm đưa sân bay Long Thành trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng. “Về quy hoạch giao thông tỉnh đã tính toán kỹ. Đồng Nai cũng kiến nghị Bộ GT-VT sớm triển khai đầu tư tuyến đường sắt nhẹ nối sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho hay.  

* Tập trung xây dựng đồ án thành phố sân bay

Để có thể phát huy hết những lợi thế từ sân bay Long Thành, một trong những mục tiêu quan trọng mà Đồng Nai hướng tới chính là xây dựng đồ án quy hoạch thành phố sân bay.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho hay, “thành phố sân bay” là một mô hình đô thị đặc biệt lấy dịch vụ vận chuyển hàng không làm trung tâm để hình thành và phát triển các trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại, logistics, hội nghị, văn phòng, cơ sở y tế, nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí, hệ thống giao thông…

Theo ông Lại Xuân Thanh, quy hoạch sân bay Long Thành hoàn toàn có đủ diện tích đất cần thiết cho thời điểm hiện tại và trong tương lai để phát triển thành một trung tâm hàng không hiện đại, phát triển các dịch vụ hàng không, phi hàng không đầy đủ, đa dạng, phong phú, đặc biệt là phát triển mô hình “thành phố sân bay". Hành khách đến cảng hàng không đó có thể dự hội nghị, gặp gỡ, mua sắm mà không cần phải vào thành phố.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, để xây dựng đô thị sân bay thì vấn đề đầu tiên là phải có quy hoạch. Hiện nay, Đồng Nai đang làm công tác quy hoạch đối với mục tiêu xây dựng đô thị sân bay. Tỉnh cũng đã đi học tập mô hình này ở một số sân bay quốc tế. Tất cả các nội dung đã được tiếp thu và trao đổi với đơn vị tư vấn để có được một đồ án thành phố sân bay hoàn chỉnh, đồng thời tính toán lộ trình đầu tư để khai thác tối đa lợi thế mà sân bay Long Thành mang lại. “Đối với công tác quy hoạch, có thể đến cuối năm 2021, quy hoạch xây dựng thành phố sân bay sẽ được công bố” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường, sân bay Long Thành cùng các tuyến đường cao tốc, các tuyến giao thông kết nối là cơ hội để Đồng Nai cất cánh. Tỉnh cũng đã đưa các nội dung này vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và khẳng định, cực để tăng trưởng của tỉnh trong 5 năm tới là vùng Long Thành - Nhơn Trạch, trong đó đã tính kết nối và quy hoạch các vùng lân cận, các huyện: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Thống Nhất, khi sân bay xây dựng, đi vào hoạt động.

Quỳnh Nhi

Tin xem nhiều